Nợ bảo hiểm y tế hơn 3.000 tỷ đồng, chế tài xử lý thiếu tính răn đe

26/10/2017 14:50

Tổng số nợ BHYT năm 2016 còn khá cao, lên tới 3.013 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương nợ 2.327 tỷ đồng (chiếm 77,2% trên tổng số nợ BHYT), còn lại là số nợ của đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp.

Tính đến hết năm 2016, cả nước có 75,91 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,25 triệu người so với năm 2015, đưa tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân lên 81,9%, về đích trước 04 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội.

Chất lượng khám chữa bệnh bằng BHYT cần được cải thiện. Ảnh minh họa
Chất lượng khám chữa bệnh bằng BHYT cần được cải thiện. Ảnh minh họa

Dự kiến đến cuối 2017, tỷ lệ bao phủ BHYT sẽ đạt 84,1% và dần tiếp cận tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân.

Tỷ lệ bao phủ BHYT cao như vậy, nhưng chưa thực sự bền vững: đối tượng được NSNN đóng và NSNN hỗ trợ chiếm đến 65,2% trong tổng số người tham gia BHYT. Năm 2016, có 10/63 tỉnh không hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT mà Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1167/QĐ-TTg, đó cũng là các tỉnh xuất hiện tình trạng bội chi quỹ BHYT.

Đây là những thông tin được cung cấp tại Báo cáo số 859/BC-UBVĐXH14 mà Ủy ban về Các vấn đề xã hội vừa gửi đến Quốc hội.

Đặc biệt, qua thẩm tra, Ủy ban về Các vấn đề xã hội nhận định, hoạt động thu - chi của Quỹ BHYT còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Tổng số nợ BHYT năm 2016 còn khá cao, lên tới 3.013 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương nợ 2.327 tỷ đồng (chiếm 77,2% trên tổng số nợ BHYT), còn lại là số nợ của đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp.

Chi phí quản lý BHYT năm 2016 gần gấp đôi so với năm 2015, tuy phù hợp với quy định (tối đa là 5% tổng thu BHYT) nhưng chưa rõ lý do tăng đột biến so với 2015. “Tại bảng quyết toán không có mục nào tăng gần 200% như mục chi phí quản lý quỹ BHYT”, Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đế xã hội Nguyễn Thúy Anh ký cho biết.

Trong khi công tác thanh, quyết toán chi phí KCB BHYT còn gặp khó khăn do hệ thống chính sách, pháp luật về BHYT còn có một số nội dung mâu thuẫn, chồng chéo và khó thực hiện (dẫn đến tình trạng nhiều bệnh viện phải nợ một khoản tiền lớn của doanh nghiệp dược gây bức xúc trong dư luận), thì tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT từ phía cơ sở KCB và người tham gia BHYT lại có xu hướng gia tăng.

Tuy năm 2016, qua công tác giám định, cơ quan BHXH đã từ chối thanh toán trên 1.785 tỷ đồng chi phí KCB BHYT do thực hiện sai quy định, song nhìn chung công tác kiểm tra, thanh tra, giám định BHYT còn hạn chế.

Với gần 3.100 viên chức làm công tác giám định BHYT, chỉ riêng năm 2016, trung bình mỗi viên chức làm công tác giám định phải thực hiện giám định và thanh quyết toán khoảng 51.600 hồ sơ KCB BHYT, tương ứng với mỗi ngày phải xử lý hơn 140 hồ sơ, khó tránh khỏi sai sót.

Bên cạnh đó, chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHYT quy định tại Điều 49 Luật BHYT chưa đủ mạnh, thiếu tính răn đe. Trách nhiệm của cơ quan giám định BHYT cũng chưa được làm rõ khi kết quả giám định sau phủ nhận kết quả giám định trước đó.

Theo Sggp.org.vn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nợ bảo hiểm y tế hơn 3.000 tỷ đồng, chế tài xử lý thiếu tính răn đe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO