Nghệ An: Tập trung thanh tra lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm.
(Baonghean.vn) -Thời gian qua, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các ngành, địa phương, các tổ chức thanh tra thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra dưới nhiều hình thức. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm; chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của CBCC
Thanh tra ra sai phạm
Trong năm 2021, Thanh tra Sở Tài chính đã tiến hành 21 cuộc thanh tra tại 70 đơn vị. Qua đó, phát hiện một số sai phạm trong quản lý, điều hành ngân sách cấp huyện, cấp xã như: giao bổ sung kinh phí ngay từ đầu năm chưa đúng quy định; cấp phát kinh phí bằng lệnh chi tiền cho một số đơn vị không đúng đối tượng; việc xử lý công trình tồn đọng còn chậm. Còn đối với các đơn vị công lập tồn tại một số sai phạm như: không thực hiện kê khai thuế hoặc kê khai không đầy đủ; sử dụng các nguồn cải cách tiền lương, trích lập các quỹ không đúng quy định...
Dự án tổ hợp khách sạn, siêu thị kinh doanh dược, y tế và nhà ở tại xã Nghi Phú, thành phố Vinh được Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thanh tra toàn diện nhằm xử lý triệt để tồn tại, sai phạm của dự án và công tác quản lý. Ảnh tư liệu |
Từ các sai phạm trên, Thanh tra Sở Tài chính đã kiến nghị xử lý tổng số tiền 11.811 triệu đồng. Trong đó, thu hồi vào tài khoản tạm giữ 9.522/9.821 triệu đồng, đạt 97%; thu hồi nộp ngân sách Nhà nước tỉnh 322/322 triệu đồng, đạt 100%, giảm thanh toán 438 triệu đồng, xử lý khác 1.188 triệu đồng. Trong quá trình thanh tra, Sở Tài chính đã kịp thời phổ biến, hướng dẫn các đơn vị cập nhật và thực hiện các văn bản, chế độ, chính sách mới. Qua đó, giúp các đơn vị khắc phục kịp thời các thiếu sót, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Là một ngành có nhiều đầu mối, quản lý nhiều lĩnh vực liên quan đến sức khỏe con người, bởi vậy, công tác thanh tra luôn được ngành Y tế quan tâm. Trong năm 2021, Thanh tra Sở Y tế đã thành lập 19 đoàn thanh, kiểm tra chuyên ngành, bao gồm cả thanh tra theo kế hoạch và thanh, kiểm tra đột xuất đối với 185 tổ chức, cá nhân. Qua đó, phát hiện, ra quyết định xử phạt hành chính 27 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt là 333.200.000 đồng. Ngoài ra, xử phạt bằng các hình thức khác như tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh, kinh doanh dược...
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra việc kinh doanh các loại kit test, thuốc điều trị Covid - 19 tại các hiệu thuốc trên địa bàn TP.Vinh. Ảnh Q. |
Trong năm 2021, toàn ngành Thanh tra đã phát hiện sai phạm 70.561 triệu đồng và xử phạt vi phạm hành chính 11.860 triệu đồng. Trong đó, đã triển khai 294 cuộc thanh tra hành chính, phát hiện sai phạm 64.346 triệu đồng và 2,305 m2 đất; kiến nghị xử lý hành chính 134 tổ chức cá nhân có sai phạm, phát hiện 2 vụ việc chuyển cơ quan điều tra.
Đối với thanh, kiểm tra chuyên ngành, toàn ngành đã thực hiện 1.037 cuộc tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn; tài nguyên và môi trường, y tế... Qua thanh tra, đã phát hiện 2.322 tổ chức và cá nhân vi phạm, phát hiện tổng số tiền vi phạm và kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước là 6.215 triệu đồng, ban hành 2.314 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 11.860 triệu đồng.
Tăng cường thanh tra trách nhiệm, công vụ
Trong năm 2021, toàn ngành Thanh tra của tỉnh đã thực hiện 104 cuộc thanh tra công vụ, thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành trong thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Qua thanh tra, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 64 tổ chức, 323 cá nhân sai phạm.
Bên cạnh đó, tiêu chí về tỷ lệ đơn vị được thanh tra trách nhiệm cũng được đưa vào chấm điểm, xếp loại đối với giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, trực thuộc UBND tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã trong công tác thanh tra, tiếp công dân giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh, tranh chấp đất đai và PCTN hàng năm. (Tại 30% đơn vị trực thuộc đối với đơn vị có từ 1-10 đơn vị trực thuộc; 25% đối với đơn vị có từ 11-20 đơn vị trực thuộc; 20% đối với đơn vị có từ 21-23 đơn vị trực thuộc; 15% đối với đơn vị có từ 31 đơn vị trực thuộc trở lên). Cách làm này không những nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo mà còn nâng cao trách nhiệm, nghiệp vụ, kinh nghiệm cho từng cán bộ, công chức.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung làm việc với Thanh tra tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành Thanh tra. Ảnh tư liệu Phạm Bằng |
Tại thị xã Thái Hòa, hàng năm trên cơ sở định hướng của cấp trên và căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, thanh tra thị xã chủ động khảo sát, lên kế hoạch, nội dung thanh tra phù hợp, đúng đối tượng, tập trung vào những vấn đề dư luận, quần chúng nhân dân quan tâm. Năm vừa qua, thanh tra thị xã Thái Hòa đã thực hiện 3 cuộc thanh tra trách nhiệm gắn với thanh tra công vụ tại 3 đơn vị xã, phường, đảm bảo tiêu chí về tỷ lệ đơn vị được thanh tra. Qua đó, phát hiện một số cán bộ, công chức tại các phòng, ban, xã, phường giải quyết các nhiệm vụ được giao còn chậm thời gian. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư tại các xã, phường gặp một số hạn chế như việc phân loại, xử lý đơn thư còn nhầm lẫn, một số vụ việc giải quyết chưa đảm bảo đúng quy định, chế độ thông tin, báo cáo còn chậm… Từ đó, kịp thời kiến nghị UBND thị xã chỉ đạo chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến tích cực trong thực thi nhiệm vụ công vụ của các đơn vị trên địa bàn.
Thanh tra trách nhiệm gắn với thanh tra công vụ và kiểm tra đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính cũng là một trong những giải pháp để phòng ngừa tham nhũng. Riêng trong năm 2021, ngành Thanh tra đã tổ chức 10 cuộc kiểm tra đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính Nhà nước tại 23 đơn vị, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm sai phạm, kỷ luật với hình thức khiển trách đối với 1 công chức vi phạm quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; chuyển đổi vị trí công tác đối với 689 lượt công chức, viên chức, rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết đối với 561 thủ tục hành chính đối với tổng thời gian được cắt giảm là 2.687 ngày; tỷ lệ người đã kê khai tài sản, thu nhập lần đầu đạt 99,9%, số bản kê khai đạt tỷ lệ 100%.
Kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh tư liệu: Thanh Lê |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo đánh giá của tỉnh, công tác thanh tra gặp một số tồn tại, hạn chế như một số đơn vị xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra chung chung, không cụ thể dẫn đến khó khăn cho việc rà soát, xử lý trùng lặp về đối tượng và nội dung thanh tra giữa các đơn vị. Việc triển khai báo cáo theo quy định của Thông tư số 02/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ còn nhiều lúng túng, thiếu chính xác dẫn tới khó khăn cho công tác tổng hợp số liệu thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của tỉnh. Cơ cấu tổ chức và số lượng cán bộ thanh tra còn bất cập, nhất là ở cấp huyện, việc thí điểm mô hình chức danh Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra chưa thống nhất, số lượng cán bộ làm công tác thanh tra còn ít. Còn nhiều đoàn giải quyết KNTC phải gia hạn, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc; một số người đứng đầu các đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC...
Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Nghệ An thanh, kiểm tra tại Công ty TNHH SX&TM Mom Beauty. Ảnh tư liệu Thành Chung |
Tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, GQKN tố cáo và PCTN diễn ra vào ngày 22/12/2021, đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Cần lựa chọn những nội dung có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện công tác thanh tra, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm. Trên cơ sở đó, phối hợp nhuần nhuyễn với các ngành trong khối nội chính phát hiện, kiến nghị với các cấp xử lý kịp thời, nhằm chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực. Đẩy mạnh công tác giám sát thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng.