Nghị lực của những thầy giáo đặc biệt

Bài: Mỹ Hà; Ảnh, kỹ thuật: Đức Anh 17/11/2020 16:28

(Baonghean.vn) - Trong những lúc khó khăn nhất thì tiếng trống trường, những ánh mắt háo hức của học trò và nỗi nhớ về bảng đen, phấn trắng đã níu chân và giúp chính họ vượt qua gian nan.

Ảnh: Đức Anh

Để rồi hôm nay, dẫu mang trên mình những khiếm khuyết về cơ thể họ lại tiếp tục được đến trường, làm một người thầy giáo và hạnh phúc với công việc thầm lặng của một người lái đò chở tri thức...

Người thầy giáo viết bằng tay trái

Hơn 47 tuổi đời thì có đến hơn một nửa thời gian là thầy giáo Nguyễn Văn Đông gắn bó với mái Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (Diễn Châu). Ngôi trường này cũng đã từng để lại một ký ức khó quên trong cuộc đời của thầy bởi ngày còn đi học, trong lúc trèo cây chơi đùa trong sân trường, thầy bị ngã. Để rồi, chỉ từ một vết thương nhỏ và bị nhiễm trùng, phải tháo khớp, thầy đã vĩnh viễn bị mất đi cánh tay phải.

Thầy giáo Nguyễn Văn Đông trong một tiết học tại trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (Diễn Châu). Ảnh: Đức Anh
Thầy giáo Nguyễn Văn Đông trong một tiết học tại trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (Diễn Châu). Ảnh: Đức Anh

Hơn 30 năm sau nhớ lại về kỷ niệm đó, thầy giáo Nguyễn Văn Đông dường như vẫn còn rất mơ hồ bởi trong suy nghĩ của một cậu học trò 16, 17 tuổi khi đó chưa hình dung đầy đủ về mất mát, thiếu hụt. Thế nên, sau tai nạn này, dù phải nghỉ học 1 năm nhưng trở lại trường Nguyễn Văn Đông vẫn tiếp tục là cậu học sinh xuất sắc và là một thành viên nổi trội của đội tuyển học sinh giỏi của trường. Điều duy nhất, anh hối tiếc là vì mất một cánh tay nên không thể thực hiện ước mơ vào trường quân sự. Và nghề giáo đã chọn anh như một cơ duyên và gắn bó với anh từ ngày ấy đến nay.

Kể lại câu chuyện của mình, thầy giáo Nguyễn Văn Đông cũng nói rằng "lẽ ra tôi đã có một cơ hội khác khi đồng thời trúng tuyển vào 2 trường đại học là Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Sư phạm Vinh”. Nhưng rồi, anh quyết định chọn nghề sư phạm bởi từ trong sâu thẳm anh biết con người của mình thích hợp với công việc này.

Cá nhân anh, để tự tin đứng trên bục giảng, ngoài tri thức, lòng say nghề, tự bản thân còn phải vượt qua được nỗi tự ti bản thân bởi “rõ ràng khi mình đã mang một khiếm khuyết trên cơ thể thì luôn mang trên mình nỗi mặc cảm”. Ảnh: Đức Anh
Cá nhân anh, để tự tin đứng trên bục giảng, ngoài tri thức, lòng say nghề, tự bản thân còn phải vượt qua được nỗi tự ti bản thân bởi “rõ ràng khi mình đã mang một khiếm khuyết trên cơ thể thì luôn mang trên mình nỗi mặc cảm”. Ảnh: Đức Anh

Một kỷ niệm cũng không thể quên được trong ngày nhập học khi ban giám hiệu nhà trường yêu cầu anh phải tập viết trên bảng bằng tay trái vì lo ngại nếu không viết được bảng thì “không thể làm giáo viên”. Dù khi ấy khá bất ngờ nhưng anh đã bình tĩnh dùng bàn tay còn lại của mình nắn nót viết lên bảng như bất cứ một sinh viên bình thường nào khác... Đó cũng là bài học đầu tiên của anh để trở thành một người giáo viên dạy Toán và anh biết trước sẽ có nhiều vất vả, nhọc nhằn.

Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, anh thấm thía rất rõ những khó khăn của nghề dạy học bởi đây là một công việc đặc thù và đòi hỏi người giáo viên phải không ngừng phấn đấu nếu không muốn tụt hậu. Cá nhân anh, để tự tin đứng trên bục giảng, ngoài tri thức, lòng say nghề, tự bản thân còn phải vượt qua được nỗi tự ti bản thân bởi “rõ ràng khi mình đã mang một khiếm khuyết trên cơ thể thì luôn mang trên mình nỗi mặc cảm”. Vết thương cũ giờ đây cũng để lại cho anh những nỗi đau về thể xác, đặc biệt là khi trái gió trở trời. Tuy vậy, trong khó khăn anh có một động lực và một niềm tin để hướng tới đó là học trò và niềm vui trong công việc.

Thầy kể “Gần hai mươi năm trước, một tháng lương của tôi chỉ khoảng 800.000 đồng. Vậy nhưng tôi đã dành gần cả một năm lương để mua máy tính và tập soạn bàn trên máy”. Ảnh: Đức Anh
Thầy kể “Gần 20 năm trước, 1 tháng lương của tôi chỉ khoảng 800.000 đồng. Vậy nhưng, tôi đã dành gần cả 1 năm lương để mua máy tính và tập soạn bài trên máy”. Ảnh: Đức Anh

Người thầy giáo viết bằng tay trái cũng để lại nhiều ấn tượng với các thế hệ học trò ở Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn, dù rằng đôi lúc anh thừa nhận mình khó tính và khắt khe với học trò: Nhiều lúc tôi tự tạo áp lực cho mình đó là đặt kỳ vọng lớn vào học sinh. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng có thể đáp ứng được kỳ vọng đó và tôi biết học sinh có thể e sợ mình. Nhưng dần dần, tôi biết cách phân loại học sinh, để tiếp cận các em theo cách nhẹ nhàng, phù hợp hơn và sau này chính các em là động lực, là nguồn động viên để giúp tôi gắn bó và càng ngày càng yêu nghề hơn.

Với nền tảng tốt và được đào tạo bài bản, chính quy, thầy giáo Nguyễn Văn Đông cũng là một trong những giáo viên tiên phong ở Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn, đặc biệt là trong việc áp dụng dạy học bằng giáo án điện tử. Thầy kể “Gần 20 năm trước,1 tháng lương của tôi chỉ khoảng 800.000 đồng. Vậy nhưng tôi đã dành gần cả 1 năm lương để mua máy tính và tập soạn bài trên máy”.

Ảnh: Đức Anh
Ảnh: Đức Anh

Vì hoàn cảnh riêng nên tất cả các công việc của thầy đều phải chậm hơn người khác nhưng thầy luôn xác định “dù khó nhưng tôi vẫn phải cố gắng. Người đủ hai tay làm được 3 phần, thì tôi một tay cũng phải cố làm được 2 phần”... Hiện, ngoài việc dạy học ở trường, thầy Đông còn làm chủ một trang trại với hàng chục ha để trồng mít, ổi và các loại hoa quả sạch. Tình yêu với nghề, với học trò và với lao động cũng đem đến cho thầy sự lạc quan và niềm vui trong cuộc sống, để thầy thấy ý nghĩa hơn bởi còn được cống hiến và có ích với mọi người.

Tìm lại động lực từ chính học trò

Tháng 6/2019, khi Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đang vào những ngày cuối cùng thì một tai nạn bất ngờ khiến cho tất cả những ai chứng kiến đều ngỡ ngàng. Người bị nạn là thầy giáo Ngô Đức Đồng – giáo viên dạy môn Ngữ văn – Trường THPT Bắc Yên Thành. Nhiều người chứng kiến kể lại rằng: Lúc ấy vừa chấm thi xong ngày cuối thì thầy Đồng và các đồng nghiệp đang chuẩn bị sắp xếp lại hành lý để về nhà. Đúng lúc đang dừng xe ở gần Trường THPT Lê Viết Thuật thì một chiếc xe ô tô mất lái đâm vào khiến thầy bị thương nặng, dập nát xương hai chân, dập gan, chấn thương não và ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng xương chậu. Vụ tai nạn nghiêm trọng cũng khiến tính mạng thầy rơi vào nguy kịch. Do hoàn cảnh của thầy quá nguy nan, Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An đã kêu gọi ủng hộ trong toàn ngành để giúp phần nào xoa dịu nỗi đau và hỗ trợ gia đình trong quá trình điều trị.

Thầy giáo Nguyễn Đức Đồng đã hồi phục và trở lại với công việc dạy học hàng ngày. Ảnh: Đức Anh
Thầy giáo Nguyễn Đức Đồng đã hồi phục và trở lại với công việc dạy học hàng ngày. Ảnh: Đức Anh

Gần tròn 1 năm sau biến cố đặc biệt đó, thầy giáo Ngô Đức Đồng đã trở lại trường học, dù rằng hiện tại một chân của anh đã không còn nguyên vẹn. Về lại trường trong ngày đầu tiên, kỷ niệm khiến anh không thể quên được đó là sự chào đón của rất nhiều học sinh và đồng nghiệp tại Trường THPT Bắc Yên Thành...

Nhớ lại những biến cố đã xảy ra với cuộc đời mình, thầy giáo Ngô Đức Đồng rơi vào nhiều cảm xúc khác nhau. Khi vừa bị tai nạn, những ngày triền miên trong các loại thuốc tê và thuốc giảm đau, anh nói rằng chưa biết được “nỗi đau” là gì vì tất cả đều là ảo giác, lúc tỉnh, lúc mê. Nhưng khi đã bắt đầu nhận thức được, anh gặm nhấm hết mọi nỗi tuyệt vọng, đặc biệt là khi biết mình phải cưa hoàn toàn chiếc chân trái.

Tháng ngày sau đó, không đếm được bao nhiêu lần vào viện rồi lại ra viện, nỗi đau đớn cả về thể xác và tinh thần dường như không thể nào cắt nghĩa hết được. Sau này khi đã tỉnh táo anh cũng mới được nghe kể, khi “tính mạng ngàn cân treo sợi tóc”, đã có lúc bác sỹ đã cho gọi gia đình anh để vào gặp mặt lần cuối. Thế rồi, như một sự kỳ diệu, anh đã hồi phục, trở lại trong niềm vui khôn tả của tất cả mọi người.

Thầy giáo Nguyễn Đức Đồng và các đồng nghiệp sau ngày trở lại trường. Ảnh: PV
Thầy giáo Nguyễn Đức Đồng và các đồng nghiệp sau ngày trở lại trường. Ảnh: PV


Dù rất đau đớn nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy thầy Đồng kêu ca hay thể hiện thái độ bi quan. Ngày anh nằm viện ở Hà Nội, chưa biết khi nào hồi phục nhưng lúc nào gọi điện cho chúng tôi, anh cũng nói “mọi người không phải lo lắng, mình sẽ tự đứng dậy và sẽ đi dạy trở lại".

Thầy giáo Nguyễn Bá Thủy – Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Yên Thành

Trước đó, trong nhiều năm học thầy giáo Ngô Đức Đồng từng là Tổ trưởng Tổ chuyên môn môn Ngữ văn và là một giáo viên mẫu mực, điềm đạm. Sau này, dù không đảm nhiệm nhiệm vụ tổ trưởng nhưng anh vẫn là người được đồng nghiệp và học trò yêu quý bởi ngoài năng lực vững vàng và chăm chút cho chuyên môn, thì anh còn là người có trách nhiệm với học trò và với ngôi trường mà mình công tác. Ngay cả thời điểm này, dù rất khó khăn nhưng 5 tháng trở lại trường là 5 tháng anh nỗ lực hết mình và chưa một lần để mọi người phải lo lắng và tìm niềm vui trong học trò, trong công việc...

Người giáo viên và nghị lực phi thường đó cũng chính là tấm gương sáng trong toàn ngành Giáo dục và để mọi người tin rằng, cuộc sống vẫn có rất nhiều những điều kỳ diệu, đáng được trân trọng...

Mới nhất
x
Nghị lực của những thầy giáo đặc biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO