Rà soát, thu hồi đất lâm trường để bố trí đất tái định cư

09/12/2015 14:09

(Baonghean) - Thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, Quỳ Châu là địa phương có số lượng hộ dân bị ảnh hưởng lớn. Để công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đảm bảo đúng tiến độ đề ra, cũng như sớm ổn định đời sống của người dân bị ảnh hưởng, Báo Nghệ An phỏng vấn đồng chí Lang Văn Chiến - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu về vấn đề này.

Những ngôi nhà mới của người dân bản Quỳnh 2, xã Châu Bình xây dựng lại sau khi nhận đền bù của dự án hồ chứa nước bản Mồng.
Những ngôi nhà mới của người dân bản Quỳnh 2, xã Châu Bình xây dựng lại sau khi nhận đền bù của dự án hồ chứa nước bản Mồng.

Phóng viên: Hồ chứa nước Bản Mồng là công trình trọng điểm của tỉnh, để đảm bảo tiến độ GPMB phục vụ thi công, quan điểm chỉ đạo của huyện về vấn đề này như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Lang Văn Chiến: Triển khai xây dựng công trình Hồ chứa nước Bản Mồng, liên quan đến trách nhiệm của địa phương có hợp phần đền bù, GPMB, Quỳ Châu xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị nên đã ban hành các văn bản, lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai phối hợp thực hiện.

Giai đoạn 1 (2014 - 2016), công trình triển khai xây dựng đập phụ, kênh tiêu và kênh thông hồ và có 531 hộ dân của Quỳ Châu bị ảnh hưởng. Do đó, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các xã có số hộ dân bị ảnh hưởng, đặc biệt là xã Châu Bình, MTTQ, UBND huyện xuống họp với nhân dân để tuyên truyền, phổ biến quy hoạch, phương án hỗ trợ, đền bù cho bà con nắm được thông tin.

Đến thời điểm này, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (Hội đồng) của huyện đã tiến hành chi trả được 7 đợt với số tiền hơn 88 tỷ đồng. Huyện cũng đã đưa nhân dân đi thực tế một số địa bàn trong tỉnh như Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn… theo quy hoạch của tỉnh.

Tuy nhiên, đại đa số bà con muốn được tái định cư trên địa bàn huyện. Do đó, huyện đã chỉ đạo Hội đồng phối hợp với xã Châu Bình, Lâm trường Cô Ba khảo sát, lựa chọn địa điểm tái định cư xen dắm theo chủ trương của UBND tỉnh.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện xuất hiện một số vấn đề như kiến nghị của nhân dân bản Quỳnh 2 về xây cầu dân sinh qua kênh tiêu Châu Bình; vấn đề ô nhiễm môi trường do bụi, tiếng ồn trong quá trình thi công, huyện đã đối thoại với nhân dân, và làm việc với ban quản lý dự án, đơn vị thi công tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề…

Nhà thầu đang thi công kênh tiêu Châu Bình thuộc dự án hồ chứa nước bản Mồng.
Nhà thầu đang thi công kênh tiêu Châu Bình thuộc dự án hồ chứa nước bản Mồng.

Phóng viên: Theo tìm hiểu của chúng tôi, công tác GPMB của dự án này vẫn còn một số vướng mắc về kinh phí đền bù, cách áp giá hỗ trợ cho những diện tích đất sản xuất của người dân trên đất lâm trường, mặt bằng tái định cư, đồng chí cho biết thêm giải pháp tháo gỡ của huyện về những vấn đề này?

Đồng chí Lang Văn Chiến: Hiện nay có một số vướng mắc trong công tác đền bù, GPMB. Thứ nhất, về kinh phí đền bù, hỗ trợ cho những hộ bị ảnh hưởng đang còn chậm. Theo phương án đã phê duyệt cho 368 hộ thuộc 8 xóm, bản của xã Châu Bình với tổng kinh phí là 100,12 tỷ đồng, nhưng đến nay mới chi trả được hơn 88 tỷ đồng cho nhân dân.

Thứ hai, trong quá trình lập hồ sơ đền bù, hỗ trợ còn gặp khó khăn về diện tích đất sản xuất của một bộ phận nhân dân chồng lấn đất lâm trường quản lý. Huyện kiến nghị với tỉnh đẩy nhanh việc bố trí kinh phí chi trả cho những hộ bị ảnh hưởng; đồng thời có giải pháp giải quyết việc hỗ trợ cho những hộ dân có diện tích đất chồng lấn đất lâm trường.

Thứ ba, là đối với người dân bản Hòa Bình, xã Châu Bình, người dân kiến nghị bố trí mặt bằng để di dời mồ mả trong nghĩa địa. Đây là bản của các hộ dân đồng bào dưới xuôi lên định cư, vì vậy nó liên quan đến truyền thống. Chúng tôi đã họp nhiều lần với bà con và có đề xuất với tỉnh giải quyết theo nguyện vọng.

Thứ tư, vào giai đoạn 2 của dự án (2017 -2018), Quỳ Châu có 168 hộ xã Châu Bình, 99 hộ xã Châu Hội, 4 hộ xã Châu Hạnh, 3 hộ Thị trấn Tân Lạc và 1 hộ xã Châu Nga bị ảnh hưởng do nằm trong vùng lòng hồ. Phần lớn bà con đều mong muốn sớm được tái định cư ngay trên địa bàn huyện, đây là nguyện vọng chính đáng. Vì vậy, huyện kiến nghị, tỉnh tiếp tục cho khảo sát, rà soát quỹ đất của lâm trường để tiếp tục thu hồi giao về cho địa phương; đồng thời sớm có kế hoạch triển khai bố trí tái định cư và đất sản xuất cho các hộ dân này theo đúng quy định của Nhà nước để họ sớm ổn định cuộc sống.

Kênh tiêu Châu Bình thuộc dự án hồ chứa nước bản Mồng được thi công.
Kênh tiêu Châu Bình thuộc dự án hồ chứa nước bản Mồng đang dần hoàn thiện.

Phóng viên: Qua một số dự án lớn trên địa bàn tỉnh, vẫn còn một số hộ dân mặc dù tái định cư đã lâu nhưng cuộc sống chưa ổn định do không có đất sản xuất, phương án phát triển kinh tế, sử dụng kinh phí đền bù không hợp lý… lãnh đạo huyện Quỳ Châu có lường trước bài toán hậu tái định cư này?

Đồng chí Lang Văn Chiến: Làm sao ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân tái định cư? Đây là vấn đề chúng tôi rất băn khoăn, lo lắng. Cho nên, vào dịp Hội đồng thực hiện chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho dân thì huyện chỉ đạo Ngân hàng NN&PTNT huyện cử cán bộ xuống cùng đoàn để vận động và trực tiếp làm các thủ tục cho nhân dân để họ gửi tiết kiệm số tiền nhàn rỗi này vào ngân hàng. Chúng tôi cũng có chính sách ưu tiên con em các hộ này vào học nghề tại trung tâm hướng nghiệp dạy nghề của huyện để tìm kiếm việc làm.

Huyện mong muốn tỉnh cho rà soát để thu hồi đất các lâm trường. Thực hiện điều này có trách nhiệm của nhiều bên, trong đó huyện Quỳ Châu có trách nhiệm sử dụng hợp lý quỹ đất này giao cho nhân dân, thực hiện các giải pháp hỗ trợ cả về kỹ thuật, định hướng sản xuất nhằm nhanh chóng ổn định cuộc sống, đặc biệt là gắn với công tác giao đất, giao rừng.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Nhật Lệ

TIN LIÊN QUAN

Rà soát, thu hồi đất lâm trường để bố trí đất tái định cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO