Nỗi niềm con công nhân và bài toán nhà trẻ, trường học

Diệp Thanh 01/06/2022 09:09

(Baonghean.vn) -  Với mức lương của bố mẹ, những đứa trẻ con công nhân rõ ràng không thể có được sự chăm sóc, phát triển ở một môi trường tốt. Chưa kể, những đứa trẻ này còn có rất nhiều thiệt thòi về tinh thần. Để giải quyết vấn đề này, về lâu dài đòi hỏi sự vào cuộc của tổ chức công đoàn và các cấp chính quyền.

Những đứa trẻ về cuối cùng

4 giờ 30 phút chiều, sau khi kết thúc chương trình học, các bạn nhỏ của Trường Mầm non tư thục Hà An (đường Nguyễn Trường Tộ, TP. Vinh) tập trung hết ở dưới tầng 1, chơi với nhau trong lúc chờ bố mẹ đến đón. Lúc này, một số bạn được cô giáo đưa đi tắm - điều tôi hiếm khi thấy ở các trường học công lập. “Những bạn nhỏ này được bố mẹ nhờ các cô tắm hộ vì bố mẹ là công nhân làm ca, về muộn. Nếu đợi đến tối đón con về mới tắm thì khuya quá, không tốt cho sức khoẻ các con” – cô Hiệu trưởng Đỗ Thị Hà giải thích. Vào mùa Đông, số lượng trẻ mà bố mẹ các cháu nhờ các cô tắm còn nhiều hơn nữa.

Đã hơn 18 giờ, trời bắt đầu tối, trong khi các bạn đã được bố mẹ đón hết, những đứa trẻ có bố mẹ là công nhân tăng ca vẫn chưa thể về. Ảnh: Diệp Thanh

6 giờ kém 5 phút, trong khi các bạn và các cô đã về hết, vẫn còn 6 bạn nhỏ đang ở lại và chơi với các anh chị là con của cô hiệu trưởng. Trời tối dần, các trò chơi cũng bớt vui, những đứa trẻ không chơi nữa mà rủ nhau ngồi trên xích đu, tiu nghỉu nhìn ra cổng. Sợ các con đói bụng, cô Hà mang ít bánh kẹo ra cho mỗi bạn 1 cái. Cô Hà phân trần: “Vẫn biết gần đến bữa tối, cho các con ăn như thế này thì lát nữa sẽ không ăn được cơm, nhưng nếu để các con đói bụng và nhớ mẹ thì thương lắm”. Phụ huynh hầu hết là công nhân, rất nhiều lần cô Hà phải ở lại giữ con cho những công nhân tan ca muộn.

Đón con khi đã 6 giờ hơn, chị Nguyễn Thị Hòa vừa hỏi han cô giáo tình hình của các con, vừa cập rập đưa con về để còn kịp qua chợ. Chị nói: “Vợ chồng tôi cũng muốn đón con sớm để về còn cho con ăn sớm nhưng tính chất công việc không cho phép nên đành chịu. Đợt dịch cả 2 vợ chồng đều không có việc làm, nay quay lại phải tranh thủ cày cuốc, tăng ca, thêm giờ để có thêm đồng tiết kiệm. Cùng lúc nuôi 2 đứa trẻ sinh đôi vất vả lắm. Cũng nhiều người khuyên chúng tôi gửi con ở quê cho ông bà, nhưng vợ chồng chúng tôi không muốn”.

Niềm vui được mẹ đón về của những đứa trẻ con chị Nguyễn Thị Hòa. Ảnh: Diệp Thanh

Dù đã rất cố gắng nhưng anh Lê Văn Vĩnh không thể đón con sớm hơn. Ảnh: Diệp Thanh

Lần lượt các em bé cũng dần được người thân đón về. Nói là người thân bởi có nhiều bé vì bố mẹ tăng ca nên phải nhờ hàng xóm, họ hàng hoặc đồng nghiệp đón giúp. Em bé có trẻ về muộn nhất có mẹ làm ở Công ty May Minh Trí (KCN Bắc Vinh) trong khi nhà trọ lại ở phường Hưng Bình - gần chỗ làm việc của bố. Khi được hỏi tại sao không chọn trường nào gần nhà hơn, anh Lê Văn Vĩnh - bố bé nói: “Vợ chồng chúng tôi cũng tìm rồi đấy chứ, nhưng để tìm một trường vừa phù hợp về học phí, thời gian, địa điểm khó lắm. Cho cháu học ở đây cũng tiện buổi sáng mẹ đi làm sớm thì đưa cháu đi luôn”. Nói là tiện nhưng với quãng đường 5 km từ nhà đến trường, việc đi học bằng xe máy của con gái anh vào những ngày mưa, lạnh sẽ rất vất vả.

Quả thật, trong vai một phụ huynh tìm trường mầm non cho con quanh Khu Công nghiệp VSIP, mới thấy hành trình này không dễ chút nào. Hầu hết các trường không nhận giữ trẻ sau 5 giờ, chỉ có những điểm giữ trẻ tư nhân mới có chính sách này. Tuy nhiên, đến 5 tuổi, các bé ở các điểm này đều phải tìm học một trường mẫu giáo với chương trình đào tạo chuẩn quy định để bước vào bậc tiểu học. Với mức học phí giao động từ 1,2 đến 1,8 triệu đồng/tháng (đã bao gồm ăn uống), các điểm giữ trẻ và các trường mầm non quanh khu công nghiệp thường ở trạng thái kín lớp.

Một điểm giữ trẻ tư nhân cho phép bố mẹ đón con muộn ở KCN Bắc Vinh. Hầu hết các trường mầm non không đồng ý gửi trẻ ngoài giờ hành chính nên công nhân chỉ có thể gửi con ở điểm giữ trẻ tư nhân hoặc đưa về quê nhờ ông bà chăm sóc. Ảnh: Diệp Thanh

Tự nhận mình là một người mẹ đến đón con muộn, chị Vi Thị Xuân - công nhân thuê trọ tại KCN Bắc Vinh chia sẻ câu chuyện của mình: “Vợ chồng tôi ở Kỳ Sơn xuống đây làm công nhân và mang theo 2 con nhỏ để thuận tiện việc chăm sóc con cái cũng như tạo điều kiện cho cháu học ở thành phố. Bé lớn đã học lớp 1, không thể đi đón muộn được nữa nên 2 vợ chồng thay phiên nhau, bằng cách nào cũng phải có người về sớm đón con, bị động lắm”.

Cần một môi trường an toàn

Câu chuyện của chị Xuân không dừng lại ở sự cập rập, bị động. “Suốt thời gian con dưới 3 tuổi, tôi chấp nhận ở nhà trọ chăm con để một mình chồng đi làm. Khi con đủ tuổi đi học thì tôi lại tiếp tục đi làm. Đợt dịch vừa rồi, khi các trường chưa mở trở lại, rất nhiều lần tôi phải khóa cửa để 2 chị em, 1 đứa 6 tuổi, 1 đứa 3 tuổi ở nhà trông nhau còn mình thì đi làm. Vẫn biết rằng, có rất nhiều rủi ro có thể xảy ra nhưng không có cách nào khác. Bởi vậy, nên đi làm mà lòng như lửa đốt, nghĩ mong nhanh nhanh chóng chóng để về”, chị Xuân buồn rầu chia sẻ.

Để tránh việc cả 2 cùng tăng ca, không ai đón con, chồng chị Vi Thị Xuân chấp nhận làm tự do ở ngoài thay vì vào công ty. Ảnh: Đình Tuyên

Tại chương trình "Đến với nhà trọ công nhân" do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức vừa qua, có rất nhiều câu chuyện tương tự như chị Xuân. Gửi con 5 tháng tuổi cho nhà hàng xóm để tranh thủ tham dự, chị Hồ Thị Ngân (Công ty TNHH Luxshare ICT Nghệ An) tâm sự: "Từ 1/6 này tôi bắt đầu đi làm lại, đứa đầu 2 tuổi thì gửi trẻ, đứa sau thì nhờ bà nội ở Quỳnh Lưu vào trông. Vì đi làm không được nghỉ buổi trưa nên con sẽ phải uống sữa ngoài, chẳng mấy mà mẹ cũng mất sữa".

Chỉ có 1 cái giường nhưng căn phòng trọ 15m2 của vợ chồng chị Ngân là chỗ ở cho 3 người lớn, 2 đứa trẻ. Vẫn biết là nóng, vẫn biết là nằm dưới đất không tốt nhưng với tổng số lương hơn 10 triệu/tháng của cả 2 vợ chồng, tiền bỉm sữa đã 5-6 triệu đồng, anh chị không có lựa chọn nào khác.

Vì đang nuôi con nhỏ tại nhà trọ, chị Hồ Thị Ngân (áo kẻ) được nhận quà từ Liên đoàn Lao động tỉnh trong chương trình "Đến với nhà trọ công nhân" năm 2022. Ảnh: Diệp Thanh

Khi bài toán về trường học cho con chưa thể giải quyết, nhiều bố mẹ buộc lòng phải chọn ở xa con, gửi con cho ông bà ở quê. Chị Lê Thị Thanh Nga (Thanh Chương), là công nhân một công ty may trong Khu Công nghiệp Bắc Vinh đã gần 1 năm nay. Trước khi về Vinh, chị làm việc ở Bắc Giang, cũng ở một công ty may. Trong câu chuyện của mình, khi nhắc đến con, chị gạt nước mắt: “Tôi đi làm xa nhà những mong thu nhập khá hơn để chăm lo cho gia đình, nhưng sau đó nhận ra những đồng lương chênh lệch đó không thể so sánh với tuổi thơ của con. Ông bà không thể thay thế bố mẹ, cách nuôi dạy của ông bà cũng không còn phù hợp dẫn đến các cháu trở nên bướng bỉnh, mất kết nối với gia đình. Bây giờ con gái lớn của tôi cũng đã 12 tuổi, tôi về làm gần nhà để còn gần gũi, bù đắp cho con”. Chị Nga cũng chia sẻ thêm, thời gian tới, chị sẽ tìm một doanh nghiệp ngay trên địa bàn huyện để về ở với con luôn, thay vì mỗi tuần về được 1 lần như bây giờ.

Trở về phòng trọ sau giờ tan ca, vợ chồng chị Hà Thị Phượng (Quế Phong) trò chuyện với đứa con 14 tháng tuổi của mình qua điện thoại. Đã 5 tháng nay chị Phượng chưa về thăm con.

Ảnh: Diệp Thanh

Cùng tâm sự, sau đợt dịch cuối năm 2021, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thuận ở huyện Nghĩa Đàn cũng đã bỏ công việc lương 15 triệu đồng/tháng ở Bình Dương để về tìm việc ở quê. Chị tâm sự: Giờ ngẫm lại mới thấy con mình thiệt thòi quá. Ở xa, mỗi năm về 1-2 lần, dù có gọi điện thoại hàng ngày thì mình cũng không thể bù đắp được những thiếu thốn tình cảm của con, nhất là giai đoạn dậy thì của các cháu, càng lớn càng cần phải quan tâm các cháu hơn.

Cách đây không lâu, qua lời kể của một người đồng nghiệp, tôi được biết một hoàn cảnh vô cùng đáng thương của một gia đình công nhân. Hai vợ chồng đi làm xa, đứa con trai 7 tuổi gửi cho bà đã lớn tuổi trông. Trong một lần đi chơi, cậu bé không may trượt chân xuống cái ao gần nhà và chết đuối. Không chịu nổi nỗi đau quá lớn, người vợ hóa điên còn người bà suốt ngày sống trong nỗi dằn vặt rồi đổ bệnh.

Dù không dẫn chứng nhiều trong bài viết này nhưng những trường hợp như vậy không hề ít. Đâu đó trong những câu chuyện của những xóm trọ công nhân, luôn xuất hiện những ví dụ về những đứa trẻ sống xa bố mẹ, những trăn trở, lo lắng, những thấp thỏm khó nói… Công nhân cần lắm một giải pháp để giải quyết tất cả những vấn đề trong nuôi, dạy thế hệ tương lai của mình.

Tại buổi đối thoại với công nhân lao động diễn ra ngày 22/5 vừa qua, nhiều công nhân đặt câu hỏi cho Chủ tịch UBND tỉnh về xây dựng thiết chế công đoàn cho người lao động, bao gồm nhà ở xã hội, nhà trẻ, chợ, siêu thị… Trả lời kiến nghị này, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định đây là một trong những nội dung được chính quyền tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm. Ngoài dự án khu thiết kế công đoàn tại Khu Công nghiệp Bắc Vinh còn có 2 dự án nhà ở xã hội của các nhà đầu tư, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở của người lao động. Tất cả các hạng mục nhà ở này đi cùng với trường học, chợ, trung tâm thương mại… để đáp ứng nhu cầu của người lao động.

Mới nhất

x
Nỗi niềm con công nhân và bài toán nhà trẻ, trường học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO