Những điều thí sinh nên tránh để không mất điểm “oan” môn Toán
Thầy Lê Anh Tuấn chia sẻ về nguyên nhân khiến học sinh thường khó “ăn điểm” tuyệt đối trong phần câu hỏi về nhận biết và thông hiểu.
Nguyên nhân khiến học sinh mất điểm “oan” môn Toán
Chia sẻ về nguyên nhân khiến học sinh thường khó “ăn điểm” tuyệt đối trong phần câu hỏi về nhận biết và thông hiểu, thầy Lê Anh Tuấn cho biết: “Với các em có mục tiêu rõ ràng là điểm số môn Toán phải cao để còn cạnh tranh được vào các trường đại học tốp trên thì cần tập trung ôn luyện thật kĩ phần các câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao.
Tuy nhiên, một phần cực quan trọng mà các em hay chủ quan và nghĩ mình dễ dàng làm đúng đó chính là hệ thống các câu hỏi về phần nhận biết và thông hiểu. Việc này dẫn đến tình huống các em không mất điểm oan những câu dễ.
Trong đề thi, số lượng câu hỏi nhận biết và thông hiểu chiếm 60%, tức là khoảng 30 câu đầu tiên.
Với những câu hỏi ở mức độ này, thí sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức giáo khoa và thao tác tư duy nhanh là có thể xử lí được. Riêng về mặt tư duy, các em cần luyện tập nhuần nhuyễn 2 thao tác: Về nhận biết phải thuộc lòng và hiểu lí thuyết cơ bản, về thông hiểu phải vận dụng từ lí thuyết cơ bản qua tính toán và tư duy để giải bài.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà ai cũng có thể làm được tối đa 30/30 câu hỏi. Vì có những thí sinh làm nhanh ẩu dẫn đến sai sót, hoặc quên mất hệ thống công thức và lý thuyết cơ bản nên không xử lý được. Có thí sinh phụ thuộc quá nhiều vào máy tính Casio dẫn đến việc không nắm chắc hết kiến thức cơ bản và dễ gặp sai lầm khi làm bài.
Nhìn chung riêng phần nhận biết và thông hiểu thì nếu thí sinh cần thực sự cẩn thận và quan tâm đúng mức thì sẽ không gặp phải những sai sót đáng tiếc.
Những lưu ý về những dạng bài nhận biết thông hiểu thường hay mang tính “gài bẫy”
Để các bạn tránh mất “điểm oan” trong những dạng bài nhận biết thông hiểu thường hay mang tính “gài bẫy”, thầy Tuấn cho biết: Để không mất nhiều điểm ở các câu hỏi mức độ nhận biết và thông hiểu, thí sinh không cần phải là người có tư duy quá tốt, chỉ cần là người nắm vững kiến thức cơ bản và phân loại các dạng toán rõ ràng.
Khi làm bài cần phải bóc tách rõ vấn đề, động đến kiến thức cơ bản nào là phải thuộc hết lý thuyết của phần đó, thì chắc chắn các em sẽ làm được hầu hết câu hỏi thuộc phần này.Tuy nhiên học sinh cũng rất hay mất điểm đáng tiếc ở phần này do đề thi đôi lúc “gài bẫy” những câu hỏi rất cơ bản:
Ví dụ: Với bài toán kết luận khoảng đồng biến nghịch biến của hàm số: Bình thường ta hay kết luận hàm số đồng biến, nghịch biến chỉ trên khoảng (a;b), nhưng đề thi lại kết luận trên đoạn [a;b], vậy kết luận đó có đúng không?.
Với phần cực trị thì phân biệt rõ các ngôn từ về điểm cực trị của hàm số, cực trị của hàm số và điểm cực trị của đồ thị hàm số, nếu không phân biệt được sẽ sai lầm ngay.
Với tập xác định của hàm số lũy thừa, học sinh thường hay sử dụng máy tính casio để làm. Tuy nhiên, riêng với hàm lũy thừa thì học sinh hầu hết sẽ sai nếu dùng máy tính casio.
Hầu như ở chủ đề nào của giải tích và hình học lớp 11 và 12 ta đều có thể gặp sai lầm khi làm bài.
Các câu hỏi nhận biết thông hiểu trải đều ở tất cả các chuyên đề ở lớp 12 và một vài chủ đề ở lớp 11. Gần như phần nào cũng sẽ có kiến thức của phần này. Vì vậy các em không chỉ tập trung luyện ôn vào 1 vài chủ đề nhất định nào đó, mà phải học đều tất cả các chủ đề.