Nghệ An tập trung giải pháp gỡ thẻ vàng IUU cho thủy sản
(Baonghean.vn) - Gỡ thẻ vàng châu Âu đối với khai thác thủy sản là nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam. Tại Nghệ An, tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động và triển khai các giải pháp chống khai thác IUU một cách khá tích cực và đồng bộ.
Nhiều kết quả tích cực
Đến thời điểm này, Nghệ An đã đạt được một số kết quả về kiểm tra, quản lý hoạt động đánh bắt hải sản theo quy định của Luật Thủy sản và từng nội dung theo khuyến cáo thẻ vàng của EC.
Đến 30/4/2023, Nghệ An có 3.379 chiếc tàu cá, trong đó, tàu có chiều dài từ 6m trở lên thuộc diện phải đăng ký là 2.482 chiếc, tỉnh đã quản lý được theo 7 nhóm nghề: Nghề lưới kéo 690 tàu, nghề lưới vây 146 tàu, nghề lưới rê 826 tàu, nghề câu 115 tàu, nghề chụp 544 tàu, nghề dịch vụ hậu cần 33 tàu và nghề khác 128 tàu. Tỉnh đã cấp chứng nhận an toàn thực phẩm cho 1.105/1.141 tàu, đạt 96,84%.
Bên cạnh đó, trong tổng số 16.725 lao động đánh bắt hải sản, tỉnh cũng duy trì cơ cấu hợp lý 8.476 lao động khai thác vùng khơi, 3.109 lao động khai thác vùng lộng và 5.140 lao động vùng ven bờ. Hàng năm, có khoảng 700 ngư dân được đào tạo và cấp các văn bằng, chứng chỉ chuyên môn.
Ngư dân xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) chuẩn bị ngư cụ để đánh bắt nghề Vây. Ảnh: N.Hải |
3 năm lại đây, các cảng cá được đầu tư nâng cấp hạ tầng, trong đó, 4 cảng đủ điều kiện chỉ định để cấp chứng chỉ truy xuất nguồn gốc. Mặc dù còn một số khó khăn, nhưng hiện các cảng cá đã cập nhật sản lượng cá và tàu ra, vào cập cảng ngày càng cao và chính xác hơn.
Ông Phan Tiến Chương - Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Nghệ An cho biết: hiện Nghệ An có 4 cảng đáp ứng điều kiện, cơ sở cấp chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản và Cảng cũng đã sẵn sàng các điều kiện hồ sơ, thủ tục. Tuy nhiên, do Nghệ An chưa có đơn vị xuất khẩu thủy sản trực tiếp sang các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ nên hiện chưa có đơn vị, doanh nghiệp nào yêu cầu cấp truy xuất nguồn gốc.
Sau khi được nâng cấp và đưa vào sử dụng, từ năm 2022, cảng cá Lạch Quèn trở thành 1 trong 4 cảng của Nghệ An được Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ định được cấp chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản để phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Hải |
Mặt khác, nhờ được sự quan tâm, hỗ trợ của HĐND và UBND tỉnh, nên khúc mắc lớn nhất về kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát VMS trên tàu cá khi bước vào thực hiện Luật Thủy sản đã được tháo gỡ. Từ chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 02 của HĐND tỉnh, năm 2021 có 1.106/1.128 tàu cá thuộc diện quy định đã lắp đặt thiết bị VMS, đạt 98,05%. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang xây dựng chính sách hỗ trợ duy trì thuê bao VMS hàng tháng. Đây là cơ sở để các cơ quan chức năng giám sát và kiểm tra phạm vi hoạt động của các tàu cá trên biển.
Đại diện Đồn Biên phòng Quỳnh Phương (TX Hoàng Mai) cho biết: song song với các chính sách hỗ trợ, động viên ngư dân chuyển đổi nghề, vươn khơi bám biển, tỉnh cũng có lộ trình giảm bớt tàu thuyền và giảm phương thức đánh bắt trong vùng ven bờ và vùng lộng. Từ đó, các lực lượng chức năng mới có cơ sở để giám sát và xử lý nghiêm tình trạng này.
Đoàn liên ngành tuyên truyền trước khi xử phạt hành chính một chủ tàu cá dùng kích điện để đánh bắt hải sản. Ảnh: Nguyễn Hải |
Từ năm 2020 lại đây, cùng với tích cực tuyên truyền trên bờ, hàng năm các lực lượng chức năng của tỉnh đã thực hiện hàng trăm chuyến tuần tra ven biển để nhắc nhở và xử phạt các tàu, thuyền đánh bắt trái phép, đánh bắt tận diệt. Nhờ đó, tình trạng dùng các vật liệu nổ hoặc ngư cụ đánh bắt trái phép trên vùng biển ven bờ gần đây giảm hẳn. Qua kiểm tra thực tế cũng cho thấy, các chủ tàu mỗi khi xuất cảng, đi biển đều làm thủ tục và xuất trình giấy tờ…
Đội tàu đánh xa bờ huyện Quỳnh Lưu về neo đậu tại bờ Bắc cảng cá Lạch Quèn (Quỳnh Lưu). Ảnh: N.H |
Những năm qua, Tổng cục Thủy sản đã quản lý việc đánh bắt trên các ngư trường, giao chỉ tiêu hạn ngạch tàu đóng mới cho từng địa phương. Thực hiện chủ trương trên, tỉnh Nghệ An đã rà soát, nâng điều kiện đăng kiểm để loại bỏ tàu cũ và tàu không đảm bảo chất lượng, nên đã giảm được gần 200 tàu đánh bắt xa bờ không đủ điều kiện ra khơi.
Những khó khăn và nhiệm vụ trọng tâm mới
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua, tình trạng mất kết nối thiết bị VMS trên tàu cá vẫn diễn biến phức tạp. Cụ thể, năm 2022, tổng số lượt tàu cá mất kết nối là 12.809 lượt, trong đó, mất kết nối quá 10 ngày trên biển là 370 lượt; 4 tháng đầu năm 2023, tổng số lượt tàu cá mất kết nối là 6.356 lượt, trong đó, mất kết nối quá 10 ngày là 256 lượt. Được biết, Ủy ban châu Âu (EC) rất quan tâm đến thông tin này. Vì vậy, các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An cần chuẩn bị, có cơ sở giải thích, chứng minh thuyết phục khi đoàn công tác của EC kiểm tra, chất vấn.
Đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản kiểm tra về IUU cuối năm 2022 tại cảng cá Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai). Ảnh: Nguyễn Hải |
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, từ năm 2018 - 2022, có 131 tàu cá Nghệ An vi phạm vùng biển nước ngoài, trong đó, riêng năm 2022 là 96 tàu; 4 tháng đầu năm 2023 có 55 lượt tàu. Ông Lê Văn Hướng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản chia sẻ: Vịnh Bắc Bộ là ngư trường truyền thống của ngư dân Nghệ An. Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã hết hiệu lực, hai bên chưa ký lại. Theo quy ước, ngư dân nước nào đánh bắt vùng biển nước đó, không có vùng đánh cá chung như trước đây nên rất dễ vi phạm, cần thận trọng.
Cán bộ Ban Quản lý cảng cá làm thủ tục cho ngư dân xuất bến đi đánh xa bờ. Ảnh: N.Hải |
Hiện nay, tàu cá mất kết nối giám sát hành trình do nhiều nguyên nhân, bao gồm hư hỏng do chập cháy điện, thiết bị kém, sóng chập chờn; do chủ tàu cá tìm cách đối phó nên tự ngắt thiết bị; do thiết bị Movimar trước đây Nhà nước hỗ trợ nay quá cũ (450 bộ thiết bị), hỏng hóc.
Tình trạng trên, theo Nghị định 42/CP là chưa đủ cơ sở để tiến hành xử phạt. Trên thực tế, mức xử phạt ngắt kết nối VMS khá nặng, nên cơ quan chức năng còn "nhẹ tay" trong xử lý và đang kiến nghị sửa đổi quy định xử phạt cho đồng bộ.
Lực lượng kiểm ngư Nghệ An trao áo phao cho ngư dân tàu đánh xa bờ và kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở về đánh bắt đúng vùng biển đăng ký và được cấp phép. Ảnh: Nguyễn Hải |
Ông Trần Như Long - Phó Chi cục trưởng, phụ trách Chi cục Thủy sản Nghệ An cho biết: Để chủ động đón đoàn EC sang làm việc, kiểm tra tại Việt Nam vào cuối tháng 5 này, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đón và làm việc với đoàn; đồng thời, Sở Nông nghiệp và PTNT đang tích cực tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển giai đoạn 2023-2025.
Nếu chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển giai đoạn 2023-2025 được thông qua, dự kiến năm 2023 tỉnh hỗ trợ 14 tỷ đồng và 2 năm tiếp theo hỗ trợ 11 tỷ đồng/năm, tổng cộng là 36 tỷ đồng để tăng mức hỗ trợ cước duy trì thuê bao VMS hàng tháng, hỗ trợ thay thế thiết bị Movimar trước đây cho các chủ tàu bị hư hỏng và hỗ trợ chi phí xăng, dầu cho ngư dân vươn khơi theo từng chuyến biển... Hy vọng, khi chính sách trên được thông qua thì tình trạng ngắt kết nối VMS sẽ chấm dứt và sẽ hạn chế tối đa tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vì vi phạm đồng nghĩa với không được hỗ trợ.
Ông Trần Như Long- Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục thủy sản cho biết