Vướng mắc về đấu giá quyền góp vốn, 3 công ty nông nghiệp tại Nghệ An vẫn chưa thể chuyển đổi
(Baonghean.vn) - Thực hiện chủ trương của Chính phủ, trên địa bàn Nghệ An có một số công ty nông, lâm nghiệp đã hoàn tất việc chuyển đổi, sắp xếp lại. Tuy nhiên, có 3 công ty nông nghiệp tại Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn và Tân Kỳ do đang vướng về đấu giá quyền góp vốn nên chưa thể thực hiện...
Sắp xếp, chuyển đổi để nâng cao hiệu quả hoạt động
Trên địa bàn Nghệ An có 12 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) nông, lâm nghiệp thuộc diện phải sắp xếp, chuyển đổi (7 công ty nông nghiệp và 5 công ty lâm nghiệp). Từ năm 2004, thực hiện các nghị định, thông tư hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, UBND tỉnh đã xây dựng phương án tổng thể sắp xếp, chuyển đổi các công ty nông, lâm nghiệp và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Từ năm 2017, UBND tỉnh thực hiện việc thẩm định và phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới đối với 12 công ty nông, lâm nghiệp. Ngoài các công ty nông, lâm nghiệp đã được sắp xếp, củng cố và tiếp tục duy trì, hoạt động, có 3 công ty nông nghiệp tại các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp và Tân Kỳ được sắp xếp theo hướng góp nguyên trạng tài sản, tài chính, lao động, đất đai để thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên.
Đáng nói, 3 đơn vị này đã hoàn thành việc thẩm định đề án chuyển đổi hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp, tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn đấu giá quyền góp vốn để thành lập công ty TNHH 2 thành viên của cơ quan có thẩm quyền, nên hiện nay, UBND tỉnh đang tạm dừng phê duyệt việc sắp xếp, đổi mới. Điều này đã làm phát sinh nhiều hệ luỵ.
"Treo" đến bao giờ?
Tại Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành (Quỳ Hợp), qua tìm hiểu, được biết đơn vị đang quản lý 1.772,57 ha. Hiện tại, đơn vị này còn có 627 công nhân, lao động, với 21 lao động gián tiếp làm việc tại văn phòng công ty.
Từ năm 2018, UBND tỉnh đã có Quyết định số 121/QĐ-UBND về việc chuyển Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành thành công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Trên cơ sở này, công ty này đã thuê đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, rà soát hiện trạng đất đai, tài sản, lập hồ sơ trình các sở, ngành thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt. Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành đề xuất Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An làm cổ đông chiến lược lâu dài. Dù vậy, việc sắp xếp, đổi mới tại đây vẫn chưa hoàn thành. Việc kế hoạch chuyển đổi đang treo "lơ lửng" khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tại đây gặp không ít khó khăn.
Ông Lê Viết Minh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành cho rằng: Mô hình công ty TNHH MTV hiện nay mặc dù tạo điều kiện cho công tác quản lý của Nhà nước tốt hơn, song đang bộc lộ những điểm yếu trong việc tham gia vào cơ chế thị trường. Cách thức hoạt động còn chưa linh hoạt, chưa thể tối đa hóa lợi nhuận, tiềm năng của ngành Nông nghiệp.
Theo ông Minh, việc sắp xếp lại hay chuyển đổi các công ty nông nghiệp là một chủ trương đúng đắn, giúp các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, với sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược sẽ giúp các đơn vị có thêm vốn để đầu tư hệ thống máy móc, nâng cấp trang thiết bị hiện đại để đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới.
"Hiện nay, việc chuyển đổi sang công ty TNHH 2 thành viên đang bị dừng lại nên việc đầu tư sản xuất gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, đầu tư phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả cần số vốn lớn, chu kỳ dài, nếu trong quá trình này mà được chuyển thành 2 thành viên thì lại phải xác định lại giá trị doanh nghiệp nên sẽ rất bất cập. Chưa kể, nếu cứ kéo dài sẽ khiến nhiều nhà đầu tư chiến lược nản lòng" - ông Minh nhấn mạnh.
Mới đây, vào ngày 31/10/2023, UBND tỉnh có Quyết định 3541/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Cơ cấu lại Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành giai đoạn 2021-2025, theo đó, UBND tỉnh thống nhất duy trì công ty TNHH MTV với 100% vốn Nhà nước, do UBND tỉnh Nghệ An làm cơ quan đại diện chủ sở hữu, đến khi có chủ trương mới về sắp xếp, chuyển đổi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc con đường lên 2 thành viên của đơn vị này vẫn tiếp tục phải chờ.
Tại Công ty TNHH MTV 1/5 Nghệ An, đóng tại huyện Nghĩa Đàn, hiện có 164 lao động, quản lý 824,07 ha đất, tình cảnh cũng không khá hơn. Thực hiện chủ trương chuyển đổi, năm 2019, đơn vị này đã thuê tư vấn lập phương án xác định giá trị doanh nghiệp, nhưng đến nay cũng chưa được phê duyệt vì lý do tương tự như trên.
Đáng nói là thời điểm đơn vị này lập phương án, Công ty TNHH Mía đường Nghệ An đã đề xuất được làm cổ đông chiến lược. Tuy nhiên, do bị kéo dài nên đã có lần Công ty TNHH Mía đường Nghệ An xin rút không làm đối tác nữa.
Ông Nguyễn Văn Thuật - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV 1/5 Nghệ An cho biết: "Do kéo dài thời gian phê duyệt nên việc thuyết phục đối tác chiến lược gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi mong rằng, Trung ương và UBND tỉnh sớm có cơ chế, chính sách hướng dẫn thực hiện việc đấu giá quyền góp vốn để thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Nếu chưa có hướng dẫn thì trước mắt cho phép được thực hiện phương án góp vốn liên doanh, liên kết để sản xuất, kinh doanh thông qua hệ thống văn bản và đề cương hướng dẫn theo quy định", ông Thuật chia sẻ.
Tương tự, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp An Ngãi, dù đã hoàn thành việc thẩm định đề án chuyển đổi và đã tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp. Tuy vậy, đến nay, việc chuyển đổi đã tạm dừng.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi, sắp xếp lại các công ty nông, lâm nghiệp, phía sở cũng đã hướng dẫn các đơn vị triển khai các nhiệm vụ theo đúng quy định. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh các văn bản, kiến nghị, đề xuất tháo gỡ các khó khăn trong quá trình sắp xếp lại các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn, gửi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.
Ông Sơn cũng cho biết, đối với các vướng mắc khiến việc phê duyệt phương án chuyển đổi của các đơn vị chưa thực hiện được, sở cũng đã có báo cáo gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 118 và các văn bản liên quan để sớm hoàn thành việc sắp xếp đổi mới. Trong lúc chưa được phê duyệt phương án thì vẫn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị ban hành phương án, kế hoạch, đảm bảo việc sản xuất, kinh doanh không bị đình trệ.
Có thể thấy rằng, sắp xếp, đổi mới, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp là một chủ trương đúng đắn. Trong quá trình thực hiện, không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Điều mà các đơn vị, địa phương mong muốn là các cấp, ngành liên quan cần phải căn cứ điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp để có giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp phát triển.
Việc phê duyệt phương án cũng cần thực hiện sớm, nếu không sẽ phải xác định giá trị doanh nghiệp. Bởi chỉ sau 6 tháng, giá trị doanh nghiệp đã thay đổi. Chưa kể, nếu đơn vị bỏ vốn đầu tư trồng cây ăn quả, cây công nghiệp có chu kỳ dài thì việc xác định giá trị càng trở nên phức tạp.
Bên cạnh đó, cần phải tạo hành lang thông thoáng, chặt chẽ, sớm có hướng dẫn để đấu giá quyền góp vốn và có chính sách linh hoạt nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia...