Phương án bồi thường ở Cụm CN Nghĩa Mỹ (Thái Hòa) đúng quy định
(Baonghean) - Theo yêu cầu của đối tác Hàn Quốc đến ngày 30/4/2016, chính quyền Thị xã Thái Hòa phải bàn giao mặt bằng sạch tại cụm CN nhỏ Nghĩa Mỹ cho nhà đầu tư. Tuy nhiên đến thời điểm này công tác giải phóng mặt bằng có nguy cơ chậm tiến độ bởi mới chỉ có 6/49 hộ có diện tích đất bị ảnh hưởng đồng ý với phương án thu hồi đất và bồi thường bằng đất nông nghiệp...
Để thực hiện dự án Nhà máy may xuất khẩu Hàn Quốctại cụm CN Nghĩa Mỹ, trong giai đoạn 1, diện tích cần giải phóng mặt bằng là 4,5ha với 49 hộ bị ảnh hưởng thuộc 4 xóm ( Yên Thọ, Xuân Thọ , Long Hạ , Long Thượng) trong đó có 38 hộ đất hạng 5,còn lại là đất hạng 3. Các hộ dân có đất thuộc phạm vi bị thu hồi tại cánh đồng Má sẽ được chuyển sang đất đồng hạng tại cánh đồng Giớt cách nơi sản xuất cũ khoảng 300m. Một số hộ có đất hạng 3 ở xóm Long Hạ sẽ được tận dụng đất công ích đồng hạng ngay tại địa bàn để bố trí.
Cơ sở hạ tầng đang khẩn trương được hoàn thành tại cánh đồng Giớt. |
Tuy nhiên, rất nhiều hộ dân, trong đó chủ yếu tập trung ở xóm Yên Thọ chưa thống nhất với phương án bồi thường với hình thức “ đất đổi đất” mà muốn được bồi thường bằng tiền.
Lí do mà các hộ đưa ra là đất sản xuất tại nơi mới vừa xa lại vừa xấu, không đảm bảo sản xuất. Hơn nũa 4 dự án trước về tại cụm CN Nghĩa Mỹ người dân đã được đền bù bằng tiền, tại sao dự án nhà máy may xuất khẩu Hàn Quốc lại đền bù bằng đất?
Ông Trương Văn Hạ- Xóm Yên Thọ, có hơn 2000m2 đất thuộc diện tích bị thu hồi cho biết: Chúng tôi không thống nhất phương án “đất đổi đất”, nguyện vọng của bà con là muốn bồi thường bằng tiền. Đất của chúng tôi ở nơi cũ đang sản xuất rau màu rất tốt còn đất được đổi thì bạc màu, từ xưa đến nay không sản xuất, nếu đất tốt thì đã được cấp bìa đỏ từ lâu rồi…
Phòng viên trao đổi với người dân xóm Yên Thọ (xã Nghĩa Mỹ) |
Qua tìm hiểu được biết: Cụm Công nghiệp Nghĩa Mỹ được UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết năm 2007. Ngày 27/1/2010 Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp tại Khu công nghiệp xã Nghĩa Mỹ để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng tại tỉnh Nghệ An. Từ khi đi vào hoạt động đến nay cụm công nghiệp Nghĩa Mỹ đã thu hút được 4 dự án đầu tư (Công ty Đá Wolkem Ấn Độ, Nhà máy Nam Trung, Tràng Thi, Phân bón Phủ Quỳ
Theo lời ông Lê Tiến Trị- Bí thư Thị uỷ Thái Hoà: Các dự án trước đây thu hút vào cụm CN Nghĩa Mỹ huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa vận động nhà đầu tư bố trí kinh phí để thực hiện GPMB sau đó sẽ khấu trừ dần vào tiền thuê đất để trả lại cho doanh nghiệp. Đối với dự án Nhà máy may Hàn Quốc, phía đối tác không chấp nhận bố trí trước kinh phí để GPMB mà Nhà đầu tư yêu cầu chính quyền địa phương phải thực hiện bàn giao mặt bằng sạch đúng tiến độ, nếu không đáp ứng sẽ đầu tư ở địa phương khác. Mà như thế thì địa phương sẽ mất đi cơ hội lớn. Hơn nữa, việc thực hiện chuyển đổi đất sản xuất thuộc phạm vi quy hoạch Cụm công nghiệp Nghĩa Mỹ là đúng với quy hoạch chi tiết xây dựng, đúng với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 4853/QĐ.UBND-CN ngày 30/10/2008.
Khoản 2 Điều 74 Luật Đất đai năm 2013 về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, nêu rõ“Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất”. Thực tế hiện nay, ở Nghĩa Mỹ vẫn có diện tích đất công ích đồng hạng tại cánh đồng Giớt nên việc bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng là đúng quy định Luật đất đai năm 2013. |
Về ý kiến người dân cho rằng khoảng cách từ nơi sản xuất cũ ( đồng Má) đến đồng Giớt là khá xa và đất ở đồng Giớt bạc màu không thuận lợi cho sản xuất. Ông Hồ Văn Minh- cán bộ địa chính xã Nghĩa Mỹ cho hay: Khoảng cách 300m không phải là quá xa. Thực tế, trên cánh đồng Má (thửa đất đang được thu hồi) có một số hộ lâu nay bỏ hoang, không tham gia sản xuất bởi không có nước,quanh năm khô cằn nên năng suất không cao. Trong khi đó tại cánh đồng Giớt ( cánh đồng mới), theo quan sát, một số hộ đang thuê đất của xã và sản xuất bình thường.
Phân lớn diện tích vùng đồng Má (xứ đồng đang chuẩn bị được thu hồi) người dân bỏ hoang không canh tác từ nhiều năm nay. |
Trao đổi về băn khoăn của người dân nếu sau này có dự án tiếp tục đầu tư vào khu công nghiệp thì khi thực hiện GPMB có được bồi thường bằng tiền hay không? Bí thư thị uỷ Thái Hoà Lê Tiến Trị- khẳng định: Sau khi hoàn thành việc chuyển đổi đất sản xuất, thu hút nhà máy may Hàn Quốc đầu tư tại Cụm công nghiệp Nghĩa Mỹ, Thị xã tiếp tục thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp và với mọi dự án, địa phương sẽ cố gắng điều chỉnh quỹ đất để bồi thường theo phương án “đất đổi đất”.
Lãnh đạo Thị xã Thái Hòa kiểm tra việc sử dụng đất trong diện tích đã được quy hoạch tại Cụm Công nghiệp Nghĩa Mỹ. |
Theo tìm hiểu, đến năm 2016, các hộ dân được Nhà nước giao đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp tại cánh đồng Má đã hết thời hạn sử dụng đất (20 năm, kể từ ngày được giao đất (30/9/1994) không thể tiếp tục gia hạn vì không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất ( là đất phi nông nghiệp).
Do vậy, nếu các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện thu hồi đất tại xã Nghĩa Mỹ không chấp hành phương án bồi thường bằng đất nông nghiệp có cùng mục đích sử dụng thì Nhà nước vẫn phải tiến hành thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư trong Cụm công nghiệp theo đúng quy định của Luật đất đai hiện hành.
Quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi nhận đất tại xứ đồng Giớt: Được lập hồ sơ giao đất và cấp giấy CNQSD đất nông nghiệp với thời hạn 50 năm ; Được Nhà nước đầu tư hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng; được hỗ trợ bình quân khoảng 2,6 triệu đồng/01sào chi phí cải tạo đất, cày ải, phân bón 04 vụ trong thời hạn 02 năm tại xứ đồng Giớt; Được bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất (nếu có) trong diện tích 4,5 ha xây dựng Nhà máy may Hàn Quốc; Những người trong độ tuổi lao động ( từ 18-31) được ưu tiên đào tạo nghề và vào làm việc tại Nhà máy với mức lương dự kiến khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. |
Nhóm phóng viên