Nhiều diện tích keo ở Quỳ Châu phải chặt bỏ do bệnh chết héo

Hoài Thu 14/03/2023 06:43

(Baonghean.vn) - Cập nhật diễn tiến dịch bệnh chết héo trên cây keo ở huyện Quỳ Châu cho thấy, tốc độ lây lan khiến cây chết hàng loạt đang khá nghiêm trọng. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Quỳ Châu đang gấp rút khuyến cáo, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ.

Ngày 12/3, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳ Châu cho biết, hiện trên địa bàn nhiều vườn keo của người dân đã bị nhiễm bệnh do nấm gây nên. Những cây keo bị nhiễm bệnh nếu không được phát hiện kịp thời và loại bỏ sẽ làm lây lan trên diện rộng khiến keo chết hàng loạt.

Biểu hiện nhiễm bệnh chết héo trên cây keo. Ảnh: Xuân Linh

Gia đình bà Vi Thị Thuỷ ở bản Kẻ Lè, xã Châu Hội có 1,4ha keo trồng được 3 năm. Mới đây, khi đi thăm vườn keo bà phát hiện nhiều cây keo bị héo lá, sau đó chết hàng loạt nhưng không rõ nguyên nhân nên bà có báo cáo với chính quyền và cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện.

"Trong hơn 1ha keo của gia đình đã có khoảng 40 cây đã bị héo lá, thân khô, có nhiều sọc màu đen và chết. Sau khi được cán bộ cho biết, cây keo chết là do bị nhiễm nấm, phải chặt bỏ các cây đã chết để đốt thì mới chặn được nguồn lây lan, nên mấy ngày hôm nay gia đình tôi đang huy động người nhà đi chặt cây, sau đó mới phun thuốc phòng trừ" - bà Thuỷ cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Linh, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Quỳ Châu cho biết, bệnh chết héo trên cây keo do nấm Ceratocytis sp gây ra. Đây là bệnh hại nguy hiểm, gây thiệt hại rất lớn trong sản xuất keo nguyên liệu.

Quỳ Châu hiện nay có khoảng 22.000ha keo. Thời điểm hiện tại, bệnh chết héo cây keo đã phát sinh, gây hại và có xu hướng tăng nhanh trên hầu hết các vùng trồng keo trên địa bàn huyện, nhất là những diện tích keo trồng thời kỳ từ năm 1 đến năm 3. Cục bộ một số lô có tỷ lệ bệnh lên đến 50 - 70% như các vườn keo ở bản Kẻ Lè, xã Châu Hội; bản Thuận Lập, xã Châu Hạnh...

"Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đang tích cực khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện ngay các biện pháp phòng trừ để ngăn chặn sự lây lan của nấm bệnh" - ông Linh cho biết.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Quỳ Châu kiểm tra các vườn keo bị nhiễm bệnh chết héo. Ảnh: Xuân Linh

Được biết, ở Quỳ Châu bệnh chết héo cây keo đã xảy ra vài năm trở lại nay. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa nắm được các biểu hiện của dịch bệnh và có ý thức phòng trừ triệt để, gây thiệt hại đến sự phát triển và năng suất thu hoạch keo.

Để hạn chế thiệt hại và ngăn chặn nguồn lây lan bệnh chết héo cây keo, hiện nay Quỳ Châu đang tích cực khuyến cáo người dân thực hiện ngay các biện pháp phòng trừ.

Cụ thể, đối với những cây đã bị nhiễm bệnh nặng hoặc chết cần phải chặt bỏ, mang ra khỏi vùng rừng và tiêu hủy (đốt) để khử nguồn lây lan. Đồng thời phun thuốc phòng trừ cục bộ trên diện tích nằm trong vùng đã bị nhiễm bệnh, gần với những cây đã bị chết. Đối với vùng trồng có tỷ lệ cây nhiễm bệnh trên 50% thì phải tiến hành phá bỏ, thanh lý rừng theo quy định của pháp luật.

Để phòng trừ bệnh chết héo trên cây keo, cần sử dụng các chế phẩm nấm đối kháng ở dạng phân bón hoặc thuốc trừ bệnh có thành phần nấm Trichoderma, Chaetomium bón vào đất để xử lý nấm cho rừng trồng và vườn ươm. Liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Bên cạnh đó tích cực dùng vôi bột để xử lý vườn ươm, hố trồng rừng và xử lý hố đào gốc cây bị bệnh để hạn chế nấm phát triển.

Khi bệnh mới phát sinh có thể sử dụng các thuốc có các hoạt chất sau để phun phòng trừ: Metalaxyl (Metaxyl 500WP,...) Mancoxeb (Manozeb 80WP,...), Metalaxyl + Mancozeb (Lanomyl 680WP, Ridomid gold 68WG,...), Difenoconazol + propiconazol (Tilt super 300EC,...) để phun.

Mới nhất

x
Nhiều diện tích keo ở Quỳ Châu phải chặt bỏ do bệnh chết héo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO