Điểm mới khi họp trực tuyến về xử lý hành chính đối với đối tượng cai nghiện bắt buộc

Đặng Cường 19/03/2024 09:02

(Baonghean.vn) - Mới đây, giữa 2 điểm cầu Tòa án nhân dân huyện Quỳ Hợp và Cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc số 2 Nghệ An mở phiên họp trực tuyến áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc. Phiên họp cho thấy những điểm mới so với họp trực tiếp như lâu nay.

Ghi nhận ở phiên họp đầu tiên

Ngày 7/3/2024, Tòa án nhân dân huyện Quỳ Hợp đã tổ chức phiên họp trực tuyến áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với 12 trường hợp trú trên địa bàn, gồm: Quán Vy Đức, Kim Tiến Tùng, Kim Văn Lợi, Quán Vi Cường, Lữ Văn Thiện, Sầm Văn Phong, Lương Văn Thành, Vi Văn Thành, Vy Quang Trường, Bùi Văn Tú, Lê Tiến Ngọc và Nguyễn Thế Đức. Phiên họp được tổ chức giữa 2 điểm cầu Tòa án nhân dân huyện Quỳ Hợp và Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc số 2 Nghệ An (tại xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc).

12 trường hợp nói trên là các đối tượng nghiện ma túy nhiều năm. Mặc dù đã được áp dụng biện pháp cai nghiện tại địa phương nhưng vẫn không từ bỏ được ma túy, dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề xã hội, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự… Do vậy, UBND các xã nơi có người nghiện đã lập hồ sơ đề nghị các cơ quan chức năng xem xét để đưa đi cai nghiện bắt buộc.

Tại phiên họp, sau khi Tòa phổ biến nội dung phiên họp, giải thích quyền, nghĩa vụ của các đối tượng, phát biểu của các cơ quan đề nghị… các đối tượng đã có ý kiến về việc lập hồ sơ, thừa nhận tình trạng nghiện ma túy. Phần lớn các đối tượng cho rằng biết tác hại của ma túy, nhưng không dứt ra được…

1.jpg
Phiên họp trực tuyến giữa điểm cầu Tòa án nhân dân huyện Quỳ Hợp và Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc số 2 Nghệ An. Ảnh: PV

Sau phần phân tích tác hại của ma túy đối với bản thân người nghiện, hệ lụy cho gia đình, xã hội, thẩm phán chủ tọa phiên họp khẳng định việc tổ chức phiên họp là để đưa các đối tượng đi chữa bệnh. Đồng thời, công bố quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với 12 trường hợp, với thời gian từ 15 - 21 tháng.

Được biết, đây là phiên họp trực tuyến đầu tiên của tỉnh Nghệ An về áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, được triển khai giữa 2 điểm cầu là trụ sở Tòa án nhân dân huyện Quỳ Hợp và Cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc số 2 Nghệ An (tại xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc). Phiên họp trực tuyến diễn ra thuận lợi, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng.

Căn cứ khoản 2, Điều 105 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì “Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.

Cụ thể, với trường hợp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trước khi đưa các đối tượng đi cai, Tòa án phải phối hợp với các cơ quan chức năng, có sự tham gia của các đối tượng nghiện… tổ chức phiên họp để xem xét hồ sơ đã đúng trình tự, đúng đối tượng chưa… Quá trình tổ chức phiên họp có sự giám sát của Viện Kiểm sát. Trên cơ sở đó, chủ tọa phiên họp sẽ công bố quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cho từng đối tượng, với các mức thời gian cụ thể.

ÔNG ĐÀO VĂN ĐẠT - CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN QUỲ HỢP

Cũng theo ông Đạt, Quỳ Hợp là huyện miền núi với địa bàn rộng, tệ nạn sử dụng ma túy diễn biến rất phức tạp. Hằng năm, Tòa án nhân dân huyện Quỳ Hợp mở khoảng 150 phiên họp áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma tuý. Tuy nhiên, việc mở phiên họp trực tiếp gặp nhiều khó khăn, mất thời gian, tốn kém… Vì vậy, sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An triển khai chủ trương về phiên họp trực tuyến trên cơ sở chỉ đạo chung của Tòa án nhân dân tối cao, cũng như thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2030, Tòa án nhân dân huyện Quỳ Hợp là đơn vị đăng ký thực hiện tổ chức phiên họp trực tuyến đầu tiên.

Cần tiến tới đồng loạt

Theo lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, trong thời gian qua, trung bình mỗi năm Tòa án nhân dân cấp huyện tỉnh Nghệ An áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khoảng 1.500 trường hợp. Tuy nhiên, việc tổ chức phiên họp trực tiếp gặp không ít khó khăn, vướng mắc, như việc dẫn giải người bị đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đến Tòa án tham dự phiên họp trong điều kiện từ cơ sở cai nghiện đến Tòa án tương đối xa. Nhiều trường hợp lực lượng dẫn giải phải đi từ sáng sớm để đảm bảo phiên họp đúng giờ, hoặc gửi người bị đề nghị tại các cơ sở không đúng quy định khi thời gian phiên họp kết thúc muộn…

Trao đổi của ông Đào Văn Đạt - Chánh án Tòa án nhân dân huyện Quỳ Hợp, cho biết thêm: Phiên họp trực tuyến được kết nối giữa 2 điểm cầu, các đối tượng bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện, cũng như đại diện cơ quan chức năng tổ chức phiên họp không phải di chuyển. Theo đó, vừa tiết kiệm được thời gian, kinh phí đi lại, vừa đảm bảo công khai, quyền lợi của đối tượng. Trong khi phiên họp trực tiếp trước đây nhiều bất cập. Đơn cử, có những trường hợp khi tòa xuống cơ sở để tổ chức phiên họp thì xã không đầy đủ hồ sơ, đành phải hoãn, lại phải thả đối tượng. Chưa kể, đối tượng nghiện ma túy không phải trường hợp nào cũng có ý thức chấp hành, nên công tác bảo vệ phiên họp trực tiếp gặp không ít khó khăn...

bna_45.ảnh pv.JPG
Học viên cơ sở cai nghiện ma túy tham gia làm vàng mã. Ảnh: Đ.C

Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, tính đến thời điểm tháng 10/2023, trên địa bàn tỉnh có 3.810 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, 685 người sử dụng trái phép chất ma túy. Ngoài 1 địa bàn cấp huyện đạt các tiêu chí “Huyện sạch về ma túy” là thị xã Hoàng Mai, toàn tỉnh có 20/21 huyện, thành, thị và 344/460 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy.

Hiện tại, việc sử dụng ma túy do người ở độ tuổi dưới 30 là chính. Độ tuổi này ngày càng trẻ hóa, thậm chí có các đối tượng sử dụng khi mới 12 tuổi. Tuy nhiên, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng gặp nhiều khó khăn khi người cai nghiện và gia đình người nghiện không tự khai báo và đăng ký cai nghiện. Bởi vậy, việc Ủy ban nhân dân các xã nơi có người nghiện lập hồ sơ đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, mở phiên họp để đưa đi cai nghiện bắt buộc là hết sức cần thiết.

bna_12. ảnh pv.JPG
Học viên cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc số 2 tại một buổi tuyên truyền về tác hại của ma túy. Ảnh tư liệu

Theo đó, việc triển khai giải pháp tổ chức phiên họp áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án bằng hình thức trực tuyến đã phần nào khắc phục những vấn đề tồn tại trước đây ở phiên họp trực tiếp. Ngoài tiết kiệm được thời gian, kinh phí so với việc phải tổ chức trực tiếp tại trụ sở Tòa án thì, việc tổ chức phiên họp trực tuyến thúc đẩy chuyển đổi số trong hệ thống Tòa án và trong Cơ sở cai nghiện ma túy, góp phần thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính hiện nay.

Đại diện Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An cho biết, trên cơ sở triển khai phiên họp trực tuyến mới đây giữa 2 điểm cầu là trụ sở Tòa án nhân dân huyện Quỳ Hợp và điểm cầu Cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc số 2 Nghệ An (tại xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc) có nhiều thuận lợi. Trong thời gian tới, các đơn vị Tòa án nhân dân hai cấp sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ sở cai nghiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An để triển khai thực hiện đồng loạt.

Mới nhất

x
Điểm mới khi họp trực tuyến về xử lý hành chính đối với đối tượng cai nghiện bắt buộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO