Nghệ An tiếp tục dẫn đầu cả nước về số người đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng

Thanh Nga
Ảnh: Đình Tuyên
17/03/2022 17:50

(Baonghean.vn) - Bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, năm 2021, Nghệ An đã đưa 11.210 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tiếp tục dẫn đầu cả nước về số người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Chiều 17/3, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đồng chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đình Tuyên

Tiếp tục dẫn đầu cả nước về số người xuất khẩu lao động

Năm 2021, trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vẫn đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Các chỉ tiêu giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động hằng năm đều được UBND các cấp rà soát, xác định với các chỉ tiêu cụ thể. Công tác kiểm tra được tổ chức thường xuyên, toàn diện, bám sát các quy định của pháp luật; hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực cán bộ được tăng cường. Các sàn giao dịch việc làm đã đi vào nề nếp, khẳng định phương pháp và hướng đi phù hợp.

Người lao động  mong muốn được tư vấn về thị trường việc làm ngoài nước qua các kênh chính thống. Ảnh tư liệu
Người lao động mong muốn được tư vấn về thị trường việc làm ngoài nước qua các kênh chính thống. Ảnh tư liệu

Năm 2021, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 40.294 người (đạt 104,66% kế hoạch); trong đó, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 11.210 người (đạt 89,69% kế hoạch năm 2021), tiếp tục dẫn đầu cả nước về số người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đáng chú ý là số lao động đi làm việc ở các thị trường có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu tăng hơn so với các năm trước. Lao động đi làm việc ở nước ngoài có trình độ tay nghề tăng lên, chiếm khoảng trên 60% (chủ yếu là nghề cơ khí, hàn, thợ giàn giáo, ốp lát, may mặc, điều dưỡng, hộ lý, giúp việc gia đình); còn lại là lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề.

Mức thu nhập do người lao động đi làm việc ở các nước chuyển về bình quân từ 15 đến 30 triệu đồng/ người/ tháng. Nhiều lao động sau khi làm việc ở nước ngoài trở về nước có tay nghề cao, tiếp tục vào làm việc tại các doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư nước ngoài, có mức thu nhập cao và ổn định.


Bà Trịnh Thị Huyên - Tổng Giám đốc Công ty CPQT Kaizen tham luận tại hội nghị. Ảnh: Đình Tuyên
Bà Trịnh Thị Huyên - Tổng Giám đốc Công ty CPQT Kaizen tham luận tại hội nghị. Ảnh: Đình Tuyên

Tại hội nghị, nhiều ý kiến tham luận cho rằng: Vẫn còn hiện tượng người dân tự ý hoặc thông qua môi giới đưa sang một số nước như: Trung Quốc, Thái Lan… làm việc, cư trú bất hợp pháp bằng hình thức đi du lịch, thăm người thân, gây thiệt hại nhiều mặt cho chính bản thân người lao động và công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất khẩu lao động.

Doanh nghiệp xuất khẩu lao động trực tiếp của Nghệ An ít (3 doanh nghiệp), chủ yếu là các doanh nghiệp ở tỉnh ngoài về tuyển hoặc đặt Văn phòng đại diện, điểm tư vấn trên địa bàn tỉnh, dẫn đến công tác tạo nguồn gặp nhiều khó khăn, gây tốn kém cho người lao động trong đào tạo và giáo dục định hướng.

Cần nâng cao kỹ năng tay nghề cho lao động

Kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Dù dịch bệnh phức tạp kéo dài, nhưng hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm qua đã có những tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, tạo thêm được việc làm mới, tăng thu nhập và tích lũy vốn cho người lao động; từng bước chuyển biến nhận thức của người dân về việc tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Đình Tuyên

Bên cạnh đó, đồng chí cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác này: Nhiều lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài lớn nhưng trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, ý thức chấp hành kỷ luật lao động của một số lao động còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của một số thị trường, nhất là thị trường có thu nhập cao, ổn định. Tình trạng lao động vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật ở nước sở tại vẫn còn xảy ra, lao động hết hạn hợp đồng không về nước.

Dịp này UBND tỉnh trao Bằng khen cho các cá nhân xuất sắc trong công tác đưa người lao động ra nước ngoài. Ảnh: Đình Tuyên

Để công tác XKLĐ trong tình hình mới thực sự khởi sắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành; doanh nghiệp cần tập trung thực hiện tốt việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác xuất khẩu lao động theo hợp đồng; thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ để khuyến khích người lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tham gia.

Cùng với đó, tiếp tục mở rộng khai thác thị trường lao động nước ngoài; đồng thời tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các cấp chính quyền địa phương đối với hoạt động tuyển chọn lao động trên địa bàn.... để đưa hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày càng đi vào nề nếp, có chất lượng.

Trao Bằng khen cho các tập thể tiêu biểu.
Sở LĐ-TB&XH khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2021. Ảnh: Đình Tuyên

Mới nhất
x
Nghệ An tiếp tục dẫn đầu cả nước về số người đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO