Nông dân đầu tiên ở Anh Sơn nuôi côn trùng đặc sản lãi cao

Thái Hiền 09/09/2018 18:05

(Baonghean.vn) - Nhờ kiên trì học hỏi, anh Lê Đình Mạnh ở thôn 2, xã Đỉnh Sơn là người đầu tiên ở huyện Anh Sơn phát triển thành công mô hình nuôi dế mèn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

3 năm trước, biết đến món đặc sản từ loài côn trùng dân dã - dế mèn, anh Lê Đình Mạnh quyết định đầu tư 4 triệu đồng mua 2 khay trứng dế về nuôi thử.

Sau 7 ngày nuôi, trứng nở ra hai thùng dế con. Có bao nhiêu thùng xốp, hộp giấy, chậu trong nhà, anh đều mang ra tận dụng làm chuồng cho dế.

Thành công từ mô hình nuôi dế thử nghiệm, hiện anh Lê Đình Mạnh đã mở rộng quy mô nuôi dế trên diện tích 30 m2 ; mỗi năm xuất bán 8 - 9 lứa dế thịt. Ảnh: Thái Hiền

Thời gian đầu nuôi dế, anh Mạnh gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh nghiệm nuôi loài côn trùng tự nhiên này. Trên địa bàn cũng chưa có mô hình nuôi dế nào nên anh tự mình mày mò tìm hiểu cách chăm sóc, kỹ thuật nuôi dế từ trên mạng.

Mỗi giai đoạn sinh trưởng của dế, anh Mạnh đều tự học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để áp dụng các kỹ thuật chăm sóc phù hợp.

Anh Mạnh chia sẻ: Sau một thời gian nuôi thử nghiệm, tôi nhận thấy dế là loài côn trùng dễ nuôi, tăng đàn nhanh, ít hao hụt. Nguồn thức ăn nuôi dế mèn dễ kiếm, chủ yếu từ cám ngô xay nhuyễn và rau, cỏ. Thời gian sinh trưởng của dế rất ngắn, từ lúc nở con đến lúc trưởng thành chỉ mất 40 ngày là có thể xuất chuồng. Thịt dế ngon nhất là độ 40 - 50 ngày tuổi.

Chất thải từ loài côn trùng này không đáng kể, không gây mùi hôi thối nên không ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh.

Dế mèn là món đặc sản được khách hàng ưa chuộng, có giá bán khá cao, 250.000 đồng/kg. Ảnh: Thái Hiền

Theo kinh nghiệm của anh Mạnh, dế là loài vật sống thành đàn, thích nghi với môi trường tự nhiên. Vì thế, muốn cho đàn dế phát triển nhanh, năng suất chất lượng cao, tránh được dịch bệnh, người nuôi phải chú ý đến chuồng dế đặt nơi cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ, tránh nơi mưa gió.

Loài dế khá mẫn cảm với thời tiết. Khi trời quá nóng hoặc quá lạnh chúng sẽ phát triển chậm, đẻ ít. Đặc biệt, mỗi chuồng cần bố trí thêm nhánh, lá cây khô, thùng giấy hoặc thùng phế liệu để tạo môi trường hoang dã cho dế ẩn trú hoặc bay nhảy một cách tự nhiên.

Thành công từ mô hình nuôi dế thử nghiệm, anh Mạnh học cách tự nhân giống dế. Dế làm giống được nuôi 60 ngày thì đẻ trứng, sau 7 ngày thì nở và là nguồn giống cho lứa tiếp theo.

Thời gian sinh trưởng của dế ngắn (40 ngày). Cứ mỗi lứa, gia đình anh bán ra 60kg dế thịt. Ảnh: Thái Hiền

Hiện nay anh Mạnh đã mở rộng quy mô nuôi dế trên diện tích 30 m2, với 12 thùng dế. Mỗi năm gia đình anh Mạnh nuôi 8 - 9 lứa dế. Mỗi lứa, gia đình anh bán ra 60kg dế thịt, với giá 250.000 đồng/kg. Bình quân mỗi lứa dế, anh thu về trên 10 triệu đồng. Chi phí đầu tư làm chuồng trại và thức ăn của loài dế không nhiều nên tính chung, mỗi năm gia đình anh Mạnh thu lãi khoảng 70 - 80 triệu đồng từ nuôi loài côn trùng đặc sản này.

Gia đình anh Lê Đình Mạnh phát triển mô hình nuôi dế đầu tiên ở huyện Anh Sơn, bởi vậy, nguồn cung cấp dế thịt luôn không đủ cầu. Anh Mạnh dự định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nuôi loài côn trùng đặc sản này để đáp ứng nhu cầu lớn của nhiều nhà hàng và khách hàng trên địa bàn./.

Mới nhất
x
Nông dân đầu tiên ở Anh Sơn nuôi côn trùng đặc sản lãi cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO