Những 'cột mốc sống' trên biển

Gia Huy 29/09/2020 15:01

(Baonghean.vn) - Vừa bám biển đánh bắt thủy hải sản phát triển kinh tế, vừa tham gia bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, những ngư dân thuộc trung đội dân quân biển của phường Nghi Thủy (Cửa Lò) được ví von là “những cột mốc sống” trên biển. Họ là “tai mắt”, đồng thời cũng là những tuyên truyền viên tích cực của cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng trong bảo vệ biển đảo.

Vừa khai thác, vừa bảo vệ chủ quyền

Là chủ của 2 đôi tàu NA 938 26, NA 938 36 công suất 830CV, trên mỗi tàu có khoảng 20 thuyền viên, thời gian lênh đênh trên biển khai thác hải sản của ngư dân Phùng Bá Thu khối Yên Đình phường Nghi Thủy còn nhiều hơn ở nhà. Gia đình có 3 đời làm nghề đi biển, bản thân ngư dân Phùng Bá Thu gắn bó với biển khơi từ khi là cậu bé mới 12-13 tuổi nên với ông biển như là một cái gì đó gắn bó máu thịt. Chính bởi vậy, khi có chủ trương thành lập Trung đội dân quân biển phường Nghi Thủy, ông là một trong những người đầu tiên tham gia.

Nói về quyết định gia nhập lực lượng dân quân biển, anh Thu cho biết: “Tôi tham gia dân quân biển để góp phần bảo vệ biển đảo quê hương, biển cho chúng tôi tôm cá, chúng tôi phải bảo vệ biển cũng là để bảo vệ mình. Mặt khác, khi tham gia lực lượng dân quân biển chúng tôi cũng nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền. Ngày xưa đi biển thấy đơn thương độc mã, giờ mỗi chuyến ra khơi chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn vì vừa có sự gắn kết giữa các thuyền với nhau vừa kết nối chặt chẽ với đất liền”.

Ngư dân Phùng Bá Thu
Mỗi chuyến ra khơi, các ngư dân là thành viên của Trung đội dân quân biển Phường Nghi Thủy cảm thấy yên tâm hơn vì vừa có sự gắn kết giữa các thuyền với nhau vừa kết nối chặt chẽ với đất liền . Ảnh: G.H

Đội tàu của anh Thu có 12 thuyền viên tham gia dân quân biển, trong đó người trẻ nhất là thuyền viên Nguyễn Đức Quyền sinh năm 1994. Mỗi chuyến ra khơi ngoài việc khai thác hải sản, còn có nhiệm vụ nắm bắt các thông tin, diễn biến trên biển, nhất là sự xuất hiện của các tàu lạ để báo về cho lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, các ngư dân thuộc trung đội dân quân biển như anh Thu còn là thành viên nòng cốt trong công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển; tuyên truyền và tư vấn cho các tàu thuyền khác nhận biết những dấu hiệu bất thường trên biển. “Như năm ngoái có đội tàu của anh Dương khối 9 gặp 5 tàu lạ nghi của Trung Quốc ngoài khơi nên đã gọi điện hỏi tôi dấu hiệu nhận biết tàu Trung Quốc, bằng kinh nghiệm của mình tôi đã tư vấn cho anh Dương xác nhận chính xác để báo về cho lực lượng chức năng”- anh Thu chia sẻ.

Tàu thuyền tại phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò
Tàu thuyền tại phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò. Ảnh tư liệu Quang An

Xác định “Muốn vượt sóng to phải có tàu lớn” - anh Thu cũng là một trong số những ngư dân đầu tiên ở Nghi Thủy tiên phong vay vốn đóng tàu lớn theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ để vươn khơi, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và cho các thuyền viên.

Cũng giống như anh Thu, các chủ tàu cá Mai Thanh Toàn, Nguyễn Văn Bình khối Đông Tiến đều có chung niềm tự hào khi là thành viên của Trung đội dân quân biển vừa sản xuất vừa trực tiếp tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Đội tàu của các ngư dân này đều có công suất 750CV với khoảng 16 thuyền viên mỗi tàu.

Các chủ tàu huy động thuyền viên kiểm tra tàu thuyền để ra khơi trở lại. Ảnh: Quang An
Các chủ tàu huy động thuyền viên kiểm tra tàu thuyền để ra khơi trở lại. Ảnh tư liệu Quang An

Sau những chuyến ra khơi, các ngư dân trong Trung đội dân quân biển của phường Nghi Thủy lại trao đổi các thông tin về tình hình khai thác hải sản trên biển và các tình hình khác liên quan đến biển đảo. Họ cũng là những người luôn nắm vững và có ý thức chấp hành nghiêm quy định của pháp luật Việt Nam, Công ước Luật Biển 1982 và các quy định về hoạt động khai thác khơi xa như chế độ thông tin, xác định vị trí tọa độ... để đánh bắt, khai thác đúng ngư trường quy định của nước ta trên khu vực Biển Đông. Mỗi con tàu, mỗi ngư dân là một “cột mốc” chủ quyền, đồng hành cùng lực lượng chức năng trong công cuộc giữ yên biển đảo quê hương.

Mô hình dân vận khéo

Phường Nghi Thủy là địa bàn có vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh của thị xã Cửa Lò với diện tích tự nhiên 180 ha, dân số trên 9.000 nhân khẩu, lực lượng lao động gần 5.000 người, trong đó có khoảng 1.200 người trực tiếp tham gia nghề khai thác hải sản. Toàn phường có trên 100 tàu thuyền, trong đó có 40 tàu có công suất trên 500CV, sản lượng khai thác bình quân hàng năm chiếm 2/3 tổng sản lượng khai thác của toàn thị xã. Từ những yếu tố đó, năm 2016, Bộ CHQS tỉnh và UBND thị xã Cửa Lò đã phối hợp thành lập Trung đội dân quân biển phường Nghi Thủy với 31 người, chủ yếu là ngư dân trong xã, được biên chế thành 3 tiểu đội, hoạt động trên 3 tàu trên 450 CV, được trang bị công cụ hỗ trợ như: ống nhòm, phao cứu sinh, máy bộ đàm, loa tay… và các trang thiết bị khác theo quy định.

Phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò. Ảnh: Google Maps
Phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò. Ảnh: Google Maps

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Tùng - Chỉ huy Trưởng Ban chỉ huy Quân sự phường Nghi Thủy: Mặc dù đời sống của ngư dân nói chung, lực lượng dân quân biển nói riêng còn gặp nhiều khó khăn nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, các thành viên trong trung đội dân quân biển luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vừa kết hợp đánh bắt thủy hải sản trên ngư trường truyền thống, vừa nắm bắt tình hình, xử lý kịp thời các tình huống trên biển, xua đuổi các tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam…góp phần xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh tuyến biển.

Thuyền của ngư dân
Thuyền của ngư dân Phùng Bá Thu (ngoài cùng) được trang bị đầy đủ thông tin liên lạc có thể kết nối với đất liền. Ảnh: G.H

Bên cạnh đó, trung đội dân quân biển phường Nghi Thủy còn tích cực phối hợp với lực lượng chức năng trong công tác cứu hộ cứu nạn. Năm 2015, điều động 10 lượt tàu cứu hộ cứu nạn ngư dân bị sự cố trên biển; năm 2016 tham gia tìm kiếm cưu hộ cứu nạn Su-30 và phi công Trần Quang Khải và phối hợp tìm kiếm quân nhân bị đuối nước tại Đảo Mắt được Bộ CHQS tỉnh khen ngợi; năm 2017 tổ chức 18 lượt tàu thuyền tham gia tìm kiếm thuyền viên tàu VTB-26 và hàng chục lượt tàu tìm kiếm ngư dân bị rơi trên biển, điển hình là vụ việc tàu anh Trương Văn Đức, sinh năm 1962 ở khối 9 phường Nghi Thủy trên đường khai thác hải sản về thì thuyền viên Dương Văn Châu sinh năm 1953 ở khối 10 bị rơi xuống biển, nhận được thông tin tàu của các ngư dân là thành viên trung đội dân quân biển đã phối hợp với lực lượng chức năng tích cực tìm kiếm thuyền viên Dương Văn Châu…

Bến cá Nghi Thủy. Ảnh: Hải Vương
Bến cá Nghi Thủy. Ảnh: Hải Vương

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, hàng năm, lực lượng dân quân biển phường Nghi Thủy cũng tích cực tham gia các đợt huấn luyện về quân sự, giáo dục về chính trị, phổ biến về pháp luật, tập luyện nhiều phương án hoạt động trên biển. Bởi ai cũng hiểu rằng, mỗi ngư dân chính là những “cột mốc” sống, là “ mắt biển” giữa trùng khơi của tổ quốc, mỗi thành viên trung đội dân quân biển là nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Ngư dân, thành viên Trung đội dân quân biển phường Nghi Thủy treo cờ tổ quốc mỗi lúc vươn khơi ( ảnh nhỏ);
Ngư dân, thành viên Trung đội dân quân biển phường Nghi Thủy treo cờ tổ quốc mỗi lúc vươn khơi (ảnh lớn); và trao đổi thông tin với lực lượng chức năng (ảnh nhỏ). Ảnh: G.H

Điều ấn tượng là mỗi chuyến ra khơi, tàu của ngư dân là thành viên của Trung đội dân quân biển đều tiên phong, gương mẫu trong việc treo cờ tổ quốc và tuyên truyền, vận động các tàu khác cùng treo. Những lá cờ cũ được hạ xuống, lá cờ mới được thay thế trên nóc tàu.

Mỗi khi những đội tàu thuyền nối nhau vươn khơi, sắc cờ đỏ tung bay phần phật trong gió đầy kiêu hãnh và tự hào, chính là sự khẳng định về chủ quyền biển, đảo quê hương.

Mới nhất

x
Những 'cột mốc sống' trên biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO