Nhiều nỗi lo ở các bến đò ngang

26/09/2016 11:52

(Baonghean) - Theo thống kê của Sở GTVT, trên địa bàn Nghệ An hiện có 13/18 bến khách ngang sông có giấy phép mở bến. Cơ sở vật chất tại các bến đò hầu hết đã cũ, hỏng, xuống cấp; phương tiện còn hạn chế, không đảm bảo… khiến người đi đò “vừa đi vừa run”.

Nguy cơ mất ATGT - chuyện cũ nói mãi

Bến đò Vạn Rú (xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn), mỗi ngày có đến gần 100 lượt người qua lại. Thế nhưng, cơ sở vật chất của bến đò này đã sử dụng nhiều năm mà lại ít được đầu tư. Nhà chờ tại bến đò Vạn Rú chỉ được dựng tạm, nhếch nhác, không đủ che nắng mưa cho khách nếu có nhu cầu trú lại chờ đò. Lối lên xuống của bến đò chỉ mới được xây dựng một bên, còn bờ bên kia vẫn còn là con đường đất bị sụt lở nham nhở.

Khách lên xuống đò vẫn phải đi trên ván gỗ tạm bợ, chưa được đầu tư xây dựng gì. Ngoài các điều kiện đảm bảo an toàn cho khách qua đò, ái ngại nhất vẫn là phương tiện áo phao để bảo hộ trực tiếp thì cả chủ đò và khách không mấy ai quan tâm.

Đường lên xuống bến đò Rú Nguộc (Ngọc Sơn, Thanh Chương) không có lan can phòng hộ.
Đường lên xuống bến đò Rú Nguộc (Ngọc Sơn, Thanh Chương) không có lan can phòng hộ.

Còn tại bến đò Rú Nguộc, xã Ngọc Sơn (Thanh Chương), thực trạng thường thấy là một số đò đang hoạt động trên bến không có đai lan can phòng hộ, trơn tuột rất nguy hiểm. Các lối lên xuống đã cơ bản được rải bê tông nhưng chất lượng thấp, lồi lõm, chưa được đầu tư xây dựng hệ thống lan can, hoạt động của mô hình “bến đò an toàn tự quản” chưa được duy trì thường xuyên. Tình trạng khách qua đò không mặc áo phao cũng khá phổ biến.

Cần chủ động cho mùa mưa bão

Để đảm bảo an toàn các bến đò trong mùa mưa bão, hàng năm UBND tỉnh đều thành lập đoàn thanh tra liên ngành, kiểm tra công tác đảm bảo trật tự ATGT tuyến đường thủy nội địa; trong đó có hoạt động của các bến đò ngang trên địa bàn. Bước vào mùa mưa bão năm nay, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2572/QĐ-UBND ngày 6/6/2016 về việc thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Qua kiểm tra cho thấy, không chỉ điều kiện đảm bảo an toàn cho các bến đò chưa được thực hiện mà các phương tiện vận chuyển cũng chưa đảm bảo. Tại địa bàn Thanh Chương, huyện có số lượng bến khách ngang sông lớn nhất toàn tỉnh, một số bến thì bảng nội quy, bảng niêm yết giá không có hoặc có nhưng đã hư hỏng. Đường lên xuống tại bến đò Phuống bị sạt lở.

Đoàn cũng đã lập biên bản vi phạm hành chính phương tiện tại bến đò Cung về hành vi chở hành khách qua sông không trang bị dụng cụ an toàn cho hành khách, phương tiện không mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Còn tại huyện Anh Sơn, 2/3 bến không đủ điều kiện hoạt động do giấy phép mở bến hết hạn chưa được cấp lại…

Chuyến đò ngang Vạn Rú (Khánh Sơn, Nam Đàn).
Chuyến đò ngang Vạn Rú (Khánh Sơn, Nam Đàn).

Ông Phan Huy Chương - Phó Chánh thanh tra giao thông Nghệ An cho biết: “Tình trạng vi phạm của các phương tiện vận chuyển trên các tuyến đò ngang vẫn xảy ra. Trong đó, lỗi chủ yếu là phương tiện không bảo đảm, người điều khiển phương tiện không có giấy chứng nhận điều khiển máy phương tiện thủy nội địa theo quy định, không trang bị đủ thiết bị cứu sinh, không niêm yết bảng nội quy bến đò, giá vé”.

Bên cạnh tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền, quan trọng hơn hết là cả chủ phương tiện cũng như người dân tham gia giao thông tại các bến khách ngang sông luôn tự nâng cao ý thức sử dụng các biện pháp đảm bảo an toàn, góp phần hạn chế tai nạn giao thông tại các bến đò ngang trong mùa mưa bão.

Đinh Nguyệt - Đình Hà

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Nhiều nỗi lo ở các bến đò ngang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO