Nghệ An: Nhiều người khốn khổ vì nhận thông báo trúng thưởng sau khi mua hàng online
(Baonghean.vn) - Thời gian gần đây, nhiều người dân ở Nghệ An liên tục nhận được thông báo trúng thưởng sau khi mua hàng online. Tuy nhiên, giải thưởng đâu mãi chả thấy, chỉ thấy mất thêm tiền mua sản phẩm.
“Mua một cái nồi, trúng một tỷ”?
Nhiều tháng nay, gia đình chị Võ Thị Thanh Huyền (40 tuổi, phường Cửa Nam, TP Vinh), liên tiếp nhận được bưu phẩm gửi tới nhà riêng. Trong các gói bưu phẩm đó là những “thông báo trúng thưởng”, với những lời lẽ “như thật”, đốc thúc khách hàng làm các bước tiếp theo để được nhận tiền. Việc nhận được thông báo trúng thưởng không chỉ khiến gia đình chị bị phiền toái, thậm chí phải mất tiền mà còn khiến không khí gia đình trở nên căng thẳng.
Chị Huyền kể, gần một năm trước, bố chồng chị - ông Vũ Đức Bình (67 tuổi), có đặt mua một chiếc nồi nấu ăn sau khi thấy quảng cáo trên tivi. Quá trình đặt mua, ông Bình có để lại địa chỉ để bên bán gửi hàng và số điện thoại để liên lạc. “Khoảng một tháng sau thì gia đình nhận được thông báo bố tôi là khách hàng may mắn, trúng thưởng một chiếc xe máy. Nhưng để nhận được giải thưởng, yêu cầu phải mua tiếp sản phẩm khác. Lúc đó, bố tôi cũng không tin, nghĩ đó là lừa đảo nên bỏ qua”, chị Huyền kể.
Ông Bình nhận thông báo trúng một tỷ đồng. Ảnh: TH |
Bẵng đi một thời gian, đến tháng 10/2020, gia đình chị lại tiếp tục nhận được "thông báo khẩn" về việc trúng thưởng từ Smart Shopping. Lần này, trong thông báo cho hay, ông Bình là “khách hàng may mắn”, đã trúng giải thưởng trị giá đến một tỷ đồng.
“Chúng tôi vô cùng vui mừng thông báo với bạn, giải thưởng đặc biệt trị giá 1.000.000.000 đồng từ Smart Shopping đã được chuẩn bị sẵn sàng và sẽ sớm được trao cho người thắng giải. Vì vậy chúng tôi rất mong muốn nhận được phản hồi của bạn. Đừng chần chừ nữa, làm theo hướng dẫn và hồi đáp ngay cho chúng tôi… Trong hàng nghìn khách hàng mua sắm trong suốt thời gian qua, Smart Shopping đặc biệt lựa chọn bạn để trao cho bạn cơ hội thắng và nhận được một giải thưởng vô cùng đặc biệt. Điều này có vẻ khó tin, nhưng đó là sự thật…”, những lời lẽ trong thông báo trúng thưởng của Smart Shopping nêu.
Trong một số thông báo còn có cả hình ảnh đại diện của nghệ sỹ nổi tiếng. Ảnh: TH |
Trong thông báo này có một “miếng dán tuyệt mật”, phủ lên dãy số ghi rõ số điện thoại của ông Bình mà phía Smart Shopping cho là đây là mã chiến thắng nếu nó trùng với số điện thoại ông Bình thật. Tuy nhiên, cũng trong thông báo nhận được này còn yêu cầu gia đình làm đơn yêu cầu trả thưởng đồng thời đặt mua thêm hàng. “Lần này thông báo được làm rất công phu, và họ cũng gửi thông báo liên tục, với những lời lẽ, hình ảnh khiến bố tôi tưởng thật. Trong thông báo còn có ảnh và phát ngôn của một nghệ sỹ nổi tiếng. Kèm theo giải thưởng quá lớn nên ông cứ đòi làm theo yêu cầu”, chị Huyền kể.
Những ngày sau đó, ông Bình rất phấn khởi, còn khoe với hàng xóm, bạn bè về món tiền một tỷ đồng “từ trên trời rơi xuống”. Ông liên tục giục con cái làm theo yêu cầu trong thông báo để sớm được nhận tiền thưởng. Để chiều lòng bố, chị Huyền làm theo yêu cầu đồng thời bỏ thêm gần 2 triệu đồng chỉ để mua 2 gói thực phẩm chức năng của công ty này.
Sau khi đã làm các bước theo yêu cầu của công ty, ông Bình háo hức chờ ngày nhận được tiền thưởng. Tuy nhiên, sau đó thay vì nhận được tin, gia đình ông chỉ nhận được thông báo chúc mừng ông “đã may mắn lọt vào vòng trong”, và tiếp tục yêu cầu làm thêm các bước để được nhận thưởng, trong đó không thiếu việc phải mua thêm sản phẩm. Mà lần này, giá trị sản phẩm lại tăng lên với số tiền lớn hơn nhiều.
Một trong hàng loạt "thư khẩn" mà gia đình ông Bình nhận được. Ảnh: TH |
“Sau khi lọt vào vòng trong rồi sẽ có nhiều vòng nữa. Nhưng bố thì vẫn cứ tin, cứ đòi mua hàng thêm. Chúng tôi đành phải giấu bố, bảo là đã làm theo yêu cầu rồi. Bây giờ ông vẫn cứ chờ tiền thưởng về. Thật khốn khổ”, chị Huyền nói.
Gia đình chị Huyền không phải là nạn nhân duy nhất ở Nghệ An bị mất tiền vì những thông báo kiểu này. “Tôi thậm chí làm theo yêu cầu của họ nhiều lần. Mua hàng chất đầy cả bàn rồi nhưng cuối cùng thưởng chẳng thấy, chỉ thấy mất tiền mua sản phẩm không dùng đến”, một người đàn ông xin được giấu tên trú ở phường Hưng Dũng (TP Vinh), nói.
Chiêu lừa không mới
Để xác minh vụ việc, phóng viên lần theo địa chỉ mà Smart Shopping đã quảng cáo. Tuy nhiên, đây chỉ là một “địa chỉ ma”, không có thật ở tận TP HCM. Trong các “thông báo trúng thưởng” gửi các khách hàng cũng rất dễ nhận ra những điểm đáng ngờ. Trong đó, thông tin về công ty này không có. Người có tên Lương Thanh Thanh, tự xưng là giám đốc Smart Shopping trong thông báo này chỉ cam kết số tiền một tỷ đồng sẽ được trao thưởng và đích thân ông hoặc đại diện sẽ tham dự lễ trao giải thưởng. Nhưng không nói rõ lễ trao thưởng diễn ra ở đây và khi nào?...
Lần tìm trên mạng thì thấy trang web của công ty này quảng cáo Smart Shopping là thương hiệu Smart Shopping hoạt động với mô hình kinh doanh bán hàng qua thư. “Hiện tập đoàn đã có mặt tại Nga, Indonesia, Malaysia và sẽ còn rất nhiều quốc gia khác. Hôm nay, Smart Shopping tự hào đến với Việt Nam. Chúng tôi mang đến cho bạn một phương thức mua sắm thông minh, tiện lợi và đặc biệt an toàn….”.
Mặc dù tự quảng cáo là “tập đoàn quốc tế”, nhưng địa chỉ cung cấp trên trang web này lại là địa chỉ không có thật. Ngoài ra, phóng viên cũng đã nhiều liên hệ theo số điện thoại mà trang wep cung cấp là hotline của công ty nhưng không liên lạc được. Ngoài ra, tên miền smartshoppingvn.com của “tập đoàn” này cũng có vẻ như đang mạo danh một trang wep chuyên về mua sắm online được cấp phép ở Hà Nội đó là trang smartshopping.com.vn.
Trang wep này có tên miền gần giống với một kênh mua sắm trực tuyến có trụ sở ở Hà Nội. Ảnh: TH |
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên thực tế, đây không phải là chiêu lừa mới. Thời gian qua, đã có rất nhiều người mất tiền như ông Bình. Nào là tự xưng trung tâm mua sắm trực tuyến Go Shopping, cho đến Hệ thống mua sắm TV Home Shopping, rồi thì TVShop... Những kẻ lừa đảo sau khi có được thông tin khách hàng thường gọi điện hoặc gửi thông báo đến tận nhà “báo tin vui” về việc họ đã trúng thưởng. Nhưng để nhận được tiền thưởng, khách hàng phải làm rất nhiều bước, trong đó có việc phải mua thêm nhiều sản phẩm với giá trị cao bất thường. Nhiều người tưởng thật, đã phải mua những gói sản phẩm lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng tiền thưởng vẫn không đến tay.
Và một điểm chung nữa của những “kênh mua sắm” này là địa chỉ cung cấp cho khách hàng đều là “địa chỉ ma”, còn số điện thoại thì dùng “sim rác”, sau khi lừa đảo trót lọt thì đã không còn liên lạc được.
Thông báo trúng thưởng như thật của Smart Shopping. Ảnh: TH |
Những năm qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương và nhiều cơ quan chức năng từng nhiều lần cảnh báo nạn lừa đảo bán hàng qua mạng, qua điện thoại. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn xảy ra tràn lan ở nhiều địa phương. Đặc biệt trong hơn một năm trở lại đây do ảnh hưởng của đại dịch của Covid-19, người dân hạn chế đi lại, thường ưu tiên lựa chọn mua sắm online.
Nhằm ngăn chặn các thiệt hại, rủi ro cho người tiêu dùng khi tiếp nhận các thông tin quảng cáo, chào mời mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng: Nên thận trọng với hình thức mời mua hàng, thông báo thông tin qua điện thoại, tin nhắn, đặc biệt là từ số điện thoại di động với thông tin doanh nghiệp mập mờ, không chính xác. Khi nghe tư vấn, người tiêu dùng nên tỉnh táo, tránh tình trạng bị cuốn vào thông tin quảng cáo hoặc thông tin trúng thưởng, dễ mất cảnh giác với thủ đoạn của đối tượng. Trong mọi tình huống, người tiêu dùng cần kiểm tra lại thông tin do đối tượng cung cấp để đảm bảo tính chính xác, đặc biệt lưu ý không thực hiện theo các hướng dẫn kiểm tra của đối tượng (ví dụ, đối tượng hướng dẫn người tiêu dùng gọi điện tới số điện thoại khác để kiểm tra…).