Ông Hồ Xuân Hùng: Đồng hành mạnh hơn với nông nghiệp, nông thôn mới

Châu Lan 05/02/2019 15:16

(Baonghean) - Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An nhân dịp đầu xuân mới.

P.V: Thưa ông! Là người thường xuyên theo dõi tình hình quê nhà Nghệ An và có nhiều định hướng phát triển cho nông nghiệp nói chung, nông thôn mới nói riêng của tỉnh, ông có nhận xét gì về phong trào xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An hiện nay?
Ông Hồ Xuân Hùng: Điểm chung nhất của Nghệ An cũng giống cả nước là xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, được cả hệ thống chính trị đồng lòng, chung sức vào cuộc. Nhiều bài học thành công, thậm chí có cả thất bại đã được rút ra sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương về nông nghiệp - nông dân - nông thôn, giúp chúng ta có được cách làm tốt hơn cho giai đoạn tiếp theo.
Đến cuối năm 2018, Nghệ An có 218 xã/431 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 49,4%) > bình quân cả nước, đạt 41,3% xã nông thôn mới và 3 đơn vị cấp huyện đạt nông thôn mới (cả nước có 59 huyện). Hạ tầng kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, đặc biệt là nông thôn đã thay đổi trông thấy.

Cán bộ Văn phòng NTM tỉnh kiểm tra tiến độ xây dựng NTM ở các địa phương. Ảnh: X.H

Quá trình xây dựng nông thôn mới, Nghệ An đã thực hiện rất thành công gắn với đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Những năm qua, Nghệ An đã nhanh chóng khai thác lợi thế vốn có của tỉnh (đất đai, lao động, tài nguyên khác…) để tạo ra cơ hội có tính đột phá, vừa kế thừa vừa phát triển. Rõ nét nhất là khẳng định quy hoạch phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế so sánh vùng sinh thái và truyền thống địa phương.

Cà chua trồng trong nhà lưới ở huyện Con Cuông. Ảnh: Minh Hạnh

Tôi quan sát trên phạm vi cả nước trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp - nông dân - nông thôn và 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới thì Nghệ An là một trong những tỉnh rất thành công về chuyển cơ cấu nông nghiệp theo hướng khai thác lợi thế so sánh, tạo ra những sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương; mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao, nhất là khâu giống trong sản xuất lúa, trồng rừng, thủy sản...

Nhờ áp dụng khoa học, công nghệ cao mà đã nâng thu nhập bình quân trên phạm vi toàn tỉnh từ 37 triệu đồng/ha (năm 2008) lên 70 triệu đồng/ha (năm 2017) dự kiến năm 2020 đạt 90 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 28,9% (năm 2008) còn 7,54% (năm 2017) đến năm 2020 còn 1,54% là rất ấn tượng.

Thành công nổi bật thứ hai của Nghệ An là tạo được các chuỗi sản xuất; thu hút được một số doanh nghiệp lớn vào đầu tư và gắn kết được doanh nghiệp với nông dân trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp có tên tuổi ở Việt Nam đã có mặt ở Nghệ An như: Tập đoàn TH; Vinamilk, FLC, Vingroup, Mường Thanh… Chính họ đã tạo ra sự thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội khá rõ từ nông thôn đến đô thị của tỉnh.

Đóng gói sản phẩm sửa tại Nhà máy chế biến sữa TH. Ảnh: Lâm Tùng
Đóng gói sản phẩm sữa tại Nhà máy chế biến sữa TH. Ảnh: Lâm Tùng

P.V: Thành quả đạt được là rất lớn. Vậy những hạn chế, thách thức mà Nghệ An cần phải vượt qua trong quá trình xây dựng NTM là gì, thưa ông?

Ông Hồ Xuân Hùng: Thách thức lớn nhất, Nghệ An vẫn là một tỉnh nông nghiệp, vùng nông thôn quá rộng lớn với 431 xã; có 21 huyện, thành phố, thị xã (trong đó có tới 11 huyện, thị trung du miền núi, với dân số vùng này là 1.067.000 người - có 28 tỉnh ở Việt Nam dân số ít hơn vùng này), địa hình phức tạp; hạ tầng kinh tế, nhất là giao thông khó khăn hơn nhiều so với Tây Nguyên và ngang ngửa với vùng Tây Bắc nước ta.

Vùng bãi ngang, đất cát ven biển kéo dài 80 km suốt từ Quỳnh Lưu đến Cửa Hội, đời sống cả về vật chất, văn hóa đang thấp, lại luôn phải đối chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, không dễ gì một thời gian ngắn khắc phục được. Tổ chức lại tiêu thụ nông sản phẩm; tổ chức lại thị trường cho nông dân, nông thôn vẫn rất yếu.

Sản xuất tôn tại Nhà máy Tôn Hoa Sen Nghệ An. Ảnh: Lâm Tùng
Đóng gói sản xuất tôn tại Nhà máy Tôn Hoa Sen Nghệ An. Ảnh: Lâm Tùng

Tư duy “trọng nông, khinh thương” vẫn bao trùm, tư tưởng “phi thương bất phú” vẫn đang ở ngoài nông thôn, nông dân. Đặc biệt là quá trình tái cơ cấu lại nông nghiệp vẫn đang “cô đơn”. Các ngành, lĩnh vực khoa học, công nghiệp, du lịch, giao thông, tài nguyên, môi trường… chưa hướng mạnh và đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với xu thế chung của cả nước, lao động trẻ, có trình độ ở nông thôn đang bỏ quê về thành phố, các khu đô thị, khu công nghiệp kiếm sống. Riêng Nghệ An còn số đông đi nước khác lao động qua con đường xuất khẩu lao động, hoặc học xong ở lại không về. Quê nhà nhiều nơi đất ruộng bỏ hoang.
Vấn đề môi trường, cả môi trường sinh thái và môi trường an ninh, văn hóa ở nhiều vùng nông thôn đang có dấu hiệu báo động đỏ với trộm cắp, lô đề, mất bản sắc… Quá trình xây dựng nông thôn mới do chỉ đạo thiếu chặt chẽ, nên môi trường sinh thái và cảnh quan nông thôn cũng nhiều thách thức lớn.
Để xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An bền vững, phồn thịnh, văn minh, phát triển bền vững phù hợp với sự phát triển của xu thế hội nhập, thì con người Nghệ An phải tự vượt qua chính mình với những mặt yếu: Chịu khó nhưng không chịu khổ, bảo thủ, cục bộ. Bên cạnh đó, nông thôn Nghệ An đang thiếu nhiều doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt và quyết định quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và giải quyết lao động, tăng thu nhập bền vững cho nông thôn.
P.V: Vâng, với những thực tế trên, ông có thể gợi mở những giải pháp để Nghệ An xây dựng nông thôn mới bền vững?
Ông Hồ Xuân Hùng: Nghệ An cũng như cả nước không khác được là phải xây dựng NTM ở Việt Nam phồn thịnh, văn minh như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói. Xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An phải gắn chặt với tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh nhà mới đạt được mục tiêu nâng cao không ngừng đời sống vật chất cho nông dân. Tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với tái cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh, mới giải quyết được tổng thể vấn đề cơ cấu lại lao động.

Để phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả cao, bền vững thì Nghệ An phải định hướng rõ: Cần thay đổi mục tiêu phát triển một nền nông nghiệp toàn diện chuyển sang một nền nông nghiệp trên cơ sở lợi thế so sánh vùng, miền theo hướng một nền nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao có năng suất, chất lượng hiệu quả theo định hướng thị trường; phân tầng, vùng nông thôn theo điều kiện đặc điểm.

Vùng nông thôn, vùng ven thành phố, thị xã: Đây là vùng có điều kiện phát triển. Cần xây dựng NTM ở khu vực này theo hướng làng trong phố, phố trong làng; đúng ra là phải gắn với phát triển đô thị. Đây cũng là nơi cần tập trung cao để cân đối hài hòa cả về nguồn nhân lực, văn hóa, phát triển nhanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các mô hình tăng trưởng, nông thôn ở vùng này sớm trở thành vùng (giàu có) phồn thịnh, văn minh…

Khu công nghiệp VSIP chào đón nhiều nhà đầu tư đến xây dựng nhà máy. Ảnh: Lâm Tùng

Vùng nông thôn, vùng miền núi, trung du: Tập trung giải quyết những khó khăn bức xúc nhất của dân như hạ tầng kinh tế - xã hội, hộ nghèo. Giải quyết những hủ tục lạc hậu gắn với giữ gìn văn hóa truyền thống. Tạo sức hút mới để khai thác thế mạnh về nông, lâm nghiệp, sông, suối, hồ, đập kết hợp với du lịch sinh thái, bản sắc dân tộc. Tập trung quy hoạch gắn với thực hiện quy hoạch những “đô thị nhỏ” ví dụ như thị tứ, chợ trung tâm cụm xã, vùng để tạo sức hút và cầu nối nông thôn với đô thị, nông dân các dân tộc trong vùng.

Vấn đề dân chủ thực sự trong xây dựng NTM nói riêng mà trong cuộc sống thường ngày nói chung cần phải quan tâm hơn. Bởi khi đã khẳng định và không thể khác được họ là chủ thể của quá trình này, và họ vừa là người làm, vừa là người hưởng thụ thì phải ưu tiên cho đề xuất nguyện vọng chính đáng của họ, tránh áp đặt. Tạo điều kiện vật chất để các đoàn thể quần chúng của họ cũng tham gia, có trách nhiệm đến cùng với chương trình.
Tôi cũng nghĩ rằng Nghệ An mạnh dạn tìm ra những chính sách mới vừa tự làm, vừa đề xuất với Trung ương để bù đắp và tri ân cho nông dân. Như vấn đề: hưu nông dân, bảo hiểm cho nông nghiệp, chính sách cho phụ nữ nông dân…
P.V: Trân trọng cảm ơn ông!


Mới nhất

x
Ông Hồ Xuân Hùng: Đồng hành mạnh hơn với nông nghiệp, nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO