Những câu chuyện thú vị về loài chó trên khắp thế giới
(Baonghean.vn) - Vì sao văn hóa Ai Cập cổ đại tôn sùng loài chó ? Vai trò đặc biệt của loài chó trong văn hóa Hy Lạp cổ đại, Vì sao người dân châu Âu không ăn thịt chó? ... là những câu chuyện thú vị về loài chó trên khắp thế giới.
1. Vì sao văn hóa Ai Cập cổ đại tôn sùng loài chó?
Trong đời sống văn hóa, tâm linh, người Ai Cập đã sử dụng loài chó để làm biểu tượng cho Thần Chết Anubis. |
Trong đời sống văn hóa, tâm linh, người Ai Cập đã sử dụng loài chó để làm biểu tượng cho Thần Chết Anubis. Thần Anubis là một trong những vị thần quan trọng nhất của thế giới Ai Cập cổ đại. Vị thần này được miêu tả có thân nam giới và đầu chó rừng. Hình ảnh thần Anubis thường được khắc trên các văn bản chữ tượng hình được khắc trên các lăng mộ, đền đài của người Ai Cập Thần Anubis tượng trưng cho sự ướp xác và cái chết.
Do loài chó rừng thường xuất hiện ở các nghĩa địa nên người Ai Cập tin rằng thần Anubis trông nom người chết. Thần Anubis có đầu chó rừng này giúp ướp xác thần Osiris sau khi bị thần Seth giết chết. Do vậy, các thầy tư tế thường đeo mặt nạ thần Anubis trong các lễ ướp xác. Trong những năm qua, các chuyên gia khảo cổ đã tìm thấy một số đền thờ thần Anubis với hàng triệu xác ướp động vật, trong đó có cả xác ướp những con chó cùng nhiều cổ vật vô cùng giá trị.
2. Vai trò đặc biệt của loài chó trong văn hóa Hy Lạp cổ đại
Loài chó đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và văn hóa Hy Lạp cổ đại. |
Loài chó đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và văn hóa Hy Lạp cổ đại. Người Hy Lạp thời cổ đại rất yêu động vật, đặc biệt là loài chó, bởi loài chó đóng vai trò quan trọng trong đời sống người dân như trông giữ nhà cửa, tham gia các cuộc đi săn...
Chúng cũng được miêu tả là những người bạn trung thành của con người. Một trong những câu chuyện nổi tiếng về con chó của người Hy Lạp là chú chó Argos - người bạn trung thành của nhà vua Odysseus ở Vương quốc Ithaka.
Không chỉ là người bạn trung thành, người Hy Lạp thời cổ đại còn sử dụng những con chó như một "chiến binh" dũng mãnh trong chiến tranh. Những con chó to lớn được người Hy Lạp thời cổ đại cho làm quân tiên phong tấn công quân địch. Kết quả là những "chiến binh" đặc biệt này làm rối loạn đội hình của quân địch giúp quân đội Hy Lạp dễ dàng đánh bại kẻ thù.
3. Vì sao người dân châu Âu không ăn thịt chó?
Ăn thịt chó trở thành chủ đề "nóng" gây tranh luận trong suốt nhiều năm qua. Cụ thể, tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có châu Âu người dân xem các con vật như chó, mèo là thú cưng thậm chí chăm sóc chu đáo giống như thành viên trong gia đình. |
Trong khi một số nước, đặc biệt ở châu Á coi thịt chó là món ăn khoái khẩu thì cũng có nhiều nước châu Âu không ăn món ăn này. Thậm chí, nhiều người, thậm chí là các tổ chức, nhóm bảo vệ động vật lên án hành động ăn thịt chó.
Họ không coi thịt chó là một loại thực phẩm và ăn thịt các con vật nuôi là cấm kỵ Các nhóm bảo vệ động vật ở nhiều nước cũng lên án, phản đối gay gắt việc giết chó lấy thịt và chế biến chúng thành các món ăn. Nhiều người không ăn thịt chó ở phương Tây không khỏi kinh hãi, thậm chí lên án, kỳ thị hành động của những người giết chó và ăn thịt những con vật này.
Do đó, các tổ chức bảo vệ động vật ở cả Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới như Anh, Mỹ, Australia... lên tiếng phản đối gay gắt.
4. Chuyện nuôi chó ở Mỹ
Dắt chó đi dạo ở Mỹ. |
Nuôi chó ở Mỹ khá phổ biến nếu không muốn nói Mỹ là quốc gia có tỉ lệ hộ gia đình nuôi chó thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Những hộ gia đình người Mỹ già, không con cái, thường nuôi chó làm bầu bạn để bớt cảm giác neo đơn.
Đối với trẻ em ở Mỹ được chăm sóc tốt và vốn được giáo dục yêu động vật và bảo vệ thiên nhiên môi trường, từ đó các em thích nuôi chó vì thế chó càng trở thành một người bạn thân thiết với các em.
Ở TP. New York, những kẻ trộm chó nếu bị bắt lần đầu sẽ phải chịu mức phạt 1.000USD. Còn tại Philadelphia, nếu chó nhà ai thả rông ngoài trời giá lạnh dưới -6 độ C sẽ bị phạt mức 500USD. Đành rằng nhiều hộ gia đình Mỹ nuôi chó làm cảnh hay thú cưng nhưng luật pháp Mỹ bắt người nuôi phải gắn trách nhiệm với vật nuôi gia đình chứ không phải muốn đối xử thế nào cũng được.
Ngoài ra, nước Mỹ có cả một ngành công nghiệp vật nuôi gia đình với nhiều dịch vụ đa dạng, phục vụ đến tận răng, có tổng giá trị thị trường lên đến vài chục tỉ đô la, trong đó có cả dịch vụ mai táng và mộ phần tại nghĩa trang cho chó.
5. Câu chuyện về đàn chó bị bỏ rơi ở "thành phố ma" Chernobyl
Rất ít chó sống qua được năm thứ 6 ở Chernobyl. |
Sau thảm họa hạt nhân ở Chernobyl năm 1986, người dân của thành phố phải di tản đến nơi an toàn mà không được phép mang theo bất kì vật nuôi nào. Trong cuốn Lời cầu nguyện từ Chernobylcủa nhà báo Svetlana Alexievich ghi lại lời kể từ một nhân chứng:“Nhiều chú chó sủa ầm ĩ, chúng cố gắng trèo lên xe buýt nhưng đều bị binh sĩ đá ra ngoài… Cuối cùng chỉ biết chạy theo những xe chở người già”.
May mắn thay, vẫn có một số con chó trốn thoát và duy trì nòi giống đến tận bây giờ. Song cuộc sống lang thang ở Chernobyl chưa bao giờ là dễ dàng. Vừa phải trải qua mùa đông khắc nghiệt mà không có chỗ trú ẩn, lại vừa phải chịu tác động từ chất phóng xạ khiến cho tuổi thọ bị rút ngắn.
Các con chó hoang thường sống quanh trạm kiểm soát của khu vực, nơi có nhiều túp lều nhỏ. Một số thì đủ khôn ngoan để tụ tập gần quán cà phê địa phương bởi chúng hiểu rằng ở đâu có con người, ở đó sẽ có thức ăn. Những “băng đảng” chó này hoạt động như các linh vật đại diện không chính thức của Chernobyl. Chúng luôn chào đón các vị khách du lịch dừng chân tại Cafe Desyatka và chờ được cho đồ ăn.
6. Chuyện ít biết về Laika - cô chó bay vào vũ trụ
Chó Laika bên trong một phiên bản của vệ tinh Sputnik 2 |
Ngày 3/11/1957, Liên Xô đã khiến cả thế giới “choáng váng” với việc phóng tầu vũ trụ Sputnik 2 và đưa vật động còn sống đầu tiên vào quỹ đạo. Trên con tầu nhỏ này có một cô chó nhỏ, tên là Laika. Laika là một con chó lạc, nặng 16kg, được nhặt trên đường phố thủ đô Moskva chỉ một tuần trước khi được đưa lên vũ trụ.
Cô cùng hai chú chó khác đã được chọn bởi có vẻ điềm đạm và phù hợp nhất với sứ mệnh này. Trong quá trình huấn luyện, các nhà khoa học theo dõi sự lanh lợi của các chú chó bằng việc nhốt chúng trong những chiếc lồng với mức độ chật hẹp ngày càng tăng trong vòng 2 tuần liên tục. Chúng phải thường xuyên luyện tập với máy ly tâm mô phỏng quá trình tăng tốc của tên lửa đẩy, cũng như thiết bị mô phỏng tình trạng không trọng lực. Sau mỗi lần luyện tập, nhịp tim của chúng đều tăng gấp đôi.
Ngày 3/11/1957, tại sân bay vũ trụ Baikonur, Sputnik 2 được phóng lên quỹ đạo Trái Đất, mang theo Laika. Ngay ngày hôm đó, Đài Phát thanh Moskva cho phát đi thông tin rằng những tín hiệu từ Sputnik 2 cho thấy: hoạt động của các thiết bị khoa học vẫn diễn ra bình thường và Laika vẫn sống.
Sáu ngày sau đó, Trái Đất hoàn toàn mất liên lạc với tàu Sputnik 2. Sau 163 ngày bay liên tục 2.570 vòng quanh quỹ đạo Trái Đất với vận tốc 28.968 km/h, ngày 14/4/1958, Sputnik 2 mang theo xác Laika đã rực cháy trên đường trở về Trái Đất, kết thúc xuất sắc sứ mạng tiên phong của mình.
7. Chuyện thú vị về cảnh khuyển tháp tùng Tổng thống Mỹ đi khắp thế giới
Đội chó nghiệp vụ bảo vệ Tổng thống Trump tại Đà Nẵng tháng 11/2017. |
Chó nghiệp vụ thuộc đơn vị tinh nhuệ K9 của Mật vụ Mỹ thành lập vào những năm 1970. Kỹ năng nổi bật của chúng là đánh hơi, phát hiện chất nổ, bom mìn và xử lý nhanh chóng những kẻ tấn công. Chúng được tuyển chọn và huấn luyện, đào tạo nhằm sẵn sàng thực hiện một trong những công việc quan trọng bậc nhất là bảo vệ Tổng thống.
Để trở thành một chú chó tinh nhuệ trong hàng ngũ bảo vệ Tổng thống, chúng phải trải qua quy trình kiểm tra, rèn luyện trong các trường huấn cực kỳ chặt chẽ, khắc nghiệt. Ban đầu những chú chó thuộc giống Béc-giê Đức (German Shepherd) là lựa chọn số một vì có nhiều phẩm chất phù hợp hơn cả. Tuy nhiên, đến những năm 1990, Béc-giê Bỉ (Malinois) đã bắt đầu được chú ý và lựa chọn vì những khả năng nổi bật hơn.
Cả hai đều là những giống chó vô cùng thông minh, lanh lợi, mạnh mẽ, quyết liệt và có tính cảnh giác rất cao. Trong đó, Béc-giê Bỉ có kích thước nhỏ hơn nhưng nhiều sức mạnh, cơ bắp to chắc và khả năng tấn công linh hoạt hơn. Chúng sở hữu tốc độ cực nhanh khoảng từ 40-50 km/h.
Đặc điểm nổi bật của những chú chó nghiệp vụ là khứu giác vô cùng nhạy bén. Chúng có khả năng đánh hơi nhiều loại chất liệu nổ khác nhau và khả năng phát hiện mục tiêu chỉ trong vòng vài giây. Một cảnh khuyển của Mật vụ Mỹ có thể phát hiện lượng thuốc nổ nhỏ đặt trong túi hoặc thậm chí trong container phạm vi bán kính 100 m.