Nông dân Quế Phong làm bể chứa nước tại ruộng để chăm sóc rau vụ đông
(Baonghean.vn) - Cùng với khí hậu mát lành đặc trưng, người dân Quế Phong còn tạo bể chứa nước ngay tại ruộng để chăm sóc những vườn rau vụ đông. Do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên sản phẩm rau ở đây an toàn, bán với giá cao.
Đi trên các tuyến đường nội đồng từ thị trấn Kim Sơn đến các xã Mường Nọc, Châu Kim, Tiền Phong (Quế Phong)... dễ dàng bắt gặp những cánh đồng rau xanh mướt, trải dài, ngỡ như đang ở các vựa rau tại các huyện đồng bằng như Quỳnh Lưu, Diễn Châu. Chiều chiều, đồng bào các dân tộc nhộn nhịp ra đồng, chăm sóc những luống rau vụ đông đang kỳ sinh trưởng.
Mường Nọc là địa phương vùng cao trồng được rau vụ đông diện tích tập trung. Thời điểm này bà con tích cực chăm sóc các loại rau, đậu, xem đây là vụ chính trong năm.
Đang chọn những cây cải bắp to nhất để nhổ bán cho khách, bà Lô Thị Thương ở bản Thanh Phong 1, xã Mường Nọc cho hay, gia đình có hơn 6 sào ruộng màu, nhưng do không có nhiều lao động nên gia đình bà làm 1,5 sào, diện tích còn lại cho 3 gia đình khác trong bản cùng sản xuất.
Vụ đông này gia đình bà trồng toàn bộ cải bắp, hiện đã cho thu hoạch lứa đầu, với giá 20.000 đồng/bắp. “Vụ đông năm trước trên diện tích này, gia đình thu về 23 triệu đồng, dự kiến vụ đông này sẽ cho thu nhập tương đương. Thu hoạch hết cải bắp, gia đình chuyển sang trồng lạc, sau đó là ngô, đậu; tính ra mỗi năm gần 4 vụ cho thu nhập trên đám ruộng này, thu về gần trăm triệu đồng”, bà Thương phấn khởi nói.
Chị Vi Thị Lan ở bản Thanh Phong 1, xã Mường Nọc trồng 200 m2 rau vụ đông. Để có nước tưới ngay tại ruộng, vợ chồng chị dành một góc ruộng để đào hố chứa nước sâu 60cm, với diện tích khoảng 5m2, toàn bộ bể chứa nước được lót bạt để giữ nước. Hàng ngày sử dụng máy bơm hút nước từ dưới khe lên đầy hố; vào buổi cuối chiều hàng ngày, vợ chồng dùng xô múc nước tưới cho rau.
Anh Trần Điệp Trùng Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Nọc cho biết: Vụ đông năm nay toàn xã sản xuất được gần 30 ha cây rau màu các loại, trong đó riêng rau củ quả trồng tập trung ước khoảng 4 ha. So với năm trước thì vụ đông này ít hơn, do phân bón đắt và sản phẩm rau ở đây khó cạnh tranh với rau từ xuôi lên bán với giá rẻ.
“Hiện nay bà con đang tích cực chăm sóc các loại rau, đồng thời tiến hành xuất bán sản phẩm đối với những diện tích đã đến kỳ thu hoạch, nhằm tránh tình trạng cung vượt cầu”, anh Trần Điệp Trùng Dương chia sẻ.
Vụ đông năm nay huyện Quế Phong trồng được 746 ha các loại cây trồng: Ngô, rau, củ, quả các loại, rải rác ở các xã, nhưng nhiều nhất là các xã Tiền Phong, Châu Kim, Mường Nọc, Tri Lễ…
Ông Phạm Hoàng Mai - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Phong cho hay, đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch sản xuất vụ đông; chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết như: Giống, phân bón, vật tư, làm đất… Định hướng về cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng để các nông hộ tập trung vào các giống ngắn ngày, có giá trị và hiệu quả kinh tế cao. Từ đó góp phần nâng cao hệ số sử dụng đất và giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích.
"Những cánh đồng rau xa khe suối, đa số bà con dành một khoảnh đất nhỏ bên góc ruộng, đào sâu, lót bạt, tạo thành bể chứa nước. Hàng ngày, bà con bơm nước từ khe suối lên bể chứa, sau đó múc tưới dần. Nhờ đó, toàn bộ diện tích rau của huyện Quế Phong phát triển tốt. Do đồng bào các dân tộc ở đây trồng theo quy trình truyền thống, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cùng với khí hậu lạnh, nên rau an toàn, chất lượng đảm bảo, thường bán với giá cao hơn so với rau vận chuyển từ xuôi lên. Nhiều gia đình thu nhập hàng chục triệu đồng từ bán rau vụ đông", ông Mai chia sẻ thêm.