Những 'hàng xóm' tốt bụng trong bệnh viện
(Baonghean.vn) - Nếu không có những người “hàng xóm” tốt bụng, có lẽ đôi vợ chồng người Khơ Mú ở Kỳ Sơn (Nghệ An) sẽ vẫn ăn những chiếc bánh để nhiều ngày đã ôi thiu, bé Cụt Thành Lương khát sữa chỉ biết ngậm ngón tay của mình thay vú mẹ…
Những ngày qua, bệnh nhân và người thăm nuôi có mặt tại phòng bệnh 702, Khoa Thần kinh (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) đều dành tình cảm và sự giúp đỡ đặc biệt cho gia đình ông Cụt Phò Khỏe, bà Cụt Mẹ Khỏe và bé Cụt Thành Lương.
Những người thăm nuôi bệnh nhi trong phòng bệnh 702 chia sẻ, hướng dẫn cách chăm sóc trẻ cho vợ chồng ông Cụt Phò Khỏe |
Vượt chặng đường hơn 300 km từ bản Huồi Cáng 2, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, vợ chồng ông Cụt Phò Khỏe đưa cháu nội Cụt Thành Lương ( 2tuổi) xuống thành phố Vinh chữa bệnh. Tuổi đã ngoại tứ tuần nhưng vốn tiếng Kinh ít ỏi, ông Khỏe cho biết lần đầu tiên xuống thành phố Vinh, đến một bệnh viện tuyến tỉnh để chữa bệnh cho cháu trai.
Hành trang mà ông bà nội của bé Cụt Thành Lương mang theo chỉ là vài triệu đồng, vài ba bộ quần áo đã sờn cũ và một thùng giấy đựng khá nhiều bánh gói để dành ăn từng ngày trong “hành trình” chữa bệnh chưa hẹn ngày về.
Ngày đầu tiên ở trong bệnh viện, những người thăm nuôi bệnh nhi phòng 702 ngỡ ngàng vì sự “ngây ngô” của vợ chồng họ Cụt. Vài lần thấy bé Lương sốt, co giật mà ông bà nội cháu bé vẫn không hề phản ứng gì, không biết đi gọi ý tá cấp cứu cho cháu mình. Vài lần thấy đôi vợ chồng cả ngày chỉ biết ăn thứ bánh gói mang từ nhà đi mà không có thứ gì khác, đến khi bánh đã ôi thiu mà họ cũng không hề có ý định bỏ đi. Rồi khi bé Lương quấy khóc mà không có lấy một hộp sữa để uống…
Một người nhà bệnh nhi giường bên sang giúp ông Khoẻ pha thuốc cho cháu nội |
Tất cả mọi người trong phòng bệnh mới vỡ lẽ. Từ vùng núi cao biên giới xa xôi, những hạn chế về sự hiểu biết trở thành một vật cản vô cùng lớn khiến đôi vợ chồng Cụt Phò Khỏe và Cụt Mẹ Khỏe “như người từ trên trời rơi xuống”. Họ không biết đến những kiến thức sống tối thiểu nơi thành thị, họ cũng không có chút ít kiến thức về tự chăm sóc sức khỏe…
Không ai bảo ai, tất cả mọi người trong phòng bệnh tự giác giúp đỡ và chia sẻ với gia đình người đồng bào từ vùng núi cao. Người cho sữa, người cho nước uống, người khác san sẻ bữa cơm và cùng hướng dẫn “ông bà dân tộc” cách pha thuốc, cách cho bé Lương uống thuốc…
Bà Dương Thị Oanh (trú Cầu Giát, Quỳnh Lưu), chia sẻ: “Tôi chứng kiến từ khi ông bà Khỏe và cháu Lương mới vào viện. Thấy hoàn cảnh của họ rất éo le. Chúng tôi đồng lòng giúp đỡ và chia sẻ để mong họ vơi bớt đi phần nào khó khăn”.
Đến bữa ăn, vợ chồng ông Khỏe được biếu cơm gà và hoa quả, được cho tiền để đi mua nước, mua cháo. Đến giờ uống thuốc, khi ông Khỏe lóng ngóng pha thuốc thì “hàng xóm” nhanh nhảu chạy đến hướng dẫn và làm giúp. Họ chỉ cho ông Khỏe làm sao để cho bé Lương uống thuốc đúng cách, phải làm gì khi cháu lên cơn sốt.
Hơn 3 ngày kể từ khi nhập viện, nay vợ chồng ông Cụt Phò Khỏe đã dần “bắt nhịp” được thói quen sinh hoạt và chăm sóc cháu trai trong bệnh viện. “Nhất cử nhất động” của gia đình họ Cụt đều được những người “hàng xóm” dõi theo và giúp đỡ nhiệt tâm. Nỗi lo vơi cạn túi tiền của ông Khỏe cũng bớt đi phần nào khi mà nhiều người chứng kiến hoàn cảnh của gia đình ông đã tự nguyện biếu sữa, cơm ăn hàng ngày và cả tiền mặt.
Hơn 3 ngày đến viện, nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ của mọi người, ông Khoẻ đã dần quen với nếp sinh hoạt và chăm sóc cho cháu. Trong ảnh là vợ chồng ông Cụt Phò Khoẻ cùng đứa cháu nội đang chữa trị tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An. |
Chậm chạp nói từng câu khi được hỏi về gia đình, ông Cụt Phò Khỏe cho biết: “Thằng Lương khi được 5 tháng tuổi thì biết khóc, biết cười. Sau đó nó bị ốm, người bị giật từng hồi lâu. Từ đó đến giờ nó bị nhiều lần. Giờ nó không biết nói, tay không cầm được, chưa biết đi”.
Được biết, bé Cụt Thành Lương là cháu nội đầu của vợ chồng ông Khỏe, bố mẹ của bé Lương phải ở nhà chăm sóc con nhỏ 3 tháng tuổi nên đành phải để ông bà nội đưa bé Lương đi chữa bệnh. Sau khi bị co giật lần đầu tiên rồi nhiều lần sau đó, gia đình đưa bé Lương đến bệnh viện tuyến huyện nhưng không thể chữa được bệnh nên được giới thiệu lên tuyến trên.
Được biết, cả gia đình ông Khoẻ sống chỉ dựa vào việc trồng lúa rẫy và đi săn bắt trong rừng. Những khi ông bà và bố mẹ đi vắng thì bé Lương nằm ở nhà một mình, đến bữa thì chủ yếu ông bà cho ăn vì bố mẹ bận chăm sóc em gái. Trong chừng ấy thời gian, vợ chồng ông Cụt Phò Khỏe cho biết bé Lương thường xuyên bị sốt, co giật nhưng gia đình không biết cách sơ cứu.
“Nhà nghèo, không có tiền nên không đi chữa bệnh cho nó được. Xuống đây lần đầu, không biết gì nhưng bà con trong bệnh viện này tốt bụng, cho nhiều thứ lắm. Vợ chồng tôi cảm ơn nhiều lắm!”, ông Khỏe cảm động nói.
Thiên Hùng
TIN LIÊN QUAN