Quốc hội 'nóng' chuyện phân bổ ngân sách và nợ công

01/11/2016 17:57

(Baonghean.vn) - Phải quy trách nhiệm trong việc để xảy ra thất thoát, lãng phí giữa bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước hạn chế, khó khăn, nợ công tăng nhanh; việc phân bổ "miếng bánh ngân sách" đang ngày càng thu hẹp... là những vấn đề 'nóng' được các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi trong phiên họp hôm nay (1/11).

Theo nghị trình làm việc của Quốc hội, sáng nay (1/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Toàn cảnh kỳ họp
Toàn cảnh kỳ họp

Nhiều vị đại biểu Quốc hội bày tỏ mối băn khoăn trước thực trạng nguồn ngân sách nhà nước gặp khó khăn nhưng việc chi tiêu công, đặc biệt là việc sử dụng nguồn tiền từ vay nợ còn nhiều bất cập. Đặc biệt 5 đại dự án có tổng vốn đầu tư lên tới trên 30.000 tỷ đồng nhưng khi triển khai lại rơi vào tình trạng dở dang hoặc hoạt động không hiệu quả, thậm chí phải "đắp chiếu", bỏ hoang, đứng trước bờ vực phá sản.

Thống nhất với ý kiến đánh giá của các đại biểu Quốc hội rằng "nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn", Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, tại thời điểm 2001, nợ công mới chỉ chiếm 36,5% GDP; năm 2005, tỷ lệ này đã lên 40,8% GDP; năm 2010 là 50% GDP và năm 2015 đã là 62,2% GDP.

Bộ trưởng Bộ  Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu về vấn đề nợ công

Về quy mô, năm 2015, tổng nợ công khoảng 2,68 triệu tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2010, gấp 7,6 lần năm 2005 và gấp 14,8 lần so với năm 2001. Tốc độ tăng nợ công của giai đoạn 2011 - 2015 là 18,5%/năm, cao gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Trong thực hiện hàng năm, Việt Nam phải áp dụng phương án vay đảo nợ: Năm 2013 phải đảo nợ 47.000 tỷ đồng, chỉ một năm sau đó, con số đảo nợ đã tăng lên mức 106.000 tỷ đồng và con số này năm 2015 đã là 125.000 tỷ đồng. Trong năm 2016 dự kiến tiếp tục phải đảo nợ 95.000 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, người đứng đầu Bộ Tài chính cũng khẳng định, trong 2 năm trở lại đây, việc tái cơ cấu nợ công (bao gồm kỳ hạn trả nợ và lãi suất vay nợ) đã được cải thiện đáng kể theo hướng "kỳ hạn trả nợ được kéo dài gấp đôi còn lãi suất vay giảm còn một nửa".

Các đại biểu thảo luận sôi nổi tại nghị trường quốc hội
Các đại biểu thảo luận sôi nổi tại nghị trường quốc hội

Giải trình về kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cái khó của Chính phủ hiện nay đó là trong bối cảnh nguồn lực ngân sách hạn hẹp thì hiện đang có 2 luồng quan điểm: Một mặt cho rằng nên tập trung đầu tư cho một số ngành, lĩnh vực, địa phương "đầu tàu" để tạo lan toả, đóng góp ngày càng lớn hơn cho nguồn thu; mặt khác cần quan tâm các địa phương khó khăn để thu hẹp khoảng cách phát triển.

Phiên chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.

Các đại biểu trao đổi bên lề kỳ họp
bna_5818808f7f9e9.jpg
Các đại biểu trao đổi bên lề kỳ họp.

Không khí nghị trường trở nên căng thẳng giữa 2 luồng ý kiến: Một luồng ý kiến từ đại biểu các địa phương khó khăn cho rằng Nhà nước cần dành nguồn lực để các địa phương ổn định dân sinh và đầu tư cho các công trình cơ sở hạ tầng bức thiết.

Trong khi đó, luồng ý kiến khác bày tỏ, ngân sách địa phương sẽ rất khó khăn, chật vật nếu giảm mạnh điều tiết (chẳng hạn Đà Nẵng giảm ngân sách giữ lại 17% từ 85% xuống còn 68% và TP. Hồ Chí Minh giảm 5% từ 23% xuống còn 18%).

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ông hy vọng 16 địa phương có điều tiết về Trung ương hết sức chia sẻ với 47 địa phương còn lại đang phải nhận trợ cấp từ ngân sách nhà nước. Bộ Tài chính đánh giá, 16 địa phương này như những "con gà đẻ trứng vàng" cho ngân sách nhà nước và cần có sự san sẻ với Trung ương vì sự nghiệp chung của đất nước.

Gim Dương - Anh Tuấn

TIN LIÊN QUAN

Quốc hội 'nóng' chuyện phân bổ ngân sách và nợ công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO