Nhà ở xã hội: Cung - cầu lệch pha
(Baonghean) - TP. Vinh đang trên đà phát triển, nhu cầu về nhà ở chung cư cao tầng rất lớn. Hiện trên địa bàn thành phố Vinh đã triển khai xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng 4 dự án nhà ở xã hội và đang triển khai 2 dự án. Tuy nhiên, “cầu” nhà ở xã hội đối với người thu nhập thấp, gia đình chính sách rất lớn, nhưng “cung” chưa đáp ứng đủ.
Cơ hội của người thu nhập thấp
Với việc đưa vào sử dụng 4 dự án nhà ở xã hội tại các phường: Lê Lợi, Quán Bàu, Hưng Lộc, Trung Đô đã giải quyết được 456 căn hộ, tổng mức đầu tư 336,10 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn có thêm 2 dự án nhà ở xã hội cơ bản hoàn thành, chuẩn bị đưa vào sử dụng tại các xã: Nghi Kim, Nghi Phú với 200 căn hộ, tổng mức đầu tư 295,50 tỷ đồng. Theo Sở Xây dựng, thực hiện Nghị quyết số 317/2010/NQ-HĐND ngày 10/7/2010, doanh nghiệp là chủ đầu tư nhà ở xã hội được hỗ trợ 100% các kinh phí: bồi thường giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, khảo sát địa hình, địa chất và lập quy hoạch chi tiết xây dựng. Những chính sách này đã tác động tích cực đến doanh nghiệp, thể hiện sự đồng hành của Nhà nước với doanh nghiệp trong giải quyết chính sách về nhà ở cho người thu nhập thấp và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản của tỉnh.
Dự án nhà ở cho người thu nhập thấp chỉ đáp ứng được khoảng 1/4 nhu cầu. |
Nhà đầu tư tiên phong xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh là Công ty CP TECCO. Ngay trong năm 2011, 2 dự án nhà ở xã hội được doanh nghiệp này đầu tư đưa vào sử dụng là khu chung cư (KCC) Lê Lợi và KCC Hưng Lộc với tổng số 186 căn hộ. Thông tin về nhà ở xã hội của Tecco được người dân chờ đón và đăng ký kín chỗ ngay sau đó. Ông Nguyễn Xuân Quân - Phó Giám đốc chi nhánh Tecco Nghệ An cho biết: Thực hiện dự án, chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, hỗ trợ tiền thiết kế phí. Giá bán căn hộ thời điểm đó là 7,4 triệu đồng/m2. Việc xác nhận đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội do UBND thành phố Vinh kiểm tra chấp thuận bằng văn bản. Giá bán, thuê mua nhà ở xã hội được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Tiếp sau đó, Công ty CP địa ốc Kim Thi triển khai dự án nhà ở xã hội CT1 cao 15 tầng, gồm 238 phòng với diện tích sàn xây dựng 18.777 m2, trong đó quy hoạch 80% căn hộ dành cho người thu nhập thấp và 20% căn hộ thương mại. Hiện đơn vị này tiếp tục thực hiện dự án chung cư xã hội CT2 cao 12 tầng gồm 170 căn hộ có tổng diện tích sàn 15.174 m2, với tổng vốn đầu tư 147 tỷ đồng xây dựng. Khi tiếp cận được căn hộ của Công ty CP địa ốc Kim Thi theo tiêu chí cho người thu nhập thấp, chị L.A công tác tại Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản tỉnh thực sự phấn khởi khi được vay theo gói 30.000 tỷ đồng với những ưu đãi, giải quyết những khó khăn của gia đình. Cùng đó, chủ trương phát triển nhà ở xã hội đã mở ra cơ hội sở hữu nhà cho nhiều người có thu nhập thấp.
Đến nay, việc vay mua nhà theo gói 30.000 tỷ đồng hết hạn, nhưng người có thu nhập thấp, công chức, viên chức... có thể vay mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất thấp theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là 4,8%/năm (0,4%/tháng). Đây là kênh vốn quan trọng cho cả người mua nhà và các công ty đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Còn nhiều bất cập
Tuy vậy, trên thực tế, giá thành căn hộ giảm không nhiều so với giá nhà ở thương mại, còn khá cao so với mức thu nhập của các đối tượng mua nhà. Tổng kinh phí được miễn giảm đạt tỷ lệ 4 - 5% so với tổng mức đầu tư, mức giá bán từ 6,6 - 8,8 triệu đồng/m2 (thấp hơn khoảng 5 - 10% so với giá bán của nhà ở thương mại cùng chủng loại). Ông Nguyễn Xuân Quân - Phó Giám đốc chi nhánh Tecco Nghệ An cho rằng, theo Quyết định 98 của UBND tỉnh, chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được miễn thuế VAT 10%, miễn tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn đầu tư xây dựng hạ tầng, được đưa ra mức lợi nhuận từ 5 -10% vào giá bán giá thành sản phẩm. Nếu được hưởng những ưu đãi như vậy thì giá thành sản phẩm sẽ giảm, người mua nhà được mua nhà với giá thấp hơn. Thế nhưng, doanh nghiệp chưa được hưởng nhiều ưu đãi như quy định và cũng vì thế, giá thành nhà ở xã hội vẫn chưa được như kỳ vọng.
Cũng chính vì thế, dù các cấp chính quyền của tỉnh đã cố gắng tạo điều kiện về cơ chế chính sách để phát triển nhà ở xã hội tại địa phương nhưng hiện nay, số lượng doanh nghiệp đầu tư cho loại hình nhà ở này trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn ít, trong khi nhu cầu của người dân vẫn rất cao. Với 6 dự án được triển khai, chỉ có chưa đến 700 căn hộ được tung ra thị trường, con số này quá nhỏ bé so với nhu cầu khoảng trên 3.000 căn hộ của người dân có thu nhập thấp.
Tìm hiểu được biết, nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Vinh và các khu vực đô thị là rất lớn nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn, do các nhà đầu tư không muốn “chung chi” vào lĩnh vực này vì hiệu quả không cao. Trước thực trạng đó, để khuyến khích thu hút các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, Sở Xây dựng chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Việc ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ ưu đãi các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời giảm giá bán căn hộ, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp mua được nhà ở, sẽ góp phần ổn định cuộc sống.
Khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp - KCC Hưng Thịnh, Hưng Lộc (TP. Vinh) do Tecco làm chủ đầu tư. |
Ngoài ra, một bất cập khác cũng cần phải đề cập đến là tình trạng trao tay chuyển nhượng nhà ở xã hội đã đang diễn ra. Theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư được toàn quyền ký hợp đồng sau khi được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản, nên vẫn còn tồn tại hành vi bán, tráo đổi đối tượng nhà ở xã hội hoặc cho người không thực sự có nhu cầu. “Trước đây, theo quy định người mua nhà ở xã hội tối thiểu sau 10 năm mới được chuyển nhượng nhưng nay quy định giảm còn 5 năm. Thế nên, không thiếu tình trạng, căn hộ người này ở nhưng người khác đứng tên. Đang có hiện tượng chuyển nhượng ngầm, lách luật bằng tờ giấy viết tay không qua công chứng, chờ sau thời gian quy định thì làm thủ tục chuyển nhượng”, ông Nguyễn Xuân Quân cho biết thêm.
Do vậy, cùng với việc hỗ trợ, khuyến khích các chủ đầu tư triển khai đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, các cơ quan chức năng cần phải siết chặt hơn nữa công tác quản lý nhà ở xã hội để tránh tình trạng các đối tượng đầu cơ trục lợi, ảnh hưởng đến quyền lợi được mua nhà của người thu nhập thấp đang thực sự khó khăn về nhà ở.
Thu Huyền
TIN LIÊN QUAN |
---|