Nghệ An tập trung cho vay phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11

Thu Huyền 23/07/2022 10:06

(Baonghean.vn) - Thực hiện Kế hoạch của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam về triển khai Nghị quyết số 11 ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghệ An đã tích cực triển khai và đạt được một số kết quả quan trọng.

Tiến độ giải ngân cho vay đạt trên 78%

Yên Thành là huyện có đối tượng chính sách lớn, với quy mô tín dụng chính sách hơn 750 tỷ đồng, là một vùng đất có truyền thống hiếu học, trên địa bàn toàn huyện có hàng chục ngàn em học sinh, sinh viên đang theo học. Triển khai Nghị quyết số 11 ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhiều học sinh, sinh viên, cơ sở giáo dục trên địa bàn được vay vốn phục vụ việc dạy và học.

Năm 2021, sinh viên Thái Văn Lực – con trai ông Thái Văn Chín ở xóm 3, xã Lý Thành, đang theo học tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Gia đình ông Thái Văn Chín là hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, hai vợ chồng làm nông lại đau ốm thường xuyên nên việc phụ cấp nuôi con ăn học gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc được vay vốn 12,5 triệu đồng để trang trải chi phí học tập cho con, gia đình được hỗ trợ vay số tiền 10 triệu đồng với lãi suất 1,2%/năm, thời hạn cho vay 36 tháng.

Ông Thái Văn Chín cho biết, đồng vốn vay hỗ trợ theo Nghị quyết 11 đã giúp ông có điều kiện mua thiết bị vi tính phục vụ cho con học tập, giảm bớt khó khăn cho gia đình.

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Thành giải ngân vốn vay cho ông Thái Văn Chín ở xóm 3, xã Lý Thành có con trai đang theo học tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Thu Huyền

Theo ông Phan Hữu Trang - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Thành, thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách lớn của Chính phủ cho mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội được triển khai rộng khắp trên toàn huyện. Với vai trò thực hiện các mục tiêu phục hồi của Chính phủ trong và sau đại dịch Covid -19, vốn tín dụng chính sách lại đồng hành cùng các doanh nghiệp, cơ sở mầm non có thêm nguồn lực để phục hồi và tái sản xuất, học sinh, sinh viên không đến trường do dịch bệnh khó khăn được vay vốn để mua máy tính và các thiết bị học trực tuyến...

Kết quả triển khai Nghị quyết 11 đến ngày 30/7/2022 tại Nghệ An. Đồ hoạ: Hữu Quân

Thời gian qua, triển khai thực hiện Nghị quyết số 11, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Nghệ An phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổng hợp nhu cầu vốn các chương trình tín dụng chính sách giai đoạn 2022-2023 trên địa bàn. Trên cơ sở tổng hợp, rà soát, tổng nhu cầu của 5 chương trình tín dụng là 2.177 tỷ đồng, trong đó: Năm 2022 là 1.069 tỷ đồng; năm 2023 là 1.108 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2022, chi nhánh đã được giao vốn 2 đợt với tổng chỉ tiêu 5 chương trình tín dụng là 469 tỷ đồng. Ngay sau khi nhận được quyết định giao vốn của Tổng Giám đốc, chi nhánh đã tham mưu cho Ban Đại diện Hội đồng Quản trị phân giao đến các huyện, thị xã, thành phố để triển khai thực hiện.

Đến ngày 30/6/2022, tổng số hồ sơ chi nhánh tỉnh đã tiếp nhận 9.145 bộ/số tiền dự kiến cho vay 266,9 tỷ đồng. Từ cuối tháng 4 đến nay, chi nhánh đã giải ngân nguồn vốn (4/5 chương trình tín dụng được phép thực hiện) cho 8.913 khách hàng, số tiền trên 250,2 tỷ đồng, hoàn thành 78,4% (chưa tính 150 tỷ đồng cho vay dân tộc thiểu số, miền núi).

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Kỳ hướng dẫn người dân vay vốn giải quyết việc làm theo Nghị quyết 11 cho các đối tượng thụ hưởng. Ảnh: Thu Huyền

Ngoài ra, chi nhánh cũng thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP. Theo kết quả tổng hợp xây dựng kế hoạch hỗ trợ lãi suất từ các phòng giao dịch cấp huyện: Dư nợ bình quân được hỗ trợ lãi suất năm 2022 là 1.665 tỷ đồng, nhu cầu số tiền hỗ trợ lãi suất trong năm 2022 là 33,4 tỷ đồng.

Cho vay kịp thời, đúng đối tượng

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Theo lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, nguồn vốn chương trình giải quyết việc làm được Trung ương phân bổ cho chi nhánh còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế trên địa bàn, hiện mới đạt 130/730 tỷ đồng nhu cầu (bằng 17,8%), chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn thực tế để tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Đối với chương trình cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, một số ý kiến cho biết, đến nay, Trung ương chưa ban hành văn bản hướng dẫn cho vay, địa phương chưa công bố kết quả phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng các tiểu dự án liên quan đến vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội theo Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, do đó, quá trình phối hợp rà soát, xác định nhu cầu vốn gặp nhiều khó khăn, việc hoàn thành kế hoạch giải ngân 150 tỷ đồng nguồn vốn của chương trình này trong năm 2022 thực sự là thách thức đối với chi nhánh.

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Thành ký kết hợp đồng tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn phục hồi sản xuất do dịch. Ảnh: Thu Huyền

Ý kiến từ các tổ chức Hội Cựu chiến binh tỉnh, Tỉnh đoàn… cũng cho rằng, việc triển khai các chương trình cho vay gặp khó khăn do thủ tục, hóa đơn, chứng từ theo yêu cầu, giá cả vật liệu tăng cao dẫn tới việc triển khai vay vốn xây dựng nhà ở xã hội gặp khó khăn…

Chúng tôi đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện bố trí nguồn vốn thực hiện theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong năm 2022 để cho vay đáp ứng nhu cầu của các đối tượng (dự kiến trước mắt: Cho vay giải quyết việc làm 300 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ học sinh, sinh viên mua máy tính 12,5 tỷ đồng). Nghiên cứu hỗ trợ chức năng cảnh báo tự động về dư nợ theo chương trình tín dụng và tình trạng nợ của khách hàng cho người dùng khi đăng ký món vay trên hệ thống Intellect.

Ông Trần Khắc Hùng – Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh

Ngoài ra, UBND tỉnh, huyện tiếp tục quan tâm, cân đối bổ sung thêm ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cùng với nguồn vốn Trung ương tăng cường cho vay các chương trình tín dụng, hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ. Chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng các chính sách tín dụng liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi để Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ cho vay kịp thời trong năm 2022.

Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát được vay vốn lãi suất 0% trả lương ngừng việc cho lao động trong vòng 3 tháng. Ảnh: Thu Huyền

Mới đây, tại cuộc làm việc với Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 ngày 31/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Đức Hải - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam ghi nhận Nghệ An đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương, phân công nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện sát sao nên đạt kết quả tốt, đảm bảo yêu cầu của Trung ương, đạt trên 78% chỉ tiêu kế hoạch.

Vì đối tượng cho vay theo Nghị quyết khá rộng, để tăng hiệu quả hưởng lợi từ chương trình, cũng như tránh trục lợi chính sách, Phó Tổng Giám đốc lưu ý Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục chủ động phối hợp với các tổ chức nhận ủy thác đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho vay các chương trình tín dụng nhanh, gọn, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng. Tiếp tục rà soát, xác lập nhu cầu vốn đối với các chương trình đã giải ngân hết chỉ tiêu trình cấp trên bổ sung nguồn vốn, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu thực tế…

Mới nhất

x
Nghệ An tập trung cho vay phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO