Nông dân Thanh Chương chăm sóc, phục hồi ruộng chè từng bị ngập lũ
(Baonghean.vn) - Trận lũ vừa qua để lại hậu quả nặng nề cho người dân vùng ngập lũ tại Thanh Chương, đặc biệt là bà con trồng chè công nghiệp. Nhiều diện tích chè bị ngập nước, hư hỏng đang được người dân cải tạo, khôi phục.
Đã hơn 1 tháng kể từ ngày diễn ra trận lũ lớn đầu tháng 10, nhiều ruộng chè dọc tuyến đường dẫn về trung tâm xã Thanh Đức vẫn còn hằn in hậu quả của lũ lụt.
Thay vì màu xanh thẫm của ruộng chè đầu Đông là những vườn chè nhuốm màu nâu xám của bùn đất, của lá chè khô… Nhiều ruộng chè đã bị chết loang lổ đang được người dân cắt cành, chăm bón.
Những ruộng chè từng bị ngập nước lũ ở xã Thanh Đức đang được cải tạo, khôi phục. Ảnh: Huy Thư |
Dừng tay khi đang mang máy cắt cỏ giữa ruộng chè, anh Nguyễn Văn Hải (40 tuổi) trú ở xóm 2, xã Thanh Đức cho biết, gia đình anh làm 0,5 ha chè đã cho thu hoạch mấy năm nay.
Trong đợt lũ lụt vừa rồi, khoảng 7 sào chè ở đồng Cơn Mẳn đã bị ngập nước nhiều ngày. Sau khi nước rút, những diện tích bị ngập sâu, chè đã chết quá nửa. Số diện tích còn lại bị chết lém đém. Đặc biệt, trên diện tích chè còn sống, cây nào cũng bị khô nhiều đoạn cành.
“Phải mất 5 -6 năm trồng và chăm bón cẩn thận, mới có được ruộng chè tốt, tán có độ che phủ rộng, cho cắt búp đều đặn 5 - 6 lần/năm. Tuy nhiên, sau trận lũ vừa qua, những diện tích chè bị ngập trong nước lũ đều bị thiệt hại nặng nề, phải mất vài năm sau mới khôi phục được.” - anh Hải chia sẻ.
Theo anh Hải, những ruộng chè của gia đình anh bị chết từ 1/2 số cây trở lên đều được phá để trồng lại, “còn hơn là cải tạo, trồng xen rất khó chăm sóc”. Những diện tích chè bị chết ít đang được gia đình tích cực cải tạo, khôi phục.
Trên những cây chè còn sống sau ngập lũ dính đầy bùn đất, nhiều cành nhỏ bị chết khô. Ảnh: Huy Thư |
Sau lũ, các ruộng chè bị ngập nước trở nên hoang tàn, phần vì chè chết khô, phần vì cỏ mọc loang giữa các luống chè và xung quanh bờ ruộng. Những ngày qua, gia đình anh Hải đã dùng máy cắt ngọn chè giống như đốn chè cuối vụ, loại hết những cành chè khô, tạo tán cho chè.
Tiếp đó, dùng máy cắt cỏ làm vệ sinh toàn vườn và dùng máy cày đất xăm tơi đất dọc các hàng chè. Để “trợ sức” cho chè, mỗi sào chè gia đình anh sẽ bón gốc từ 100 - 150 kg phân NPK…
Với những ruộng chè bị chết nhiều, gia đình anh Hải đã mạnh dạn phá bỏ, tranh thủ những ngày nắng ráo, sẽ cày xới để trồng lại. “Khi chè bị chết quá nhiều, dù tốn kém cũng phải trồng lại, chè mới đảm bảo.” - Anh hải cho hay.
Người dân dùng máy cắt ngọn đốn bằng những luống chè bị ngập. Ảnh: Huy Thư |
Cũng giống gia đình anh Hải, gia đình chị Trần Thị Bắc ở xóm Tổng đội, trong trận lũ lụt vừa qua bị ngập 1 ha chè trồng đã 5 năm. Sau lũ lụt, khoảng 1/2 diện tích chè bị ngập đã chết khô, diện tích còn lại, chè bị chết loang lổ.
Theo chị Bắc, cả vườn chè và nhà ở của gia đình chị đều bị ngập sâu nhiều ngày trong nước lũ, gây thiệt hại nặng nề. “Giờ nhìn vườn chè rành chán. Những diện tích chè bị chết hẳn, khoảng 10 sào, tôi đã cho máy múc đào hết gốc, cải tạo đất để trồng ngô. Số chè còn lại gia đình đang chăm sóc, khôi phục” - Chị Bắc nói.
Không chỉ có gia đình anh Hải, chị Đức, mà nhiều hộ dân trồng chè ở xã Thanh Đức đã bị thiệt hại nặng nề như vậy sau trận lũ hồi đầu tháng 10. Chị Nguyễn Thị Kim Huế - cán bộ Nông nghiệp xã Thanh Đức cho biết: Trận lũ vừa qua ảnh hưởng đến nhiều hộ dân trồng chè trong xã. Cả xã có gần 30 ha chè đã bị ngập nước lũ, tập trung ở các xóm Đức Thịnh, Tổng đội, xóm 1…
Sau khi nước lũ rút, nhiều diện tích chè bị ngập sâu đã chết khô, một số diện tích gần sông, suối, đặc biệt là sông Giăng bị đất cát bồi lấp sâu 20 - 35cm dưới gốc, khó khôi phục, gây thiệt hại lớn cho người dân. Mức độ thiệt hại đang được chính quyền địa phương thống kê.
Nông dân xã Thanh Đức dùng máy cắt cỏ vệ sinh vườn chè từng bị ngập lũ. Ảnh: Huy Thư |
Tính chung toàn huyện Thanh Chương, đợt lũ vừa qua có hàng trăm ha cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm, mà chủ yếu là chè ở các xã Thanh Đức, Hạnh Lâm, Thanh Mỹ, Thanh Thủy... bị ảnh hưởng, ngập nước, thối lá, thâm rễ, chết khô…
Vào thời điểm này, trong khi phần lớn các vườn chè, đồi chè trong huyện đang cho thu hoạch vụ Đông, thì các diện tích bị ngập nước đang sống “ngắc ngoải”, sống dở, chết dở, phải tốn nhiều thời gian, công sức để chăm sóc, phục hồi, trồng mới…
Những năm gần đây, liên tiếp xảy ra lũ quét, ngập lụt, khiến nhiều diện tích chè ven sông, suối vùng núi bị ngập sâu và chết. Điều kiện thời tiết cực đoan, bất thường cũng đang đặt ra cho bà con nông dân địa phương sự trăn trở, có nên trồng chè ở khu vực quá thấp trũng hay không.
Thuận lợi trước mắt khi trồng chè ở những khu vực này là mùa nắng nóng, khô hạn, chè ít bị “cháy”, đỡ chi phí bơm nước, phun nước. Tuy nhiên, vào mùa ngập lụt, chè dễ bị ngập sâu, thối rễ và chết khô diện rộng, gây thiệt hại lớn.
Tranh thủ nắng ấm, người dân đang cải tạo đất để trồng lại chè, cỏ voi, ngô... Ảnh: Huy Thư |
Hiện tại, tranh thủ những ngày thời tiết nắng ấm, những hộ dân trồng chè ở Thanh Chương đang thu hái ngọn những vườn chè tươi tốt; đồng thời tích cực cắt cành, cày xới, bón phân để cứu sống những diện tích bị ngập nước.
Về lâu dài, bà con nông dân trồng chè ở đây mong muốn Nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm và có các chính sách hỗ trợ về giống, phân bón để giúp đỡ các hộ dân chăm sóc, phục hồi cải tạo các vườn chè, đồng thời phục hóa đồng ruộng trồng lại những diện tích bị mất trắng.