Làm sáng tỏ vai trò lịch sử của nhà cách mạng Nguyễn Sỹ Sách với cách mạng Việt Nam
(Baonghean.vn) - Việc tổ chức hội thảo “Đồng chí Nguyễn Sỹ Sách với cách mạng và quê hương Nghệ An” nhằm tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của ông là một việc làm cần thiết. Qua đó, hiểu rõ hơn những truyền thống tốt đẹp của quê hương Thanh Chương nói riêng và Nghệ An nói chung.
Sáng 19/12, tại huyện Thanh Chương, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An phối hợp với huyện Thanh Chương tổ chức Hội thảo khoa học: “Đồng chí Nguyễn Sỹ Sách với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An”.
Tham dự Hội thảo có đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo huyện Thanh Chương, các nhà khoa học; đại diện con cháu dòng họ Nguyễn Sỹ xã Thanh Lương (Thanh Chương). Ảnh: Thanh Lê |
Nhà cách mạng lớn đầu thế kỷ XX
Nhà yêu nước Nguyễn Sỹ Sách (bí danh là Kiếm Phong) sinh ngày 20/01/1905 trong một gia đình nho học nghèo ở làng Tú Viên, tổng Xuân Lâm (nay là xã Thanh Lương), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Thủa nhỏ, ông nổi tiếng là người thông minh, hiếu học, sớm được tiếp thu truyền thống yêu nước của các sĩ phu trên mảnh đất Nghệ - Tĩnh. Từ lòng yêu nước sâu sắc, Nguyễn Sỹ Sách gia nhập tổ chức Hội Phục Việt - một tổ chức cách mạng từ rất sớm.
Mùa thu năm 1927, Nguyễn Sỹ Sách được cử sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện về Chủ nghĩa Mác - Lênin do Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội mở. Người trực tiếp lên lớp là Nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Viết Hùng báo cáo đề dẫn tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Lê |
Nguyễn Sỹ Sách từng giữ chức Bí thư Kỳ bộ Trung Kỳ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Tại Đại hội đại biểu Thanh niên toàn quốc của Hội Thanh Niên, ông được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Tổng bộ, đặc trách công tác trong nước.
Ngày 28/7/1929, Nguyễn Sỹ Sách bị giặc Pháp bắt giam, kết án tù khổ sai chung thân, đày ở nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị). Trong chốn ngục tù, ông cùng với các chiến sỹ cách mạng tiếp tục tổ chức đấu tranh. Hoảng sợ trước tinh thần cách mạng của các chiến sỹ cộng sản, giặc Pháp đã ra tay đàn áp. Nguyễn Sỹ Sách bị giặc bắn chết vào 17h ngày 19/12/1929, khi đó ông mới 24 tuổi. Lịch sử đấu tranh cách mạng của đất nước và quê hương mãi khắc ghi tên ông như một biểu tượng cho tinh thần quật khởi vì độc lập tự do cho dân tộc.
Nhà thờ đồng chí Nguyễn Sỹ Sách tại xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương. Ảnh: Thanh Lê |
Nhiều nghiên cứu mới
Nguyễn Sỹ Sách là nhà cách mạng lớn, tìm hiểu, nghiên cứu về ông đã có nhiều cuộc hội thảo được tổ chức. Tuy vậy, những nghiên cứu về ông vẫn chưa nhiều, còn rất nhiều khoảng trống về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng và đóng góp của ông đối với lịch sử đấu tranh của quê hương và đất nước vẫn chưa được nghiên cứu thỏa đáng. Nhất là giai đoạn tiền Xô Viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931).
Có thể thấy, tuy thời gian hoạt động và lãnh đạo phong trào cách mạng ngắn (1925 -1929) nhưng phong phú, anh dũng và đầy vẻ vang, ông đã 5 lần xuất dương (có 4 lần thành công) và là một trong những học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông Nguyễn Sỹ Sách là tấm gương sáng của một trí thức yêu nước, nhà cách mạng trở thành chiến sỹ cộng sản, một nhà lãnh đạo kiên cường dũng cảm trong buổi đầu thành lập Đảng.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương Trình Văn Nhã phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Lê |
Việc tổ chức hội thảo “Đồng chí Nguyễn Sỹ Sách với cách mạng và quê hương Nghệ An” là rất cần thiết nhằm tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của ông. Qua đó còn có ý nghĩa bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dòng họ, gia đình Nguyễn Sỹ ở Nghệ An thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Đặc biệt, năm 2019 là tròn 90 năm ngày mất của nhà cách mạng – liệt sỹ Nguyễn Sỹ Sách (1929-2019), hội thảo là dịp để tri ân về một trong những nhà cách mạng, người có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh của đất Nghệ An nói riêng và của Việt Nam nói chung trong tiến trình lịch sử dân tộc.
PGS.TS Trần Thị Thu Hương - Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tham luận về hoạt động của đồng chí Nguyễn Sỹ Sách trong quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: Thanh Lê |
Các tham luận được các đại biểu thảo luận tại hội thảo đã cập nhật các kết quả nghiên cứu mới nhất liên quan tới nhà cách mạng Nguyễn Sỹ Sách, trên cơ sở đó tiến tới tập hợp toàn diện về ông để biên soạn và xuất bản thành một công trình đầy đủ.
Cũng qua đây làm rõ và toàn diện về mối quan hệ của Nguyễn Sỹ Sách với Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; với các nhà cách mạng tiền bối như: Tôn Quang Phiệt, Trần Phú, Lê Huân… cũng như những đóng góp của Nguyễn Sỹ Sách và dòng họ Nguyễn Sỹ đối với phong trào cách mạng, xây dựng quê hương, đất nước.
Các tư liệu về thân thế cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Sỹ Sách được lưu giữ tại nhà thờ ông ở xã Thanh Lương (Thanh Chương). Ảnh: Thanh Lê |
Các đại biểu đã đề xuất những nội dung liên quan đến việc bảo tồn, trùng tu và tôn tạo di tích nhà thờ dòng họ Nguyễn Sỹ, nhà thờ Nguyễn Sỹ Sách, cùng với các bảo vật như: Đạo sắc của Vua Quang Trung; Thông tri của Chủ tịch Hồ Chí Minh... và nhiều di vật cứ liệu lịch sử quan trọng khác.
Thông qua hội thảo về nhà cách mạng tiền bối Nguyễn Sỹ Sách, một số ý kiến đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới, giáo dục lịch sử, đạo đức, tư tưởng cho thế hệ trẻ. Qua đó nhằm phát huy ngày càng tốt hơn truyền thống văn hóa, yêu nước cách mạng trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh sẽ tập hợp, bổ sung, điều chỉnh các nội dung để đưa vào cuốn kỷ yếu khoa học chính thức về nhà cách mạng Nguyễn Sỹ Sách và sẽ xuất bản sau hội thảo này.