Quỳ Châu phát triển các cây, con bản địa

Hoài Thu - 02/11/2022 15:08
(Baonghean.vn) - Trong chiến lược phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở Quỳ Châu, thì các giống cây, con bản địa được xem là một trong những mũi nhọn. Song, bên cạnh những mô hình cho kết quả bước đầu, địa phương vẫn còn những khó khăn.

Bảo tồn, phát triển giống cây, con bản địa

Hơn 1 tháng nay, vợ chồng anh Vi Nhật Kế ở bản Chao, xã Diên Lãm có thêm động lực trong phát triển kinh tế gia đình khi được Hội Nông dân huyện hỗ trợ 200 con vịt chuẩn nguồn gen vịt bầu bản địa. Đàn vịt bầu Quỳ của gia đình anh sau hơn 1 tháng nuôi đã cho trọng lượng mỗi con từ 1 – 1,2kg. “Được Hội Nông dân tặng 200 con giống và hỗ trợ 2 tháng chi phí thức ăn, đồng thời cán bộ hội hướng dẫn rất tỉ mỉ cách chăm sóc nên vợ chồng tôi rất vui, tự tin và sẽ nỗ lực để chăm đàn đạt kết quả cao” - anh Vi Nhật Kế nói.

Đàn vịt bầu Quỳ của hộ anh Vi Nhật Kế ở xã Diên Lãm (Quỳ Châu). Ảnh: Hoài Thu

Trong quy mô gia trại của gia đình, anh Vi Nhật Kế ưu tiên vị trí thuận lợi nhất để khoanh nuôi đàn vịt bầu trên sườn đồi, có chuồng và hố nước cho vịt tắm mát, xung quanh được rào chắn bằng lưới B40. Anh còn đầu tư máy xay cỏ để cắt nhỏ thân cây chuối làm thức ăn cho đàn vịt.

Cùng với hộ anh Vi Nhật Kế, tại xã Diên Lãm hiện nay Hội Nông dân huyện Quỳ Châu còn hỗ trợ 2 hộ khác 600 con giống vịt bầu chuẩn nguồn gen vịt bản địa Quỳ Châu. Diên Lãm là 1 trong 9 xã của Quỳ Châu có các hộ dân được hỗ trợ giống vịt bầu, vừa để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, vừa thực hiện việc bảo tồn nguồn gen vịt bầu bản địa, hướng tới mục tiêu phát triển giống vật nuôi chủ lực của huyện.

Hiện nay trên toàn huyện Quỳ Châu đang duy trì và phát triển 8.000 con vịt bầu trên 9 xã (trừ Châu Thắng, Châu Bính và thị trấn Tân Lạc). Trong đó tập trung nhiều ở một số xã có điều kiện thuận lợi như Châu Tiến, Châu Hạnh, Châu Bình, Diên Lãm… và dựa trên cơ sở bình tuyển đàn vịt hiện có trên địa bàn và giống gen vịt bầu Quỳ được lưu tại Viện chăn nuôi.

Ông Lương Trí Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳ Châu

Bên cạnh đẩy mạnh việc bảo tồn nguồn gen và phát triển chăn nuôi vịt bầu Quỳ thành sản phẩm hàng hoá chủ lực, Quỳ Châu còn phát triển các mũi nhọn khác trong sản xuất nông nghiệp thông qua thực hiện Đề án số 06 ngày 24/11/2020 của Huyện ủy Quỳ Châu về phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2020-2025, và Quyết định số 1363 ngày 15/12/2020 của UBND huyện Qùy Châu. Phòng Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các xã, thị trấn Tân Lạc và phối hợp xây dựng kế hoạch phát triển cây con chủ lực trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Đối với định hướng phát triển các loại con giống bản địa thì ngoài vịt bầu Quỳ còn có các loại khác như gà đồi bản địa, bò vàng địa phương, lợn nái đen bản địa (lợn Sao Va), trồng cây dược liệu dưới tán rừng, chuyển đổi keo nguyên liệu sang trồng rừng gỗ lớn...

Ông Lương Trí Dũng cho biết thêm, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã chỉ đạo thực hiện phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại tại 9 hộ gia trại chăn nuôi lợn nái đen địa phương ở các xã Châu Bình, Châu Hội, Châu Thắng và Diên Lãm. Đồng thời triển khai chính sách hỗ trợ đóng lồng cá trên sông hồ, đập đạt 100 lồng theo công nghệ mới, tập trung chủ yếu tại các địa phương như Châu Bình, Châu Nga, Châu Hội, Châu Thắng, Châu Tiến, Châu Bính và Diên Lãm. Hiện nay sản lượng các loại cá lồng bè đạt 30 tấn, với các chủng loại cá đa dạng như cá trắm cỏ, cá leo. Ngoài ra, các loại cây dược liệu dưới tán rừng cũng đã cho kết quả khả quan như mô hình trồng cây trà hoa vàng tại xã Châu Hạnh với tổng diện tích 10 ha, trồng 52ha cây dược liệu khác như nghệ, sả, sa nhân…

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quỳ Châu kiểm tra các mô hình bảo tồn, phát triển đàn vịt bầu Quỳ ở xã Diên Lãm. Clip: Hoài Thu

Quỳ Châu cũng đã áp dụng sản xuất các loại giống lúa chất lượng, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất với diện tích trên 1.000 ha như giống Japonica J02, dự hương 8... Đồng thời thực hiện chuyển đổi giống mía mới KK3, LK92-11 với ưu điểm kháng bệnh chồi cỏ, có khả năng lưu gốc tới 5 năm và không trổ cờ vào sản xuất trên 80% diện tích trồng mía toàn huyện.

Khắc phục những khó khăn

Cùng với những tín hiệu tích cực trong phát triển các giống cây, con chủ lực trên địa bàn huyện, qua quá trình triển khai, các cấp ngành của Quỳ Châu cũng xác định những hạn chế, khó khăn cần khắc phục. Trước hết, nhiều nơi người dân vẫn còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa nỗ lực tự vươn lên để thoát khỏi đói nghèo.

Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng người dân chưa mặn mà đầu tư phát triển nông nghiệp khi gặp dịch bệnh, mất mùa trên cây trồng, vật nuôi. “Cũng chính vì vậy, việc hỗ trợ giống vịt bầu Quỳ cũng như các giống cây, con khác, huyện chủ trương lựa chọn các hộ gia đình có khả năng đối ứng vốn, cơ sở vật chất và phải có ý chí vươn lên, có cam kết gối vụ, duy trì số giống ban đầu cho việc tái sản xuất để đảm bảo hiệu quả” - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳ Châu khẳng định.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳ Châu thí điểm trồng cây rễ hương dưới tán rừng tại xã Châu Hội. Ảnh: Hoài Thu

Ngoài ra, hiện nay Quỳ Châu cũng đang còn gặp vướng mắc trong thực hiện hỗ trợ giống cây, con theo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, hiện nay việc thẩm định giá các loại cây con thường thấp hơn thị trường gây khó khăn cho cơ sở trong thực hiện hỗ trợ phát triển nông nghiệp.

Ví như quy định giá hỗ trợ mô hình chăn nuôi giống vịt bầu Quỳ theo quy định của tỉnh là 20 nghìn đồng/1 con có trọng lượng 3g trở lên. Trong khi đó giá thị trường đối với 1 con giống vịt bầu Quỳ có trọng lượng trên 3g thì giá trên 30 nghìn đồng. Đến thời điểm cuối tháng 10/2022, UBND tỉnh vẫn chưa có văn bản chỉ đạo cấp có thẩm quyền thẩm định giá vật tư, cây con giống để triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng với đó, Hội đồng nhân dân tỉnh cũng chưa ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, quy định mức hỗ trợ và quay vòng vốn đầu tư đối với các đối tượng thụ hưởng như hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác trong thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới khiến địa phương “tiến thoái lưỡng nan” trong triển khai.

“Để tháo gỡ các khó khăn trên, giúp huyện Quỳ Châu triển khai kịp thời các nhiệm vụ, huyện đã có văn bản gửi UBND tỉnh và các cấp, ngành kiến nghị sớm có hướng dẫn, quy định mức hỗ trợ; phân công rõ cơ quan thẩm định giá vật tư, cây con giống. Kiến nghị Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, quy định mức hỗ trợ và quay vòng vốn đầu tư đối với các đối tượng thụ hưởng như hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác trong thực hiện các chương trình, dự án” - ông Lương Trí Dũng cho biết.

Chia sẻ ý kiến của bạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO