Nóng các vấn đề về chính sách cho người có công

Thanh Nga 11/12/2018 20:30

(Baonghean.vn) - Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII, chiều 11/12, Sở LĐTB & XH có phiên trả lời nội dung chất vấn về công tác chính sách cho người có công.

Chậm cấp bằng Tổ quốc ghi công

Toàn cảnh phiên chất vấn kỳ họp HĐND lần thứ tám. Ảnh: Thành Cường
Toàn cảnh phiên chất vấn kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 8. Ảnh: Thành Cường

Tại phiên chất vấn, ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đã có báo cáo tổng thể về công tác thực hiện chính sách cho người có công và những vấn đề khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Trong những năm qua, cùng với nỗ lực phấn đấu, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Nghệ An luôn xác định công tác thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người có công trên địa bàn tỉnh.

“Tuy nhiên, việc thực hiện một số chính sách còn sai sót, gây bức xúc trong nhân dân; công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng, cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công, ... còn chưa kịp thời” - ông Đoàn Hồng Vũ nói.

Ông Đoàn Hồng Vũ trả lời tại phiên chất vấn. Ảnh: Thành Cường
Ông Đoàn Hồng Vũ trả lời tại phiên chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Toàn tỉnh có hơn 700 trường hợp được nhân dân và cơ quan, đơn vị liên quan qua các thời kỳ đưa vào danh sách tại các nhà bia tưởng niệm liệt sĩ ở các xã, phường, thị trấn nhưng chưa tra cứu được hồ sơ để đề nghị giải quyết chế độ cho thân nhân và cấp Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ.

Việc cấp đổi Bằng “Tổ quốc ghi công” do rách nát, mất mát thời gian qua vẫn còn chậm với nhiều lý do khác nhau như: Nhu cầu thân nhân liệt sĩ có nguyện vọng cấp đổi số lượng lớn, hàng năm cấp đổi được từ 1.000 đến 3.000 Bằng “Tổ quốc ghi công” nhưng vẫn còn đề nghị nhiều và tồn đọng chủ yếu do các thông tin, dữ liệu về liệt sĩ để cấp Bằng Tổ quốc ghi công còn thiếu, sai lệch so với nguồn dữ liệu Quốc gia.

Ông Nguyễn Hữu Vinh đại biểu Thanh Chương. Ảnh: Thanh Nga
Ông Nguyễn Hữu Vinh đại biểu huyện Thanh Chương chất vấn tại phiên họp. Ảnh: Thanh Nga

Đại biểu Nguyễn Hữu Vinh - huyện Thanh Chương nêu ý kiến: Hiện Thanh Chương có 430 trường hợp xin cấp đổi Bằng, nhưng mới cấp đổi được 154 Bằng Tổ quốc ghi công, trong số lượng chưa cấp đổi thì đã có 7 trường hợp đầy đủ số liệu thông tin nhưng đến nay vẫn chưa được cấp, vậy sở ngành có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ cấp đổi?

Trả lời về vấn đề này, ông Đoàn Hồng Vũ cho biết: Hiện toàn tỉnh vẫn còn 823 trường hợp có đầy đủ thông tin nhưng chưa được cấp. Hiện tại huyện Hưng Nguyên đã có 161 trường hợp nhận được Bằng cấp đổi, còn lại hơn 600 trường hợp trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn phải chờ các quy trình thẩm tra ở Bộ LĐ-TB&XH.

Giám đốc Sở cũng cho biết, trước đó có hướng dẫn chỉ cần có thông tin mộ chí thì làm ngay được giấy báo tử và thân nhân được hưởng chế độ thờ cúng. Tuy nhiên, tại thời điểm đó người dân không làm kịp thời, nên sau này theo quy định tại Thông tư 16/2014/TT- BLĐ-TBXH có nhiều trường hợp có tên trong các văn bia, thậm chí có mộ chí nhưng vẫn chưa được công nhận. Vậy các đơn vị, địa phương và Sở ngành sẽ cố gắng hơn để đẩy nhanh tiến độ cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân gia đình các liệt sỹ.

Sở ngành đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương thành lập Tổ xác minh các thông tin về trường hợp hy sinh của 731 người hy sinh và thông tin về thân nhân người hy sinh đã được hưởng chế độ đãi ngộ trước ngày 01/1/1995 để có căn cứ cấp giấy báo tử thực hiện việc cấp Bằng Tổ quốc ghi công theo Điều 13, Thông tư số 16/2014/TT-BLĐ-TBXH ngày 30/7/2014 của BộLĐ-TB&XH.

Nóng việc cải cách thủ tục hành chính

Đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đô Lương, đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Thành Cường
Đại biểu Nguyễn Thị Lan - huyện Đô Lương, đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đô Lương nêu ý kiến: Qua theo dõi bộ thủ tục hành chính giải quyết cho người có công thì vẫn thấy sở ngành còn sử dụng bộ thủ tục cũ, với nhiều quy định về thời gian hoàn thành trong việc giải quyết các thủ tục cho người có công còn dài, tại sao không sử dụng bộ thủ tục mới?

Bởi theo quan sát của đại biểu thì hiện cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công thời hạn xử lý 70 ngày, tuy nhiên thủ tục trên quy định tại Sở LĐ-TB&XH là 6 tháng. Thủ tục giải quyết mai táng phí, Bộ quy định 25 ngày nhưng ở Đô Lương thường chậm tới 1 năm.

Về vấn đề này ông Đoàn Hồng Vũ – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Ngành đã trình ban hành đề án bộ thủ tục hành chính của ngành, hiện việc đi giám định lại thương tật đã giảm từ 15 ngày xuống 12 ngày; việc cấp đổi sở ngành cũng đã thực hiện tối giản thời gian, bởi theo quy định mới của UBND tỉnh kể từ cuối năm 2016 là 40 ngày nhưng sở đã thực hiện tối giản chỉ còn 25 ngày và tiếp tục cố gắng để tối giản các thủ tục hành chính khác trong thời gian tới.

Bà Ngô Thị Thu Hiền - Tp Vinh. Ảnh: Thanh Nga
Bà Ngô Thị Thu Hiền - đại biểu TP Vinh đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Thanh Nga

Việc miễn giảm tiền sử dụng đất cho người có công cũng được các đại biểu đề cập. Đại biểu Ngô Thị Thu Hiền - TP Vinh nêu: Từ năm 2013, thực hiện Luật đất đai, Chính phủ quy định không miễn giảm tiền thuê đất cho các đối tượng chính sách, UBND tỉnh chưa ban hành việc quy định cụ thể về hỗ trợ tiền sử dụng đất cho người có công, điều này khiến nhiều cử tri băn khoăn.

Về vấn đề này, ông Đoàn Hồng Vũ cho biết: Trên thực tế, giải quyết việc miễn giảm tiền sử dụng đất cho người có công với cách mạng, ngành LĐ-TB&XH có trách nhiệm xác nhận đối tượng người có công theo các mức quy định tại Điều 10, Quyết định số 47/2008/QĐ-UBND ngày 21/8/2008 của UBND tỉnh Nghệ An, với các mức hỗ trợ từ 80 – 90%. Vì thế, trên thực tế chúng ta vẫn đang thực hiện các quy định miễn giảm tiền thuê đất cho các đối tượng là người có công.

Khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho CCB Nguyễn Đức Hương ở xóm Bắn xã Nghi Thiết - Nghi Lộc. Ảnh: Tư liệu
Khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho CCB Nguyễn Đức Hương ở xóm Bắn, xã Nghi Thiết - Nghi Lộc. Ảnh: Tư liệu

Đối với vấn đề bà Hiền hỏi tại sao theo quy định đối tượng chưa có nhà ở mới được miễn giảm tiền sử dụng đất, nhưng ở Nghệ An thì thực hiện cả trường hợp tái định cư? Ông Vũ khẳng định, theo Quyết định 47/2008/QĐ-UBND tỉnh không thực hiện miễn giảm đối với trường hợp này.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Tô Văn Thu (Quỳnh Lưu) về việc tìm kiếm, quy tập, an táng và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, người đứng đầu Sở LĐ-TB&XH cho biết ngành đã phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trong việc tìm kiếm, quy tập, an táng và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Đến nay, việc xác định danh tính cho liệt sỹ phần mộ đã có Đề án 150 của Thủ tướng Chính phủ, còn việc tìm kiếm mộ liệt sỹ chủ yếu là lực lượng quân sự..

Hội trường còn nóng với ý kiến về những đối tượng tham gia kháng chiến bị thương nhưng đến nay vẫn không được hưởng các chế độ, đề nghị ngành cho biết phương án xử lý trong thời gian tới.

Giải trình của ông Đoàn Hồng Vũ. Clip Đức Anh

Sau khi nghe các ý kiến chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận: “Nội dung chất vấn về chế độ chính sách cho người có công được Giám đốc Sở LĐ-TB&XH trả lời khá đầy đủ, chặt chẽ, thể hiện sự cầu thị, trách nhiệm. Giám đốc Sở đã trình bày được nhiều giải pháp chung và riêng cho từng vấn đề.

Tuy nhiên trên thực tế công tác thực hiện chính sách cho người có công vẫn còn nhiều bức xúc; vẫn còn tồn tại đường dây chạy thương binh giả; công tác cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công chậm; nhiều người tham gia kháng chiến bị thương nhưng vì mất giấy tờ nên đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ thương, bệnh binh.

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận tại phiên chất vấn. Ảnh: Thành Cường
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận tại phiên chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Vì thế, thời gian tới chúng ta cần tiếp tục coi trọng công tác tuyên truyền về người có công, để nhân dân hiểu đúng và tích cực phối hợp với ngành chức năng trong việc xác định lại các thông tin cần thiết, để kịp thời hưởng các chế độ, đồng thời giúp họ không bị vướng vào các đường dây chạy thương binh giả.

Trong việc thực hiện chính sách, các cấp thẩm quyền cũng cần chấn chỉnh các mắt xích làm sai, làm chậm. Chú trọng công tác kiểm tra thanh tra, để phòng chống tiêu cực, cần tăng cường các chính sách xã hội hóa để tăng cường nguồn lực trong thực hiện công tác thực hiện chính sách cho người có công.

“Chúng ta cần làm tốt hơn nữa chính sách cho người có công vì đây vừa là trách nhiệm, vừa là đạo lý, vì thế mỗi cấp, mỗi ngành cần nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa” - Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.

Nghệ An là một trong những tỉnh đang quản lý và chi trả trợ cấp thường xuyên và một lần cho người có công với cách mạng lớn thứ ba trong cả nước (sau thành phố Hà Nội và tỉnh Thanh Hóa). Tính đến ngày 30/11/2018, toàn tỉnh đang chi trả trợ cấp thường xuyên cho 75.084 đối tượng.

Mới nhất

x
Nóng các vấn đề về chính sách cho người có công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO