Quân đội chung châu Âu có 'dẫm chân' NATO?

15/11/2017 22:45

(Baonghean) - Sau nhiều năm ấp ủ, kế hoạch thành lập một lực lương quốc phòng chung của Liên minh châu Âu (EU) đã có bước đột phá. Việc 23 nước thành viên EU ngày 12/11 ký kết một thỏa thuận tăng cường hợp tác có thể tạo ra bước ngoặt với an ninh khu vực. Tuy nhiên, vẫn còn những nghi ngờ.

Thời cơ chín muồi

Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO) đặt mục tiêu thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong EU và phát triển hệ thống vũ khí. Đại diện Cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini gọi đây là "một trang mới trong hợp tác quốc phòng châu Âu".

PESCO dành ưu tiên phát triển các thiết bị quân sự mới cho EU như xe tăng hay máy bay không người lái. Các nước tham gia cũng cam kết sẽ "thường xuyên tăng ngân sách quốc phòng", dành 20% chi tiêu quốc phòng để mua sắm trang thiết bị và 2% cho nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Lễ ký kết Thỏa thuận cấu trúc thường trực về Quốc phòng được ký sơ bộ tại Brussels hôm 13/11 (Getty)
Lễ ký kết Thỏa thuận cấu trúc thường trực về Quốc phòng được ký sơ bộ tại Brussels hôm 13/11. Ảnh: Getty

Thỏa thuận cũng bắt buộc các nước tham gia cung cấp "hỗ trợ thực chất" cho các sứ mệnh quân sự của EU. Các nước tham gia sẽ phải tiến hành đánh giá hàng năm để đảm bảo sự tuân thủ các cam kết trong PESCO nếu không sẽ phải rời khỏi thỏa thuận này.

Ước muốn ‘nhất thể hóa’ lực lượng quốc phòng của EU được nêu ra nhiều lần, tuy nhiên chưa đạt được bước đi cụ thể nào do vấp phải sự phản đối từ phía Anh. London chưa từng muốn tham gia vào một lực lượng quân đội của châu Âu.

Cơ hội đã đến khi người dân Anh năm ngoái lựa chọn rời khỏi EU, còn chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump lại thường xuyên chỉ trích EU về vấn đề đóng góp ngân sách cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Điều này càng thúc đẩy khối tạo ra một cơ chế hợp tác quân sự riêng của mình, độc lập và tự chủ hơn về mọi mặt và được thể hiện rõ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen khẳng định EU đã nhận thức rõ rằng khối này sẽ phải tự giải quyết các vấn đề của mình và do đó việc cần phải tổ chức lại theo hướng độc lập đã trở nên cấp thiết. Không phải tất cả các thành viên EU đều chấp nhận ý tưởng này.

Anh - nước đang trong quá trình đàm phán rời khỏi EU, cùng với Đan Mạch, Ireland, Bồ Đào Nha và Malta, quyết định đứng ngoài ý tưởng về sự hợp tác của khối.

Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn để ngỏ cánh cửa để những nước không tham gia hiện nay có thể xin gia nhập sau nếu muốn. Còn Anh cam kết sẽ hỗ trợ PESCO trong trường hợp cần thiết.

‘Quân đội EU’ sẽ làm gì?

Việc ‘nhất thể hóa’ lực lượng quốc phòng châu Âu không phải là một mong muốn viển vông. Nó xuất phát từ thực tế của khối. Từ 13 năm nay, EU đã thực hiện các sứ mệnh ngoài liên minh như: giúp đào tạo cho quân đội châu Phi, chống hải tặc và gần đây chống nạn buôn bán người di cư.

Nhưng một số nhiệm vụ đã gặp rắc rối ngay từ khi bắt đầu triển khai mà nguyên nhân cơ bản là thiếu lực lượng sẵn sàng từ các nước thành viên. Do đó, Pháp và Đức gợi ý tạo ra một "lực lượng dự bị" gồm các huấn luyện viên và cố vấn để có thể triển khai nhanh chóng nhiệm vụ đề ra.

Hai nước cũng kêu gọi EU cần phải đầu tư hơn nữa cho công tác nghiên cứu để phục vụ ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jean - Claude Juncker cho rằng những chi phí để bù đắp cho ‘sự thiếu hợp tác’ trong lĩnh vực quốc phòng ở châu Âu có thể lên tới từ 20 tỷ đến 100 tỷ euro/năm.

Liên quan đến lực lượng chiến đấu, hai đầu tàu của EU đặt kế hoạch nâng cấp hoạt động của các nhóm chiến đấu gồm khoảng 1.500 quân luôn ở trong tình trạng báo động. Lực lượng này được luân phiên tập hợp từ các nước thành viên và có thể huy động trong 15 ngày.

Những lực lượng phản ứng nhanh như vậy chưa bao giờ được kích hoạt trong những năm gần đây do thiếu ý chí chính trị. Trong một số trường hợp, các quốc gia trong tình trạng báo động lại không phải là những quốc gia có thể sẵn sàng can thiệp, đặc biệt là ở châu Phi.

Kế hoạch này về cơ bản đã được thống nhất ngoại trừ chủ trương của Ủy ban châu Âu về việc thiết lập một trung tâm chỉ huy thường trực của châu Âu.

NATO liệu có bị ‘dẫm chân’?

Bối cảnh thực tế của không gian an ninh châu Âu – Đại Tây Dương đang thay đổi, nhưng liệu nó có cần phải thiết lập một cơ chế huy động lực lượng mới hay không. Câu hỏi này lại một lần nữa được đặt ra với PESCO.

1.Lính Đức trong một hoạt động huấn luyện ở miền Nam nước này. Đức muốn tối đa hóa các nước EU tham gia thỏa thuận hợp tác quốc phòng. Ảnh: Financial Times
Lính Đức trong một hoạt động huấn luyện ở miền Nam nước này. Đức muốn tối đa hóa các nước EU tham gia thỏa thuận hợp tác quốc phòng. Ảnh: Financial Times

Trước hết, châu Âu đang có với Tổ chức Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đây là liên minh nhằm chống lại Liên Xô và Khối quân sự Warsaw, do vậy theo nguyên tắc thì khi Liên Xô tan rã, Khối quân sự Warsaw giải thể thì NATO không còn lý do để tồn tại.

Tuy nhiên, Mỹ - với vai trò ‘người cầm trịch’ trong NATO vẫn muốn sử dụng định chế quân sự này phục vụ cho những lợi ích của nước Mỹ, nên những chức năng mới của NATO được ‘thiết kế lại’ để đảm cho nó tồn tại.

Giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã sử dụng NATO vào việc sắp xếp những bàn cờ chính trị với những thực thể được xem là đối nghịch với Mỹ hay muốn ly tâm với trục Mỹ.

Như vậy, sự tồn tại của NATO là một thực tế khiên cưỡng và nhiều trường hợp trở thành vũ khí để chống lại nhiều thành viên trong EU.

Sự bất đồng trong NATO, vì thế đã hình thành, nhất là khi những đổi thay chính trị tại nước Mỹ buộc NATO phải tham gia vào chống khủng bố và các thành viên Châu Âu phải tăng ‘chi phí tham dự’ theo yêu sách của Mỹ.

Thế là sóng ngầm trong liên minh đã trở mình thành sóng dữ giữa các đồng minh. Tuy nhiên sẽ là ngây thơ khi nghĩ rằng NATO sẽ sớm chấm dứt vai trò của mình hay EU sẽ ‘buông’ liên kết với đồng minh Mỹ bởi họ vẫn còn cần Mỹ trong nhiều vấn đề.

Kịch bản ‘dẫm chân’ giữa lực lượng quốc phòng của EU và NATO có thể đã được tính tới, nhưng chưa ai hiểu hết được giải pháp khi đó sẽ ra sao. Và mối liên kết giữa EU và Mỹ sẽ lỏng lẻo tới mức độ nào khi khác biệt về ưu tiên được hiển hiện rõ. Đó chính là vấn đề mà EU cần sớm xác định trong thời gian tới./.

Phan Tùng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Quân đội chung châu Âu có 'dẫm chân' NATO?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO