Rừng phòng hộ ven biển Nghệ An bị người dân 'vô tư' chặt phá

19/09/2017 21:05

(Baonghean.vn) - Nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển tại các xã Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu đang bị chặt phá, dẫn đến nguy cơ sạt lở bờ khi triều cường dâng cao.

1

Nhiều diện tích rừng phi lao ở xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu bị cơn bão số 2 làm đổ gãy, người dân được phép gom chặt tận thu, nhưng một số người lại lợi dụng chặt cả phi lao chưa bị đổ. Rừng phi lao đan xen, tạo những "vành đai xanh" chắc chắn để bảo vệ những bãi triều trước sóng biển, nhưng nay bị chặt phá cùng với số bị đổ gãy do bão, tiềm ẩn hậu quả khó lường. Ảnh: Văn Trường


1

Ông Tô Duy Hiền - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Nghĩa cho biết: Xã có trên 4,6 ha rừng phi lao phòng hộ ngoài đê và trên 30 ha rừng sản xuất phi lao. Trước đây, xã giao cho bà con tự bỏ vốn trồng trên đất rừng sản xuất và rừng phòng hộ, nên việc quản lý khó khăn. Nhiều hộ dân nghĩ rằng họ trồng là họ được chặt bán. Lâu nay xã vận động, tuyên truyền bà con về ý nghĩa của rừng phòng hộ bảo vệ bờ biển, nhưng xem ra vẫn khó. Trong ảnh: Một số người dân Quỳnh Nghĩa dùng cưa xăng để chặt phi lao trên diện tích đất rừng sản xuất. Ảnh: Văn Trường


1
Theo phản ánh của người dân địa phương, phi lao được trồng cách đây khoảng 20 năm để bảo vệ bờ biển, chắn sóng, gió và chống "bão cát"; khi bị chặt phá chủ yếu bán củi cho các lò đốt sấy cá, nấu rượu và chất đốt công nghiệp với giá rẻ, mỗi cây phi lao bán giá từ 80.000 -120.000 đồng. Trong ảnh: Một trong những cây phi lao có đường kính gần 40 cm trên đất rừng sản xuất ở xã Quỳnh Nghĩa vừa bị cưa. Ảnh: Văn Trường

1
Hiện nay, rừng phi lao bị chặt phá, dư luận đang lo ngại về những hệ lụy lâu dài bởi khu rừng phi lao bị đốn hạ có chức năng phòng hộ, chắn gió, chắn cát, chống sạt lở bờ biển.Trong ảnh: Người dân đang chặt phá rừng phi lao trên diện tích đất sản xuất ở Quỳnh Nghĩa. Ảnh: Văn Trường

1
Nhiều diện tích rừng phi lao chủ yếu do người dân khai hoang và tự trồng nên họ "vô tư" khai thác. Thế nên, để bảo đảm quyền lợi cho người trồng và chăm sóc diện tích rừng phi lao ven biển, cần phải có phương án hỗ trợ để yêu cầu người dân giao lại cho nhà nước quản lý. Một số cao niên làng biển cho biết: Để có cánh rừng phi lao như hiện nay, người dân phải trồng và chăm sóc mất trên 20 năm. Muốn khôi phục phải trồng lại cũng mất khoảng thời gian trên. Việc nhiều diện tích rừng phòng hộ bị chặt phá như hiện nay sẽ gây nhiều hệ lụy khó lường về môi trường. Trong ảnh: Người dân vận chuyển phi lao vừa chặt . Ảnh: Văn Trường

1

Ông Trần Duy Đạt - Trưởng phòng Kỹ thuật thuộc BQL rừng phòng hộ Quỳnh Lưu, cho biết: Quỳnh Lưu có gần 100 ha diện tích phi lao phòng hộ. Các cơn bão số 2, số 10 có nhiều diện tích bị đổ gãy, sau khi đi kiểm tra, Ban có biên bản kiểm tra hiện trường và cho phép cây đổ được tận thu. Theo quy định thì rừng phòng hộ có quyền khai thác phù hợp, ví dụ, có thể khai thác 20% nhưng cũng phải trồng xen dắm lại. Tuy nhiên, dù rừng vốn đầu tư của Nhà nước hay người dân, thì khi khai thác cũng phải đúng quy trình. Cụ thể là phải có hồ sơ phê duyệt thiết kế khai thác, thẩm định, trình đơn vị chức năng cho phép mới được khai thác. Trong khi rừng phòng hộ là phi lao ở Quỳnh Lưu các hộ trồng nhỏ lẻ, nên việc làm hồ sơ phê duyệt thiết kế khai thác là rất khó. Tình trạng người dân khai thác rừng phòng hộ như hiện nay có thể nói là sai. Ảnh: Văn Trường

Văn Trường

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Rừng phòng hộ ven biển Nghệ An bị người dân 'vô tư' chặt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO