Nhọc nhằn nghề cửu vạn
(Baonghean) - Vì mưu sinh nên rất nhiều nông dân tìm đến thành phố Vinh làm nghề cửu vạn. Lao động mệt nhọc, đôi vai họ gồng gánh những lo toan với kỳ vọng kếm thêm thu nhập cho gia đình.
Nhọc nhằn bán sức…
Gần trưa, mặt trời sắp đứng bóng, nắng đổ rát mặt đường nhưng hàng chục cửu vạn vẫn ngồi tập trung ở những khu vực như: Vườn hoa Tam giác, cầu Kênh Bắc, Vườn hoa Cửa Nam, Ngã 6…(TP Vinh) để chờ việc. Hầu hết họ là dân tứ xứ đến từ những phường, xã ven đô và các huyện phụ cận như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Họ không từ chối bất cứ công việc nào, từ dọn nhà, lau kính, khuân vác, đến chuyển đồ, xây dựng...
Phụ nữ làm cả nghề phụ hồ, xây dựng. Ảnh P.V |
Những nữ cửu vạn ở đây hầu hết đã bước qua tuổi tứ tuần. Chị Nguyễn Thị Mai, quê Nghi Lộc (46 tuổi) cho biết, vợ chồng chị có 2 đứa con đã vào đại học. Niềm vui nhân lên nhưng gánh nặng cũng nhân lên gấp đôi. Ở quê làm không đủ chi phí cho các con, chị phải theo mấy chị em trong xóm ra TP. Vinh kiếm việc.
Chị Mai chia sẻ: “Mấy ngày đầu chẳng có ai thuê làm, sau đó mới có, nhưng công việc rất nặng nhọc, mệt nhất vẫn là bốc vác hàng. Các xe hàng chủ yếu về trưa hoặc đêm nên có những thời điểm bốc hàng xong muốn xỉu luôn. Còn chuyện bốc hàng ngã chấn thương, vẹo cột sống, trẹo chân, bong gân là chuyện bình thường…”.
Theo chị, trung bình mỗi lần khuân vác nặng nhọc hàng từ trên xe tải xuống, cũng chỉ 50.000 - 60.000 đồng/người, hôm nào làm được nhiều thì nhận được khoảng 200.000- 300.000 đồng tiền công. Còn lại trung bình thu nhập mỗi ngày khoảng 100.000 đồng”. Chị Nguyễn Thị Lân ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), người có thâm niên 10 năm hành nghề cửu vạn tâm sự: Chị lấy chồng và sinh được 5 người con, chồng đau yếu quanh năm nên ngoài mấy sào ruộng khoán, những lúc nông nhàn chị thường vào TP. Vinh tìm việc, kiếm thêm thu nhập nuôi các con ăn học và thuốc thang, cơm cháo cho chồng.
Cửu vạn ra thành phố là nam giới cũng chiếm tỷ lệ khá đông, họ cũng làm đủ thứ nghề, ai thuê gì làm nấy, chủ yếu vẫn là lao động phổ thông nặng nhọc như bốc vác, chở hàng, chuyển nhà, xây dựng... Có nhiều cửu vạn nay tuổi ngoại 60 nhưng ngày nắng cũng như ngày mưa, vẫn gắng sức để kiếm sống, dành dụm gửi tiền về quê nuôi gia đình, con cái…
Gánh nặng trong đêm của nữ cửu vạn. Ảnh: Tiến Dũng |
Vượt khó, nuôi ước mơ
Anh Tài - một cửu vạn đến từ huyện Hưng Nguyên cho biết: Có nhiều người bốc vác thâu đêm đã ngất vì lao lực quá sức phải đi bệnh viện cấp cứu. Thêm vào đó, nghề cửu vạn, ngoài lao động cực nhọc thì hít phải nhiều bụi bẩn nên nhiều người đã bị bệnh về đường hô hấp. Trong khi đó, rất ít người có điều kiện đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. “Nghề cửu vạn chủ yếu là hợp đồng miệng với người sử dụng lao động nên khi xảy ra những rủi ro như ngã chấn thương, nếu gặp phải chủ có tâm thì họ bồi dưỡng cho ít tiền để chữa trị, còn không, cửu vạn đều phải tự chịu. Ngoài ra, nếu không làm chủ bản thân rất dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội” - Anh Tài ngậm ngùi tâm sự.
Tuy là một nghề nặng nhọc, vất vả và bấp bênh, nhưng vì mưu sinh, những cửu vạn phải gồng mình vượt qua. Họ không chỉ là mưu sinh cơm áo hàng ngày mà còn nuôi những ước mơ như mong muốn cho con cái được học hành đến nơi đến chốn.
Chị Nguyễn Thị Mơ, một người thường xuyên làm cửu vạn ở TP. Vinh tâm sự: “Hai vợ chồng tôi, chỉ có mấy sào ruộng, nhưng phải nuôi 2 đứa con học đại học, nên phải gắng thôi. Nghĩ đến tương lai của các con thì khó khăn mấy chúng tôi cũng vượt qua”. Nhìn thân hình chị Mơ gầy guộc, đôi mắt sâu khắc khoải mong chờ sự đổi thay trong cuộc sống của gia đình. Chúng tôi đưa máy ảnh định chụp chân dung chị, nhưng chị lấy nón che mặt lắc đầu: “Đừng chụp chú à, chị khổ mấy cũng được nhưng còn các cháu đang đi học, lỡ bạn bè nó thấy, biết mẹ là cửu vạn, tội nó lắm!”.
Mùa nông nhàn nên nhiều lao động lên thành phố tìm việc. Ảnh T.D |
Những người hành nghề cửu vạn nơi thành phố tuy mỗi người mỗi phương, hoàn cảnh khác nhau nhưng họ rất đoàn kết trong cuộc sống, họ sẵn sàng nhường cơm áo, chia sẻ công việc cùng nhau, thăm hỏi những lúc ốm đau và chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Chị Mơ kể: “Năm vừa rồi con chị Hà ở Nghi Lộc đậu đại học, chúng tôi vẫn tập trung nhau lại, góp tiền và quà đến nhà mừng cho cháu. Vui lắm”.
» Phát triển cây dược liệu thành cây làm giàu của Việt Nam
» Những người công giáo làm giàu trên đất quê
Tiến Dũng
TIN LIÊN QUAN |
---|