Những ngôi nhà mới và nỗ lực thoát nghèo bền vững ở Nghĩa Đàn

Nguyên Nguyên 09/04/2023 12:13

(Baonghean.vn) - Với sự vào cuộc hỗ trợ của các cấp, ngành và nỗ lực của bản thân, rất nhiều hộ nghèo ở huyện Nghĩa Đàn đã vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Để tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở huyện Nghĩa Đàn triển khai nhiều giải pháp, phát huy hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Tương trợ để an cư cho hộ nghèo

Nhà anh Lê Đức Vân và chị Lương Thị Ngạn ở xóm Tân, xã Nghĩa Lạc. Ảnh: Nguyên Nguyên

Vợ chồng anh Lê Đức Vân và chị Lương Thị Ngạn ở xóm Tân, xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Đàn) thực sự vui mừng khi đầu năm 2022, ngôi nhà mới được xây dựng kiên cố với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, người thân và sự nỗ lực của gia đình. Cũng trong năm qua, gia đình anh Vân, chị Ngạn nỗ lực vươn lên thoát khỏi diện hộ nghèo.

Anh Lê Đức Vân chia sẻ: “Hai vợ chồng trẻ ra ở riêng, con còn nhỏ, kinh tế chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng và đất trồng mía. Cuộc sống vì vậy gặp nhiều khó khăn. Mấy năm trước cả gia đình ở trong ngôi nhà tạm, vách tre nứa, lợp bằng fibro xi măng. Nhưng từ năm ngoái, với sự hỗ trợ 50 triệu đồng của các cấp, ngành, gia đình vay mượn thêm đã làm được ngôi nhà mới. Dù chưa phải rộng lắm nhưng chúng tôi thực sự yên tâm trong ngôi nhà mới. Vợ chồng chúng tôi động viên nhau đi làm thêm để nâng thu nhập, lo cho con cái ăn học…”.

Anh Lê Đức Vân chia sẻ về ngôi nhà mới và nỗ lực thoát nghèo. Clip Nguyên Nguyên

Cũng tại xã Nghĩa Lạc, gia đình chị Lê Thị Tuyết, ở xóm Mồn đã xây được nhà mới khang trang trong năm 2022. Ngôi nhà này được xây dựng với sự hỗ trợ của tỉnh 50 triệu đồng, cùng với sự giúp đỡ của người thân và vay mượn của gia đình. Năm qua, gia đình chị Tuyết cũng thoát khỏi diện hộ nghèo. Hiện, chồng chị đang đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, còn chị ở nhà vừa tích cực lao động, chăm lo cho các con.

Chị Tuyết vui mừng nói: “Sự hỗ trợ bằng kinh phí và động viên của các cấp, ngành và bà con xóm làng là động lực lớn để gia đình có cơ ngơi như hôm nay. Bây giờ ở trong ngôi nhà mới mà cứ lâng lâng, bởi trước đó, chúng tôi thường mơ ước nhưng không nghĩ sớm có được như vậy... Chồng đi làm ăn xa, mẹ con ở nhà động viên nhau cố gắng để cuộc sống ngày càng khá hơn”.

Ngôi nhà mới của chị Lê Thị Tuyết ở xóm Mồn, xã Nghĩa Lạc. Ảnh: Nguyên Nguyên

Hai gia đình cùng với 8 hộ khác ở xã Nghĩa Lạc đã được hỗ trợ mỗi hộ 50 triệu đồng để xây nhà mới trong năm 2021 và 2022. Đây là 10 ngôi nhà đầu tiên ở xã Nghĩa Lạc được xây dựng khang trang từ sự kêu gọi cộng đồng giúp đỡ của Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý khi đồng chí đảm nhận chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh, lúc về thăm và làm việc với xã.

Qua trao đổi, đồng chí Lê Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lạc cho biết: “Sự kêu gọi hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo của đồng chí Thái Thanh Quý đã tạo động lực rất lớn để các hộ nghèo và cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã Nghĩa Lạc nỗ lực đoàn kết cùng vươn lên thoát nghèo. Với xã có trên 98% đồng bào dân tộc Thái và Thổ, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thu nhập bình quân mỗi gia đình hiện nay mới chỉ đạt 24 triệu đồng/hộ/năm nên sự hỗ trợ của cộng đồng sẽ góp phần rất quan trọng để mỗi hộ nghèo ở xã vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Chương trình hỗ trợ về nhà ở tại huyện Nghĩa Đàn đã khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết giúp đỡ trong cộng đồng theo đúng chủ trương “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng nhà ở”. Trong năm 2022 và quý 1/2023, huyện Nghĩa Đàn đã thực hiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 50 hộ gia đình nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, với kinh phí 1.915 triệu đồng.

Xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh tư liệu: Đức Anh

Lồng ghép các chương trình thoát nghèo bền vững

Để hỗ trợ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, huyện Nghĩa Đàn triển khai nhiều chương trình thiết thực. Bên cạnh hỗ trợ làm nhà, huyện triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi; hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ đột xuất, các chương trình thăm hỏi, tặng quà cho các hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn; chương trình Tết Vì người nghèo...

Nhờ đó, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Huyện cũng triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo.

Với nhiều nỗ lực, năm 2022, huyện Nghĩa Đàn đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 6,48% xuống còn 4,07%, tương ứng giảm 2,41%/KH 1,5%; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo từ 6,59% xuống còn 4,53%, tương ứng giảm 2,06%.

Nhiều mô hình kinh tế hộ ở Nghĩa Đàn phát huy hiệu quả tích cực. Trong ảnh: Cán bộ xã Nghĩa Lâm thăm mô hình trồng cây ăn quả có diện tích 5 ha trên địa bàn; Thu mua, chế biến sở ở xã Nghĩa Lộc; Vườn chuẩn ở xã Nghĩa Lợi. Ảnh: Nguyên Nguyên

Qua trao đổi, đồng chí Nhữ Hồng Tâm - Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nghĩa Đàn cho biết: Những kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo năm 2022 đã tạo động lực rất lớn để cả hệ thống chính trị đồng hành với các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên trong phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Trên cơ sở đó, năm 2023, Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác phối hợp để tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo.

Cùng đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bảo hiểm xã hội cũng tăng cường phối hợp cùng với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các phòng, ngành liên quan triển khai đồng bộ các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo trên địa bàn. Huyện cũng chủ trương nâng cao khả năng hoạt động đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo trên địa bàn để thực hiện tốt các chương trình, dự án giảm nghèo, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều địa phương ở huyện Nghĩa Đàn trao sinh kế cho hộ nghèo bằng cách hỗ trợ bò giống, phát triển chăn nuôi. Ảnh: Minh Thái

Trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Nghĩa Đàn tăng cường vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể; phát huy trách nhiệm của mọi người dân, nhất là người nghèo, hộ nghèo bằng hành động và kết quả cụ thể. Tiếp tục phát động phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”, tạo ra phong trào thi đua sâu rộng trong toàn xã hội nhằm thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Hiện nay, cùng với việc triển khai các chương trình, đề án giảm nghèo, huyện Nghĩa Đàn tiến hành rà soát thực tế, tạo tài khoản an sinh cho hộ nghèo để tiếp tục thực hiện các chính sách nhanh nhất, trực tiếp và hiệu quả nhất. Đồng thời, huyện tăng cường công tác tư vấn dạy nghề, giới thiệu việc làm và thông tin về thị trường lao động.

Năm 2022 và quý 1 năm 2023, huyện Nghĩa Đàn đã phối hợp tổ chức 7 phiên giao dịch việc làm, thu hút hàng nghìn người lao động tham gia; tổ chức 25 lớp đào tạo nghề cho 836 lao động; từ đó, tạo việc làm mới cho 2.827 người lao động, trong đó, có 1.455 người tham gia xuất khẩu lao động. Qua đó, tạo được sự chuyển biến về tính năng động trong tìm kiếm việc làm và thu nhập cho tất cả lao động trên địa bàn, đặc biệt, tác động tích cực đến nhận thức của người nghèo về ý chí vươn lên, góp phần cùng cán bộ, nhân dân toàn huyện sớm xây dựng thành công huyện Nghĩa Đàn đạt chuẩn nông thôn mới.

Một góc xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Nguyên Nguyên

Phát động cuộc thi ‘Nghĩa Đàn - 15 năm đổi mới và phát triển’

03/04/2023

Những ngôi nhà mới và nỗ lực thoát nghèo bền vững ở Nghĩa Đàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO