Những hoạt động nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
(Baonghean.vn) - Khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng bão số 4 và sự cố Thủy điện Sông Bung 2; Hỗ trợ đầu tư bảo vệ, phát triển rừng; Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần qua.
1- Khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng bão số 4
Trường THCS Yên Tĩnh (huyện Tương Dương, Nghệ An) bị ngập sau mưa lũ. |
Trong các ngày 13 và 14 tháng 9 năm 2016, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, tại các tỉnh khu vực Bắc và Trung Trung Bộ đã có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa tại một số nơi tới 400 mm), lũ thượng nguồn sông Hiếu, sông Cả (tỉnh Nghệ An) lên nhanh gây ngập lụt một số khu vực thấp trũng ven sông, xảy ra lũ ống, lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của Nhân dân, nhất là tại các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực, chủ động của các bộ, ngành, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền các cấp và Nhân dân các địa phương vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ đã chủ động phòng, chống và khắc phục nhanh hậu quả, giảm thiểu thiệt hại; đồng thời gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng, chia sẻ những khó khăn, mất mát của đồng bào, chính quyền các địa phương.
Hiện nay, đang là thời kỳ cao điểm về mưa lũ, để chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của mưa lũ trong thời gian tới, khắc phục nhanh hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh và các bộ, ngành có quan liên quan phối hợp chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, tập trung tổ chức tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ mai táng người bị thiệt mạng, cứu chữa người bị thương; hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại...
2 - Khẩn trương khắc phục sự cố Thủy điện Sông Bung 2
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương khắc phục sự cố Thủy điện Sông Bung 2. |
Chiều tối 13/9, đã xảy ra sự cố hầm dẫn dòng Thủy điện Sông Bung 2 (Nam Giang, Quảng Nam) làm 2 công nhân bị mất tích.
Để khẩn trương khắc phục sự cố, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và UBND tỉnh Quảng Nam khẩn trương phối hợp tìm kiếm cứu nạn người bị mất tích; triển khai ngay các giải pháp khắc phục sự cố, không để mất an toàn cho người và công trình vùng hạ lưu; đồng thời khẩn trương xác định nguyên nhân, thực hiện ngay các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn hoạt động trong khu vực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/9/2016.
Sáng 14/9, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký Công điện số 1634/ CĐ-TTg gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam; các Bộ: Công Thương, Xây dựng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chỉ đạo về việc khắc phục sự cố công trình thủy điện Sông Bung 2.
3- Giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất
Quy định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất. Ảnh minh họa: |
Cụ thể, tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất thì tiền sử dụng đất phải nộp là số tiền trúng đấu giá.
Giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất mà diện tích tính thu tiền sử dụng đất của thửa đất hoặc khu đất đấu giá có giá trị (tính theo giá đất trong Bảng giá đất) từ 30 tỷ đồng trở lên đối với các thành phố trực thuộc trung ương; từ 10 tỷ đồng trở lên đối với các tỉnh miền núi, vùng cao; từ 20 tỷ đồng trở lên đối với tỉnh còn lại là giá đất cụ thể do Sở Tài nguyên và Môi trường xác định, chuyển cho Hội đồng thẩm định giá đất của địa phương do Sở Tài chính làm thường trực Hội đồng tổ chức thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
Giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất mà diện tích tính thu tiền sử dụng đất của thửa đất hoặc khu đất đấu giá có giá trị (tính theo giá đất trong Bảng giá đất) dưới 30 tỷ đồng đối với các thành phố trực thuộc trung ương; dưới 10 tỷ đồng đối với các tỉnh miền núi, vùng cao; dưới 20 tỷ đồng đối với tỉnh còn lại là giá đất cụ thể do cơ quan tài chính xác định theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất...
4 - Hỗ trợ đầu tư bảo vệ, phát triển rừng
Ảnh minh họa. |
Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp.
Về chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán và khuyến lâm, Quyết định quy định tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng trồng rừng trên đất trống, đồi núi trọc được quy hoạch là rừng sản xuất được hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước, mức hỗ trợ cụ thể như sau: 1- Trồng các loài cây sản xuất gỗ lớn (khai thác sau 10 năm tuổi), cây đa mục đích, cây bản địa, mức hỗ trợ 8 triệu đồng/ha; trồng các loài cây sản xuất gỗ nhỏ (khai thác trước 10 năm tuổi) và cây phân tán (quy đổi 1.000 cây/ha), mức hỗ trợ 5 triệu đồng/ha; 2- Trồng rừng sản xuất tại các xã biên giới, các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên và các tỉnh vùng Tây Nguyên được hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/ha ngoài mức hỗ trợ quy định tại điểm 1.
5 - Bổ sung đối tượng áp dụng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Ảnh minh họa. |
Nghị định số 136/2016/NĐ-CP quy định 3 đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thay vì hai đối tượng như quy định tại Nghị định số 221/2013/NĐ-CP. Ba đối tượng gồm:
1- Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn 1 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện;
2- Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy;
3- Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn định.
6 - Kiện toàn BCĐNN các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT
Ảnh minh họa. |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải vừa ký Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo này. Theo quyết định, Phó Trưởng ban Thường trực là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa. Phó Trưởng ban là Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.
Theo đó Ban Chỉ đạo này có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, điều hòa phối hợp và đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện các nhiệm vụ về đầu tư xây dựng các công trình, dự án nêu tại Điều 1 Quyết định số 1250/QĐ-TTg theo đúng quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xem xét kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định những cơ chế, chính sách về đầu tư xây dựng, đề xuất giải pháp cụ thể trong quá trình thực hiện các công trình, dự án; chỉ đạo việc hợp tác với các tổ chức trong nước và nước ngoài, huy động và phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trong việc thực hiện các công trình dự án theo quy định; chỉ đạo việc triển khai thực hiện các công trình, dự án theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ...
7- Khuyến khích mở rộng quy mô, địa bàn hoạt động của HTX
Ảnh minh họa. |
Đó là nội dung trong Thông báo 290/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp với Liên minh HTX Việt Nam về tình hình kinh tế hợp tác, HTX và một số đề xuất, kiến nghị trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng đề nghị Liên minh HTX Việt Nam tiếp tục tuyên truyền và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương V- khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Luật HTX nhằm tạo nên sự thống nhất, đồng thuận cao về nhận thức đối với vị trí, vai trò, tác dụng của mô hình HTX mới trong cơ chế thị trường. Tạo tiền đề cho các loại hình HTX ra đời và phát triển; chú trọng hướng dẫn tổ chức các phong trào thi đua ở các HTX, liên hiệp HTX. Tập trung ưu tiên xây dựng một số mô hình HTX, liên hiệp HTX tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn của Việt Nam, thí điểm ở một số vùng, miền có khu đô thị, khu đông dân cư có quy mô hàng hoá lớn.
Đồng thời tập trung tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, cung cấp dịch vụ (pháp lý, thông tin, tài chính, tín dụng, thị trường, khoa học công nghệ ...), đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của các thành viên HTX, để tăng cường cho việc hình thành và phát triển của các HTX, liên hiệp HTX. Khuyến khích mở rộng quy mô và địa bàn hoạt động của HTX, liên hiệp HTX, để làm đầu kéo, đầu mối dẫn dắt hỗ trợ khoa học công nghệ, bảo quản, thu mua, chế biến, tiêu thụ, tái cấu trúc kinh tế nông nghiệp.
8 - Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng tại 3 cơ quan
Đoàn kiểm tra yêu cầu UBND thành phố Hà Nội báo cáo, làm rõ việc còn tình trạng "xe dù, bến cóc". |
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội.
Cụ thể, tại Quyết định 202/QĐ-TCTTTg, thành lập Đoàn kiểm tra, kiểm tra việc cập nhật nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao lên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi (Hệ thống QLCSDLTD) tại Văn phòng Chính phủ vào ngày 16/9.
Tại Quyết định 198/QĐ-TCTTTg, thành lập Đoàn kiểm tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đối với: Thanh tra Chính phủ (thời gian kiểm tra trong ngày 23/9/2016); UBND thành phố Hà Nội (ngày 21/9/2016).
Ngoài ra, yêu cầu UBND thành phố Hà Nội báo cáo, làm rõ nội dung Báo quân đội nhân dân phản ánh về việc còn tình trạng "xe dù, bến cóc", xe khách trá hình hoạt động công khai, trái với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 242/CĐ-TTg ngày 5/2/2016.
9 - Ngày 25/3 là Ngày Công tác xã hội Việt Nam
Ảnh minh họa. |
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định lấy ngày 25 tháng 3 hằng năm là “Ngày Công tác xã hội Việt Nam”.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương hướng dẫn, tổ chức “Ngày Công tác xã hội Việt Nam” bảo đảm thiết thực, hiệu quả với mục đích tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội; ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân.
Bên cạnh đó, phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách” và tinh thần thương yêu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau của người Việt Nam. Đồng thời, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng gặp hoàn cảnh khó khăn và phát huy vai trò của người làm công tác xã hội.
10 - Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa
Ảnh minh họa. |
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.
Đó là một trong những nội dung tại Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Mục tiêu chủ yếu đến năm 2020, phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, trong đó ngành điện ảnh đạt khoảng 150 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 50 triệu USD); ngành quảng cáo (trên truyền hình, đài phát thanh, báo, tạp chí, internet và quảng cáo ngoài trời) đạt khoảng 1.500 triệu USD; ngành du lịch văn hóa chiếm 10 - 15% trong tổng số khoảng 18.000 - 19.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch.
Thái Bình
(Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN |
---|