Quan hệ Anh-Nga: 'Đối thoại nhưng hãy cẩn trọng'

05/03/2017 15:04

(Baonghean.vn) - Một thời kỳ mới hứa hẹn nhiều "trái ngọt" trong quan hệ không ít thăng trầm giữa Anh-Nga đang mở ra, mặc dù hiện nay vẫn còn một số quan điểm đối lập vẫn chưa thể hóa giải một sớm một chiều.

Mong muốn hợp tác

Quan hệ Anh-Nga đang “trải qua thời gian bận rộn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh”. Một “tín hiệu tan băng” trong quan hệ của hai bên.

Ngày 2/3, cả Ủy ban Quốc tế Nghị viện Anh và Bộ Ngoại giao Anh đều đưa ra bản báo cáo đánh giá mối quan hệ ngoại giao Anh-Nga. Theo đó, các báo cáo đều chỉ ra rằng, sự vắng hụt đối thoại với Nga là “một chính sách thiển cận” của Bộ Ngoại giao Anh. Do đó, cần xây dựng những cuộc đối thoại “thường xuyên và chất lượng” với Moskva nhằm đẩy mạnh hợp tác song phương.

Theo các bản báo cáo, Anh nên hợp tác với Nga trong các lĩnh vực như cuộc chiến chống khủng bố, tình báo, an ninh mạng, và đảm bảo an toàn bay.

Ảnh: Ria Novosti
Trong bản báo cáo của Ủy ban Quốc tế Nghị viện Anh khẳng định, Nga không phải là kẻ thù của Anh. Và người dân Anh cho rằng, không thể thiếu sự có mặt của Nga trong việc giải quyết các vấn đề có tính quy mô toàn cầu. Ảnh: Ria Novosti

Để hiện thực hóa kế hoạch này, Bộ Ngoại giao Anh sẽ đầu tư vào hệ thống phân tích về Nga để đưa ra những chính sách hiệu quả và có ý nghĩa. Đặc biệt, Ủy ban đối ngoại sẽ đẩy mạnh tương tác với các cố vấn, chuyên gia, các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế Nga, đào tạo tiếng Nga cho các nhà ngoại giao Anh. Thậm chí, có thể sẽ bổ nhiệm một Thứ trưởng Bộ ngoại giao chuyên trách về Nga.

Peter Trusscott, Thượng Nghị sĩ Anh tuyên bố: “Nga không phải là kẻ thù của Anh. Đã đến lúc, chúng ta cần xây dựng một cầu nối vững chắc và lâu bền với Nga. Hãy hợp tác với Nga, thay vì ruồng bỏ”.

Trong quan hệ kinh tế giữa Nga và Anh, những năm gần đây, mặc dù Anh liên tục đưa ra các biện pháp áp đặt trừng phạt Nga, nhưng các doanh nhân của Anh đã đầu tư khối lượng lớn vào nền kinh tế Nga, xây dựng các xí nghiệp hỗn hợp và phát triển các đề án song phương. Trên cơ sở đó, hiện nay cả Nga và Anh đều nhận thấy việc bình thường hóa quan hệ đem lại lợi ích cho cả hai nước.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, mối quan hệ lịch sử lâu đời giữa Nga và Anh chứng tỏ rằng lúc này đây đã không còn các nguyên nhân cản trở sự xích lại gần nhau giữa Moskva và London, cũng như khả năng phối hợp hoạt động giữa hai nước để xây dựng một châu Âu ổn định và thống nhất. Cuộc đối thoại chính trị giữa hai nước đang được xúc tiến với hi vọng vượt qua di sản của “chiến tranh lạnh”. Trong đó, yếu tố kinh tế là chìa khóa để hai nước xích lại gần nhau.

"Đối thoại nhưng luôn cảnh giác"

Bên cạnh những tín hiệu vui, thì chính sách “đối thoại nhưng luôn cảnh giác” vẫn là cách chính phủ Anh tiếp cận với Nga.

Ngày 4/3, Bộ Ngoại giao Anh thông báo, nhận lời mời từ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson sẽ có chuyến thăm Moskva trong tuần tới. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Anh tới Nga trong vòng 5 năm qua.

Phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh cho biết: "Anh vẫn tiếp tục cứng rắn đối với những vấn đề có sự khác biệt lớn như Syria và Ukraine".

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson sẽ có chuyến thăm Moskva trong tuần tới. Ảnh: AFP

Không thể phủ nhận giữa Anh và Nga vẫn còn tồn tại nhiều “quan ngại sâu sắc” liên quan đến Ukraine. Chính phủ của Thủ tướng Theresa May từng khẳng định, Nga chiếm Crimea là bất hợp pháp và cho rằng Crimea cần phải được trả lại cho Ukraine.

Mọi “khúc mắc” càng lên cao kể từ khi cáo buộc của phương Tây rằng Nga đang đứng sau cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, mà Anh khi đó vẫn là một thành viên trụ cột. Trong lúc mọi sự ngờ vực chưa được hòa giải thì căng thẳng giữa Nga và Ukraine lại “tăng nhiệt”. Mọi nghi vấn đổ dồn vào sự hiện diện của đủ loại vũ khí dọc theo đường tiếp giáp ở Donbass. Trong số này, có nhiều loại được Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) xác nhận là đã vi phạm các điều khoản về rút vũ khí hạng nặng trong Hiệp ước Minsk. Phía Anh tuyên bố, lệnh trừng phạt Nga không được nới lỏng cho đến khi nước này tuân thủ Hiệp ước Minsk.

Còn chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin chưa từng có ý định thỏa hiệp theo hướng hi sinh lợi ích của Nga. Trong bối cảnh EU đang gặp nhiều thách thức và cục diện của “đấu trường” chính trị thế giới đang có những thay đổi, đặc biệt là việc Moskva đang giành được lợi thế tại khu vực Trung Đông thì chuyện Nga tiếp tục theo đuổi mục tiêu trong vấn đề Ukraine là tất yếu.

Mặc dù vẫn còn những bất đồng, và nhiều vấn đề phức tạp cần trao đổi, nhưng đã "nảy ra hạt mầm" trong việc xây dựng mối quan hệ hòa bình, hữu nghị Anh-Nga. Trong bối cảnh giữa Nga và Mỹ, Nga và NATO đang "cài đặt lại" quan hệ, với chuyến thăm của Ngoại trưởng Anh sắp tới, hi vọng có thể xây dựng quan hệ và đối thoại một cách cởi mở và thắng thắn giữa hai quốc gia có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc xây dựng một châu Âu an toàn, ổn định, hợp tác và phát triển lâu dài./.

Mỹ Nga

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Quan hệ Anh-Nga: 'Đối thoại nhưng hãy cẩn trọng'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO