Rộng lối về cho những người lầm lỗi

13/12/2016 09:48

(Baonghean) - Trong những năm qua, được sự hỗ trợ từ chính quyền, các đoàn thể ở địa phương, nhiều người sau khi chấp hành xong án phạt tù đã có việc làm ổn định và tham gia tích cực vào các hoạt động nơi mình sinh sống.

Vượt lên lầm lỡ

Đến khối 13, phường Đông Vĩnh (TP Vinh), trò chuyện với tổ trưởng tổ dân cư có tiếng tận tụy Phạm Đức Dương (SN 1985), khó nghĩ anh từng có một quá khứ lầm lỡ khi dấn thân vào “con đường ma túy”. Tốt nghiệp THPT, Dương thi đậu vào Trường Cao đẳng Nông lâm Việt Yên - Bắc Giang, chuyên ngành Địa chính. Năm 2007, ra trường cầm tấm bằng trên tay, Dương hy vọng tìm được việc làm để phụ giúp cha mẹ. Tuy nhiên, trong thời gian chưa xin được việc, Dương đi theo đám bạn xấu rồi sa đà vào con đường ma túy.

Sau nhiều lần cai nghiện cho con trai không thành, bố mẹ Dương quyết định cưới vợ cho anh với hy vọng anh sẽ thay đổi, chăm lo cuộc sống gia đình. Thế nhưng, giữa năm 2011, khi người vợ trẻ mang thai đứa con trai đầu lòng thì Dương bị bắt vì tội tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy và bị kết án 2 năm tù giam.

Trong thời gian chấp hành án, nghĩ đến người vợ trẻ phải nuôi con một mình, Dương quyết tâm làm lại cuộc đời. Nhờ tích cực cải tạo, năm 2013, Dương được ra tù trước thời gian 3 tháng. Trở về tái hòa nhập cộng đồng, với sự động viên của gia đình, bà con lối xóm, chính quyền địa phương, Dương được nhận vào làm việc ở Ban quản lý chợ Đông Vĩnh.

Công an huyện Hưng Nguyên trao giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tái hóa nhập cộng đồng.
Công an huyện Hưng Nguyên trao giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tái hóa nhập cộng đồng.

Có công việc, có niềm tin cùng với khát vọng hoàn lương, Dương lao vào công việc và các hoạt động xã hội để bù đắp những gì mình đã gây nên cho gia đình trong quá khứ. Với nhiều cố gắng, dần dần Dương được bà con tin tưởng và được bầu làm tổ trưởng tổ dân cư số 5. Trong 2 năm liền (2014, 2015), anh được Chủ tịch UBND phường Đông Vĩnh tặng Giấy khen.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác xây dựng, nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ giai đoạn 2006 - 2016 do UBND TP. Vinh tổ chức, anh là một trong số ít người hoàn lương trở về địa phương được tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện xây dựng mô hình và công tác tự quản cơ sở.

Ở một hoàn cảnh khác, nhưng anh Hoàng Văn Thắng ở xóm Thọ Tiến, xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu) cũng là một tấm gương điển hình vượt khó sau những ngày lầm lỡ. Lớn lên trong một gia đình có mức sống khá so với mặt bằng chung của xã, sau khi học hết THPT, Thắng xin bố mẹ đầu tư mở xưởng mộc tại nhà.

Do phải cạnh tranh với một số xưởng mộc khác trong làng, trong một lần nóng giận, Thắng lao vào đánh người, đập phá tài sản. Với hành vi này, Thắng bị cơ quan công an bắt, bị Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Lưu tuyên phạt 42 tháng tù giam về tội “cố ý gây thương tích” và “cố ý hủy hoại tài sản”. Trong thời gian chấp hành án phạt tù, nhờ quá trình cải tạo tốt, Thắng được xét giảm án 2 lần và được ra tù trước thời hạn 9 tháng.

Anh Hoàng Văn Thắng tại nhà hàng của mình ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu).
Anh Hoàng Văn Thắng tại nhà hàng của mình ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu).

Trở về quê, được chính quyền, các đoàn thể động viên, tạo điều kiện, Thắng đầu tư mở sân trượt patin phục vụ nhu cầu thể thao, giải trí của thanh, thiếu niên vùng biển. Tiếp đó, Thắng vay vốn mở nhà hàng tại xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu). Sau 2 năm gây dựng, Thắng không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn tạo việc làm ổn định cho 4 lao động địa phương với mức thu nhập từ 2,5 - 5 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, xưởng gỗ của anh đang tạo việc làm cho 40 lao động với mức thu nhập khá. Ngoài thời gian lao động, anh Thắng còn tích cực hưởng ứng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần giữ vững ANTT tại địa phương. “Chính sự giúp đỡ của chính quyền đã giúp gia đình tôi vượt qua mọi khó khăn để có được cuộc sống ổn định như ngày hôm nay” - Hoàng Văn Thắng khẳng định.

Cần sự chung tay

Anh Dương, anh Thắng là những trường hợp trong số hơn 2.100 người chấp hành xong án phạt tù từ năm 2012 đến nay được giúp đỡ, tạo điều kiện về việc làm theo Nghị định 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ về việc đảm bảo các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng cho những người chấp hành xong án phạt tù. Đây là một hoạt động có ý nghĩa chính trị, pháp lý, xã hội và mang tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc ta.

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 20 mô hình thực hiện tái hòa nhập cộng đồng, tiêu biểu là mô hình “Xóa bỏ mặc cảm, làm nở nụ cười, giúp người lầm lỗi” ở thị xã Thái Hòa tạo điều kiện giúp đỡ 342 người trong tổng số 427 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có việc làm ổn định; mô hình “Chung tay giúp đỡ người lầm lỗi” do UBND phường Nghi Thu (TX. Cửa Lò) từ năm 2013 đã hỗ trợ việc làm, tạo thu nhập ổn định cho 12 người từng lầm lỡ; mô hình “Câu lạc bộ vòng tay bè bạn” của Hội phụ nữ phường Vinh Tân (TP Vinh) đã tổ chức tìm việc làm và đứng ra bảo lãnh vay vốn sản xuất cho hơn 10 người chấp hành xong án phạt tù với số tiền trên 110 triệu đồng; mô hình “Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia giúp đỡ, quản lý người tái hòa nhập cộng đồng” ở xã Hưng Long (Hưng Nguyên)…

Hiện số lượng người chấp hành xong án phạt tù ở Nghệ An rất lớn (ước tính hơn 16.000 người), trong khi kinh tế - xã hội của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc hỗ trợ nguồn vốn, giải quyết việc làm cho những người chấp hành xong án phạt tù còn nhiều hạn chế, bất cập.

Phần lớn những người chấp hành xong án phạt tù có trình độ văn hóa, tay nghề thấp, một số người bị chi phối bởi tâm lý lười lao động, thích hưởng thụ, thiếu ý thức chấp hành pháp luật… Bên cạnh đó, một bộ phận quần chúng nhân dân vẫn còn có thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử với người chấp hành xong án phạt tù; sự phối hợp giữa các ngành chức năng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội có nơi, có lúc còn thiếu chặt chẽ.

Như trường hợp anh Nguyễn Gia C. (SN 1961) ở khối 12, phường Cửa Nam (TP. Vinh) đã trải qua 4 lần phạm tội, với tổng cộng 12 năm 6 tháng tù giam mà một nguyên nhân chính là không thể tìm được công việc ổn định để nuôi sống bản thân và gia đình.

Còn anh Đặng Văn Th. ở xã Mỹ Sơn (Đô Lương) vừa được đặc xá ra rù vào tháng 6/2016 cho biết, sau nửa năm, anh vẫn chưa thể tìm được công việc ổn định mà nguyên nhân chính là sự kỳ thị của người dân với một người từng mang án tù chung thân vì buôn bán ma túy…

Theo Trung tá Nguyễn Đức Hải - Phó Giám đốc Công an tỉnh, để giúp đỡ hiệu quả hơn những người chấp hành xong án phạt tù có công việc ổn định, từng bước tái hòa nhập cộng đồng, ngoài vai trò nòng cốt, trực tiếp của lực lượng công an, đòi hỏi phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự chung tay, góp sức của toàn dân.

Để phát huy sự vào cuộc của toàn xã hội, công tác này cần kết hợp, lồng ghép vào các phong trào lớn của Đảng, Nhà nước và địa phương như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào xóa đói giảm nghèo…

Trong năm 2016, trên địa bàn Nghệ An, tổng số người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá về cư trú tại địa phương là 2.641 người. Trong đó, số người chấp hành xong án phạt tù ở các trại giam thuộc Bộ Công an là 2.369 người; số người chấp hành xong án phạt tù tại trại tạm giam là 266 người.

Bài, ảnh: Minh Quân

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Rộng lối về cho những người lầm lỗi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO