Người thợ kim hoàn nức tiếng phố Vinh và tình yêu với Bác Hồ

Phạm Xuân Cần 16/04/2020 11:56

(Baonghean) - Nhiều nghệ nhân kim hoàn có thể chế tác các tác phẩm điêu luyện trên vàng, bạc ra. Tuy nhiên, ít người chế tác trên đuy-ra - một chất liệu đặc biệt (hợp kim gồm: nhôm, đồng, mangan và magiê). Ông Phú Nguyên là một nghệ nhân có thể thực hiện các tác phẩm điêu khắc trên chất liệu rất cứng và giòn này, trong đó, những tác phẩm đẹp nhất là về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Ông Phú Nguyên tên thật là Lê Văn Sợi, quê ở thành phố Nam Định. Thời nhỏ gia đình rất nghèo khổ. Theo chân những người đồng hương khác, bố mẹ ông Sợi gồng gánh đưa cả nhà vào Vinh lập nghiệp. Họ bươn chải đủ nghề để kiếm sống, kể cả đi làm thuê. Cả 3 người con trai đầu của ông bà, trong đó có ông Sợi đều xin vào học nghề và sau đó làm thợ cho Hiệu vàng Bảo Nguyên, là một hiệu vàng lớn ở ngay ngã tư chợ Vinh.

Ông Lê Văn Sợi thời trẻ. Ảnh tư liệu

Cả 3 anh em đều học nghề rất chăm chỉ và sáng dạ. Ở lứa tuổi thanh niên, họ sớm trở thành những người thợ bạc giỏi của Hiệu vàng Bảo Nguyên. Khi đã đủ lông, đủ cánh, họ lần lượt xin chủ cho ra mở hiệu vàng riêng. Thoạt đầu, ông Sợi vào Sài Gòn làm thuê một thời gian, sau đó, năm 1928 ông trở lại Vinh lập hiệu vàng của mình và đặt tên là Phú Nguyên. Đến những năm 1940, Hiệu vàng Phú Nguyên đã nổi danh về chất lượng, sự tinh xảo trong chế tác. Anh Sợi, từ một thợ vàng khéo tay đã trở thành nghệ nhân và là một doanh nhân thành đạt.

Cách mạng Tháng Tám thành công, cả nước hăm hở bước vào cuộc sống mới với tư cách người chủ của một đất nước độc lập. Để hỗ trợ chính quyền non trẻ vừa ra đời với ngân khố trống rỗng, Hồ Chủ tịch phát động Tuần lễ vàng từ ngày 17 đến 24/9/1945. Phú Nguyên là 1 trong 3 gia đình ủng hộ nhiều vàng và tiền nhất cho kháng chiến ở thành phố Vinh khi đó.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông Phú Nguyên đã tham gia dân công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông còn ủng hộ kháng chiến 3 chiếc xe đạp để phục vụ đoàn vận tải bằng xe đạp thồ mà ông là một chiến sĩ trong đó. Trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, thu xếp cho vợ con đi sơ tán, ông Phú Nguyên ở lại bám trụ thành phố cùng hợp tác xã Rạng Đông, vừa sản xuất vừa tham gia phục vụ chiến đấu.

Tác phẩm Nữ dân quân kéo xác máy bay Mỹ chất liệu đuy-ra. Ảnh tư liệu
Tác phẩm "Nữ dân quân kéo xác máy bay Mỹ" chất liệu đuy-ra. Ảnh tư liệu

Cũng không ngờ, trong chiến tranh phá hoại, tay nghề của người nghệ nhân kim hoàn lại có dịp phát huy tác dụng. Trước hết, từ phế liệu và xác máy bay Mỹ (có nhiều đuy-ra), ông đã sản xuất ra các sản phẩm như đèo hàng, vành xe, chắn bùn, chắn xích xe đạp rất đẹp và bền. Tài hoa của người nghệ nhân kim hoàn chỉ thực sự thăng hoa khi từ mảnh xác máy bay Mỹ ông đã chế tác thành các đồ mỹ nghệ rất tinh xảo, thậm chí là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Đặc biệt, đuy-ra là một chất liệu rất cứng và giòn, lại không hàn được, nên không dễ gì để chế tác, nhưng với đầu óc sáng tạo và dưới bàn tay tài hoa của ông, những vật liệu phục vụ chiến tranh của nền văn minh Mỹ đã biến thành những đồ mỹ nghệ, tác phẩm nghệ thuật chứa đựng nội dung sâu sắc và trình độ thẩm mỹ tinh tế.

Lúc bấy giờ Quân khu 4 chính là “khách hàng” thường xuyên của ông, khi họ cần các đồ mỹ nghệ chế tác từ xác máy bay Mỹ để làm quà tặng, nhất là cho khách nước ngoài. Hiện nay, Bảo tàng Quân khu 4 và ở nhà riêng của gia đình ông vẫn còn lưu giữ những hiện vật đầy ý nghĩa lịch sử và nghệ thuật đó.

Ông Phú Nguyên chế tác chân dung Bác Hồ, năm 1969.
Ông Phú Nguyên chế tác chân dung Bác Hồ trên chất liệu đuy -ra, năm 1969. Ảnh tư liệu

Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Ông Phú Nguyên đã nén đau thương, dành tất cả tâm huyết và tài nghệ của mình để sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị về Người. Tác phẩm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay gia đình đang trân trọng đặt trên bàn thờ Bác là một bức phù điêu gò nổi bằng chất liệu đuy-ra. Nếu biết rằng, ông chủ yếu gò từ phía sau để tạo hình nhân vật phía trước, thì mới thấy hết tài nghệ của nghệ nhân. Với tác phẩm này, ông không chỉ là nghệ nhân tinh tế, mà còn là một nhà điêu khắc tài ba.

Một tác phẩm khác kết tinh đỉnh cao tài nghệ của nhà điêu khắc, bàn tay tài hoa của nghệ nhân kim hoàn và tấm lòng kính yêu lãnh tụ, chính là tác phẩm “Nhà quê ngoại Bác Hồ”. Đây cũng là tác phẩm chế tác từ chất liệu đuy-ra. Từ một tấm đuy -ra dày, ông đã tạo ra một tác phẩm nghệ thuật có tới 4 lớp từ trong ra ngoài. Lớp trong cùng là rặng cây, có những cây cau vươn cao lên và trên bầu trời là đôi chim đang bay lượn thật thanh bình. Lớp thứ hai là 2 mái nhà tranh, giản dị, thân thương. Lớp thứ ba là sân vườn, với cây bưởi đầu hồi, cây dâu trước sân và hoa, cỏ bao quanh. Và lớp ngoài cùng là 1 cây cổ thụ, bên cạnh rặng tre, như muốn tỏa mát cho cả ngôi nhà.

Tác phẩm Nhà quê ngoại Bác Hồ, chất liệu đuy-ra.
Tác phẩm "Nhà quê ngoại Bác Hồ", chất liệu đuy-ra. Ảnh tư liệu

Không thể hiểu nổi bằng cách nào mà trên tấm đuy-ra rất cứng và rất giòn, ông lại có thể tỉa tót được những chiếc lá tre mỏng và nhỏ li ti như vậy. Tất cả, từ mái nhà, rặng cây, cây tre, hoa, cỏ… đều rất sống động, tự nhiên và mềm mại. Người nhà kể thời gian sáng tác những tác phẩm này, ông hầu như “không rửa tay”, ngồi tỉ mẩn từ sáng đến tối, từ tối đến khuya, bên ngọn đèn dầu. Mỗi tối trước khi đi ngủ, mặt ông, đặc biệt là 2 lỗ mũi dính đầy muội đèn dầu, đen kịt.

Rõ ràng, tài nghệ xuất chúng và đôi bàn tay vàng là chưa đủ, nếu không xuất phát từ tấm lòng với Bác, thì không thể có những tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị như vậy.

Người thợ kim hoàn nức tiếng phố Vinh và tình yêu với Bác Hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO