Ngọt vị bưởi hồng
(Baonghean) - Có một miền đất trung du miền núi thanh bình bên dòng sông Hiếu hiền hòa, từ lâu nức tiếng về loại bưởi chỉ nơi đây mới có. Đó là mảnh đất Quang Tiến (Thị xã Thái Hòa), mỗi khi nhắc đến, người ta nghĩ ngay tới đặc sản bưởi hồng. Về vùng đất này, vào những ngày cuối Thu se lạnh, dù cuối mùa bưởi, lòng người vẫn thấy ấm áp với hương bưởi nồng nàn và tấm lòng người dân mến khách...
Bưởi hồng Quang Tiến có từ bao giờ và trở thành đặc sản từ khi nào, không ai biết? Kể cả những bậc cao niên của phường Quang Tiến cũng không biết được ai đã mang giống bưởi quý này về trồng trên đất quê mình. Chỉ có một điều nhiều người biết là, trong làng hiện nay có một cây bưởi “đại thụ” đã 30 năm tuổi tại vườn bưởi của nhà ông Trương Văn Quang, ở khối Dốc Cao. Cây bưởi này được coi là “ông tổ” của đặc sản bưởi hồng Quang Tiến, lưu giữ đến bây giờ. Và từ lâu, trong khắp các vườn nhà của người dân của 2 khối Dốc Cao và Trung Nghĩa của phường Quang Tiến, đều trồng bưởi. Nhà trồng ít thì dăm ba gốc, lấy quả ăn, nhà trồng nhiều có đến 1 ha để vừa ăn vừa bán, tạo “thương hiệu” bưởi hồng Quang Tiến!
Theo chân anh Đặng Thái Hòa – Phó Trạm Khuyến nông Thị xã Thái Hòa, chúng tôi đến vườn bưởi của gia đình ông Nguyễn Đình Thủy, ở khối Trung Nghĩa. Vườn bưởi của ông Thủy được đánh giá là rộng nhất, nhiều cây nhất so với các hộ trồng bưởi hồng Quang Tiến. Có khách đến nhà, ông Thủy vội ra vườn bưởi hái mấy quả cuối vụ để đãi khách. Nói về nghề trồng bưởi hồng, ông Thủy hồ hởi: Sau nhiều lần đi đây đi đó, ông tiếp xúc với nhiều giống bưởi ngon, giá bán lại đắt, ông nghĩ ngay tới nghề trồng bưởi, bởi mảnh vườn nhà mình là đất đồi sỏi, có thể trồng được bưởi.
Niềm vui của ông Nguyễn Đình Thủy trong mùa thu hoạch bưởi. |
Năm 2007, ông ra tận Phú Thọ tìm hiểu giống bưởi Đoan Hùng, xuống Đan Phượng (Hà Nội) tiếp xúc với giống bưởi Diễn… nhưng đều không bằng giống bưởi hồng Quang Tiến quê mình. Trở về, ông tìm mua một gốc bưởi to trong khối, với giá đổi ngang chiếc ti vi màu và phụ thêm 1 triệu đồng. Có cây bưởi to trong vườn nhà, hàng năm ông chiết lấy cây giống, do vậy đến nay mảnh vườn gần 1 ha của gia đình ông đã có 400 cây bưởi giống bưởi hồng Quang Tiến, trong đó hơn 200 cây đã có quả thu hoạch.
Năm ngoái, vườn bưởi của gia đình ông thu hoạch được khoảng 5 tấn quả, giá bán 20.000 đồng/kg. Năm nay, sản lượng tăng lên khá nhiều, trừ biếu xén, còn bán được 10 tấn quả, giá bán 20 - 25.000 đồng/kg, thu hơn 200 triệu đồng. Vào mùa thu hoạch bưởi, ngoài bán cho khách hàng quen biết để làm quà, vợ chồng ông đem ra chợ thị xã bán.
Ông Thủy thổ lộ: “Trước đây, bà con trong khối thường bán cho khách tính theo quả, mỗi quả 20 nghìn đồng là thiệt, vì mỗi quả nặng trên 1 kg. Năm ngoái, tôi bán cho khách bằng hình thức “cân lên tính tiền”, một kg 20 nghìn đồng, phần lớn bưởi hồng nặng trên 1 kg/quả, từ đó đến nay, nhà nào cũng bán theo cân, người trồng bưởi có thêm thu nhập”. Ngoài bán quả, vườn bưởi của ông Thủy còn là địa chỉ cung cấp cây giống cho bà con trong và ngoài vùng, bằng cách chiết cành.
Năm ngoái, ông xuất bán gần 1 nghìn cây giống, năm nay, mới rồi ông cắt 600 cành bán cho một số bà con, hiện còn 1.200 cành mới chiết, đã có khách từ Tân Kỳ, Yên Thành và các xã lân cận đặt hàng. Giá bán mỗi cây giống 50 nghìn đồng.
Ông Thủy bộc lộ: Chiết cành lấy cây giống cũng phải có kỹ thuật, lấy đất bùn về trộn với phân chuồng hoai, rơm băm nhỏ; chọn những cành có tán đi ngang để chiết. Nếu chiết những cành vượt thì nôm cây giống đẹp, nhưng sau khi trồng, quả rất ít. Không hiểu do chất đất hay vì lý do gì mà vườn bưởi của gia đình ông Thủy lâu nay rất ít đầu tư chăm sóc, cây vẫn phát triển mạnh, quả nhiều và ngon.
Ông Thủy bộc bạch: “Không giấu gì các chú, tui trồng bưởi từ năm 2007, đến nay đã 6 năm, nhưng mới bón phân chuồng được 1 lần, cây vẫn phát triển rất tốt, không có sâu bệnh gì. Tuy nhiên, vì hàng năm mình chiết cành, do vậy bắt đầu từ năm nay, tui sẽ mua phân NPK trộn với phân chuồng để bón cho bưởi, nếu mình cứ chủ quan bỏ mặc, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây và chất lượng quả”, ông Thủy cho biết thêm.
Theo lời kể của người dân Thị xã Thái Hòa, bưởi hồng Quang Tiến có đặc điểm riêng về hình thức của quả cũng như hương vị so với các giống bưởi quê thông thường. Nhưng có một điều rất lạ là giống bưởi này chỉ có trồng trên dải đất của 2 khối Dốc Cao và Trung Nghĩa thì quả mới ngon, còn nếu đem trồng trên vùng đất khác là không ngon bằng. Các địa phương xung quanh, cách đó vài cây số, thậm chí ngay trong cùng một phường, người dân đem giống về trồng, do đất lạ, mặc dù cây phát triển tốt, quả nhiều, nhưng chất lượng thua xa. Người dân 2 khối này vẫn tự hào rằng đất lành cho quả ngọt bao đời nay. Mà đúng thế thật, chỉ có bưởi trồng trên đất của 2 khối Dốc Cao và Trung Nghĩa mới thật sự là đặc sản bưởi hồng Quang Tiến. Bởi theo người dân trồng bưởi cho hay, đặc điểm của chất đất ở 2 khối này là đất đồi sỏi mỡ gà (đất sỏi có màu mỡ gà), một yếu tố quan trọng bậc nhất để tạo nên hương vị đặc sản của giống bưởi này!
Cây và quả của bưởi hồng Quang Tiến không bóng bẩy như nhiều giống bưởi khác, nó mộc mạc, chân chất như con người miền quê vùng trung du miền núi vậy. Cây bưởi không cao to như những giống bưởi thường, chỉ cao vừa phải. Người có chiều cao có thể với tay hái quả được. Vỏ quả không nhẵn bóng mà mang màu vàng nhạt, ánh lên ấm áp từ những tán lá màu xanh sẫm của bưởi. Quả bưởi khá to, hơi dẹt, trọng lượng bình quân từ 1 kg đến 1,5 kg/quả, có những quả nặng tới 2 đến 2,5 kg. Khi bổ trái bưởi, chưa đưa ngập lưỡi dao ta đã thấy múi bưởi rồi, vì vỏ bưởi mỏng, cùi bưởi không dày như những giống bưởi quê khác.
Bưởi bổ ra có màu hồng tươi, thịt quả mịn, tép bưởi căng mọng, lượng nước vừa phải, không nhão như một số giống bưởi khác. Bưởi hồng Quang Tiến ăn giòn, không quá ngọt và không chua, không có vị the đắng sau khi ăn, nên ăn được nhiều mà không ngán. Do là giống bản địa nên ít bị sâu bệnh, thích ứng với điều kiện khí hậu của địa phương. Vì giống bưởi dễ ăn, từ lâu, bưởi hồng Quang Tiến đã trở thành món quà quê không thể thiếu đối với những người con của vùng đất này mỗi lền về quê, ra phố. Trong mâm cỗ trên vùng quê này, vẫn có sự hiện diện của đĩa bưởi đặc sản, làm cho mâm cỗ càng ấm áp tình quê.
Vào mùa bưởi, những người con Quang Tiến đi xa có trong túi quà dăm ba quả bưởi quê làm quà. Người qua lại trên Quốc lộ 48, đoạn qua phường Quang Tiến, có mấy ai không dừng lại mua dăm cân, một yến về làm quà quê đặc sản. Người dân Quang Tiến tự hào lắm, vì giống bưởi quý này đã gắn bó với người dân ở đây đã bao đời nay.
Bưởi hồng Quang Tiến hôm nay đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân vùng quê này. Khi Tết Trung thu đến là bưởi cho thu hoạch. Loại bưởi này, có giá bán rất “bình dân”, từ 20 - 25 nghìn đồng/kg. Có những cây thu 200 quả, thu hoạch bằng 2 sào lúa. Nhờ trồng bưởi đặc sản, nhiều gia đình ở khối Dốc Cao và Trung Nghĩa thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Bưởi hồng Quang Tiến ngọt lành, tấm lòng người dân đất bưởi cũng thảo thơm. Mùa bưởi, đến với Quang Tiến, vào các khối, hỏi thăm địa chỉ khu trồng bưởi, ai cũng niềm nở giới thiệu về bưởi đặc sản quê mình, nói tường tận về địa chỉ, giá cả hiện nay. Khi đến vườn bưởi, chủ nhà không tiếc bổ một vài quả bày ra đĩa mời khách thưởng thức. Ai cũng mong hương vị bưởi hồng Quang Tiến được gìn giữ và lan xa. Thế nhưng, điều băn khoăn của người trồng bưởi cũng như khách đã từng thưởng thức hương vị của loại bưởi này là, hạt nhiều, múi không đều, nên khi bổ ra trông không đẹp mắt bằng một số giống bưởi đặc sản khác.
Ông Trần Hưng Quang, cán bộ nông lâm của phường Quang Tiến, cho biết: Hiện nay, diện tích bưởi hồng Quang Tiến trồng trên 2 khối Trung Nghĩa và Dốc Cao đã có 12 ha, trong đó 7 ha cho thu hoạch. Bằng cách tạo giống tại chỗ, mỗi năm Quang Tiến trồng mới 3 - 4 ha giống bưởi này. Hiện quỹ đất để trồng bưởi hồng Quang Tiến tại 2 khối Dốc Cao và Trung Nghĩa còn khoảng 15 ha. Cả 2 khối có trên 300 hộ, vườn nhà nào cũng có ít nhất 2 cây bưởi. Bưởi hồng Quang Tiến chất lượng ngon, bán với giá vừa phải, nên có bao nhiêu cũng bán hết. Có những cây bưởi một vụ thu hoạch 4 - 5 triệu đồng, còn 2 - 3 triệu là chuyện thường, do vậy, những gia đình có đất vườn rộng, trồng bưởi kinh doanh là có thu nhập cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác.
Ông Phan Thanh Hải, Trưởng phòng Kinh tế Thị xã Thái Hòa chia sẻ: Để khắc phục những nhược điểm của loại bưởi này (hạt nhiều và múi không đều) cần có sự đầu tư về KHKT. Từ trước đến nay, bưởi hồng Quang Tiến phát triển và lưu giữ được là đều xuất phát từ tính tự phát của người dân, chưa hề có sự đầu tư của Nhà nước.
Chia tay đất bưởi Quang Tiến trong cái nắng nhẹ của mùa Thu, chúng tôi như lắng nghe được vị ngọt lành của đặc sản bưởi hồng ngưng đọng nơi đầu lưỡi, nơi tâm hồn mình. Cảm nhận được tấm lòng thảo thơm của con người đất bưởi từ bao đời nay nặng lòng vun trồng cho những mùa quả bội thu.
Xuân Hoàng