Người Nghệ không mặn mà làm 'vua sân cỏ'?

18/05/2016 16:05

(Baonghean) - Với một vùng đất, bóng đá được xem như là món ăn tinh thần không thể thiếu thì người Nghệ thành danh ở lĩnh vực liên quan đến sân cỏ khá nhiều. Nhưng với nghề trọng tài, đến nay ngoài Nguyễn Đình Nghĩa, xứ Nghệ không một ai đi theo nghề đánh giá.

Trong khi đó, khá nhiều địa phương không có đội tham dự V-League, thậm chí cả giải hạng Nhất vẫn có nhiều người cầm còi. Nhiều người, vốn không phải là cầu thủ cũng sốt sắng tham gia nghề cầm cân nảy mực này.

Thực ra, với bóng đá chuyên nghiệp thì trọng tài lại không phải một nghề thực sự, nghĩa là không có trọng tài chuyên nghiệp. Các ông vua áo đen chỉ xem trọng tài là nghề tay trái, sau mỗi trận đấu họ lại trở về với công việc chính của mình, điều này khiến họ công tâm hơn.

Trong danh sách 10 trọng tài xuất sắc nhất lịch sử bóng đá thế giới của IFFHS, đỏ mắt cũng không tìm thấy một trọng tài chuyên nghiệp nào. Ông Graham Poll - Quản lý bán hàng, Kim Nielsen - Trưởng phòng IT, Collina là nhà tư vấn tài chính, Marcus Merk - bác sỹ nha khoa… Nhưng con đường trở thành trọng tài bóng đá Việt Nam không hề đơn giản với những người “ngoại đạo”, ít nhiều họ phải là người của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, giáo viên thể chất các trường học.

HLV Ngô Quang Trường và cầu thủ SLNA phản ứng với trọng tài Hà Văn Chiến - Ảnh: Internet
HLV Ngô Quang Trường và cầu thủ SLNA phản ứng với trọng tài Hà Văn Chiến - Ảnh: Internet

Hầu như không có ai tay ngang như các nước có nền bóng đá phát triển. Đầu tiên là tham gia các khóa đào tạo của VFF, rồi phải đăng ký bắt các giải phong trào, rồi hạng Nhì, hạng Nhất, leo dần lên V-League. Lò xứ Nghệ hiện đã có hàng chục cầu thủ treo giày nhưng chỉ có hậu vệ Nguyễn Đình Nghĩa (14-SLNA) theo nghiệp cầm còi một thời gian.

Rõ ràng, đã theo nghiệp quần đùi, áo số, hiểu được tâm lý, “bài vở” của cầu thủ nếu chuyển sang nghiệp cầm còi rất có điều kiện phát triển, nhưng hàng loạt cầu thủ SLNA thời ấy hoặc theo nghề huấn luyện, hoặc giải nghệ. Nhìn danh sách cựu cầu thủ SLNA tham gia đào tạo trẻ các CLB chỉ có độ gần 20 HLV như: Hữu Thắng, Quang Trường, Đức Thắng, Anh Tuấn, Quang Hải, Văn Dũng, Kỳ Phương, Mạnh Huy, Văn Tiến, Xuân Vinh, Sỹ Hùng, Thành Công, Sỹ Sơn…

Rõ ràng với chi phí bồi dưỡng trọng tài chính cỡ 6 triệu đồng/tháng, trợ lý trọng tài 4 triệu đồng/tháng chưa kể chi phí ăn, ở, đi lại được BTC đài thọ thì thu nhập cứng của các trọng tài không dưới 20 triệu đồng/tháng. Cộng với phần lương cứng tại cơ quan chủ quản và các hỗ trợ khác (1triệu đồng/tháng của VPF), như thế là khá cao so với mặt bằng chung.

Tuy nhiên, khi khoác chiếc áo đen vào người mới thấy mọi việc không đơn giản như phép tính. Đầu tiên là làm sao để được đưa vào danh sách trọng tài làm nhiệm vụ giải hạng Nhất, V-League, cứ cho là anh có năng lực rồi, nhưng làm sao để người ta biết năng lực mới là vấn đề quan trọng. Nói thì oai, “vua sân cỏ” nhưng vào nghề mới biết cầm còi là trên đe, dưới búa, sức ép bủa vây từ khách sạn đến khán đài, hai tai luôn phải gióng nghe điện thoại…

Vào trận, ngoài việc phải nắm rõ danh sách giám sát trọng tài, giám sát trận đấu, đài nào quay trực tiếp, BLV nào ngồi ca-bin, trên khán đài có quan chức VFF dự khán không. Các trọng tài lại phải biết cách giữ gìn tình cảm hữu hảo với các đồng nghiệp theo kiểu “có đi, có lại mới toại lòng nhau”. Tất nhiên, không trọng tài nào khai mình thân với CLB nào nhưng chắc chắn không phải vô tình trọng tài Hà Anh Chiến lại toàn liên quan đến trận đấu có Thanh Hóa, năm ngoái là dậy sóng Phố Núi, năm nay là SLNA. Về nguyên tắc, được phân bắt trận đinh là “sướng” nhưng “non tay” như trọng tài Chiến là “họa vô đơn chí” vì chả ai dại gì giơ tay ra cứu.

Trần Duy Khánh và Nguyễn Hoàng Anh (bên phải) là 2 trọng tài người Nghệ An đang bắt tại V.League và giải Hạng Nhất. Ảnh: Đ.C
Trần Duy Khánh và Nguyễn Hoàng Anh (bên phải) là 2 trọng tài người Nghệ An đang bắt tại V.League và giải Hạng Nhất. Ảnh: Đ.C

Cá tính người Nghệ lại không khéo trong việc quan hệ nên nếu hành nghề rồi cũng chào thua. Nói về chuyên môn thì hàng loạt cầu thủ SLNA đã giải nghệ gần đây như Tân Thịnh, Văn Lưu, Thành Long... không thể thua Vinh "Mùi", thậm chí cả Thư "Mùi" hay Bùi Xuân Hòa (gốc Hà Tĩnh, Sở TDTT Đắc Lắc - đã giải nghệ)... những người đang được xem là trọng tài cứng của bóng đá Việt Nam hiện nay. Rõ ràng, nếu có được người Nghệ đứng trong đội ngũ vua sân cỏ thì SLNA cũng được lợi trong quá trình thi đấu. Nhưng quả thực, thà rằng thế còn hơn những tiếng còi méo, bị NHM chỉ trích…

An Thanh

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Người Nghệ không mặn mà làm 'vua sân cỏ'?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO