Sự cố vỡ đập chứa bùn thải: Doanh nghiệp 'hứa một đằng làm một nẻo'
(Baonghean.vn) - Để được cấp phép khai thác khoáng sản thiếc tại núi Lan Toong, xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp, Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh từng cam kết thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường.
» Sự cố vỡ đập chứa bùn thải: Doanh nghiệp làm bừa, làm ẩu
» Cận cảnh đập bùn thải khổng lồ bị vỡ ở Nghệ An
Cam kết của doanh nghiệp thiếc
Báo cáo đánh giá tác động môi trường và dự án cải tạo, phục hồi môi trường của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh được gửi đến các cơ quan chức năng ngày 25/12/2012. Tại báo cáo, doanh nghiệp đã mô tả những giải pháp “hoàn hảo” để “giảm thiểu các tác động tiêu cực, phòng ngừa và ứng phó với sự cố môi trường”.
Các loại hồ sơ, giấy phép, báo cáo tác động môi trường... của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh. Ảnh: Nhật Lân |
Đó là xây dựng các biện pháp giảm thiểu tác động của nước thải (gồm nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất, nước mưa chảy tràn); biện pháp giảm thiểu ô nhiễm chất thải rắn (gồm chất thải rắn trong quá trình thi công xây dựng, chất thải sinh hoạt, chất thải nguy hại); biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí…
Riêng đối với nước thải sản xuất, báo cáo mô tả “nước thải sau khi qua xưởng tuyển, nếu thải trực tiếp ra bên ngoài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh, đặc biệt là độ đục và còn có các khoáng vật quặng sulfua của Fe, Pb, Zn, Cu… Nước từ xưởng tuyển được thu gom lại, sau đó được lắng lọc và bơm tuần hoàn 100% trở lại cung cấp cho hệ thống thuyển khoáng mà không thải ra môi trường.
Toàn cảnh vùng sản xuất và khu vực đập chứa bùn thải của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh trên núi Lan Toong. Ảnh: Đào Tuấn |
Báo cáo cũng nêu rõ sẽ xây dựng 2 hồ chứa bùn (đập chứa) với khả năng chứa thải là 521.536m3. Riêng với hồ chứa tại nơi khai thác, xây dựng đập cao 15m, mặt đập rộng 4m, được đào rãnh và xây kè tràn xả lũ bằng đá hộc và xi măng mác 75…. Với khả năng chứa thải lớn, sẽ lưu giữ được toàn bộ lượng thải từ quá trình hoạt động của mỏ. Nước thải sẽ chảy vào hồ lắng.
Tại đây, phần lớn chất rắn lơ lửng trong nước bị lắng đọng, sau khi kết thúc dự án, bùn cát chưa thể lấp đầy hồ chứa nên vào mùa mưa, dòng chảy của suối không bị cản trở. Trong trường hợp mưa nhiều thì sẽ thoát ra cửa tràn xả lũ của đập. Và Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh cam kết: “Nước từ quá trình tuyển quặng sẽ được dẫn vào hồ chứa, ở đây với thiết kế hồ như tính toán thì nước thải có đủ thời gian để lắng cặn trước khi được bơm tuần hoàn sử dụng lại và với thiết kế đập chứa, sẽ đảm bảo an toàn…”.
Ngày 5/1/2013, UBND tỉnh có Quyết định số 50/QĐ-UBND.ĐC phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường và dự án cải tạo, phục hồi môi trường Dự án đầu tư khai thác và chế biến quặng thiếc tại mỏ thiếc suối Bắc thuộc xã Châu Hồng và Châu Thành huyện Quỳ Hợp.
Tại Quyết định số 50/QĐ-UBND.ĐC, UBND tỉnh còn yêu cầu “đối với các công trình bảo vệ môi trường, phải tiến hành thiết kế chi tiết và xây lắp các công trình xử lý môi trường đúng theo các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và các quy định hiện hành về đầu tư xây dựng”; đối với nước thải sản xuất “trong giai đoạn đi vào vận hành, toàn bộ nước thải phát sinh từ hoạt động chế biến quặng được tuần hoàn, cấp lại cho khâu tuyển, không được thải ra môi trường dưới bất kỳ hình thức nào”…
Đầu voi, đuôi chuột
Trên thực tế, hoạt động sản xuất của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc hết sức thủ công, xả thải tuỳ tiện. Chất thải đổ từ nơi sàng tuyển thiếc, đi qua con mương đất lót bao bố nông chỉ vài chục cm, sau đó đổ xuống các con khe nhỏ để chảy vào đập chứa. Có những vị trí trên sườn núi, bùn trào ra thành những bãi quánh đen.
Đập chứa bùn thải vừa bị vỡ hôm 9/3/2017 vừa qua là một chiếc hồ nhân tạo nằm cheo leo cách đỉnh núi chừng 100m, có diện tích rộng khoảng 3000m2. Ba mặt của đập gần như tựa vào vách núi. Mặt còn lại được đắp đất làm thành đê chắn nhỏ.
Thời điểm hiện tại, chiếc đê này bị vỡ toác ở giữa, có nhiều đường nứt, lún sụt lớn.
Toàn bộ đất ở đê chắn còn tơi xốp, cho thấy mới được đắp trong thời gian chưa lâu. Trên đập chứa không còn nước thải nhưng bùn thải vẫn khá nhiều, có màu xám đen. Từ bùn thải bốc lên mùi hôi nồng nặc của diêm sinh.
Do đập chắn bằng đất yếu, chịu tải kém nên đập chứa bị vỡ. Ảnh Đào Tuấn. |
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An - ông Hồ Sỹ Dũng - đã đến hiện trường đập chứa bùn thải bị vỡ và khẳng định: về mặt thiết kế an toàn đập chứa, Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh chưa thực hiện cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.
Nguyên nhân vỡ đập chứa bùn theo ông Dũng là do thân đập được làm bằng đất ngấm nước nên không đủ sức chịu tải, bị vỡ và nứt, sụt. Ông Dũng trao đổi: “Hồ sơ thiết kế đập chứa bùn thải do Sở Công thương thẩm định. Sở này cần kiểm tra lại”.
Đối với Sở TN&MT, ông Dũng cho hay, trước mắt Sở đã đình chỉ mọi hoạt động sản xuất và yêu cầu doanh nghiệp tập trung nguồn lực để khắc phục. Cụ thể, phải xây đập chắn bằng đá hộc, xi măng từ dưới chân đập theo đúng chiều cao thiết kế cơ sở đã được phê duyệt. Việc này phải thực hiện nhanh để tránh bùn thải tiếp tục tràn ra khi có mưa lũ. Đồng thời, phải kiểm tra, nạo vét bùn thải đọng ở các khe suối, sườn núi.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An Hồ Sỹ Dũng cho biết đã làm việc với đại diện doanh nghiệp gây sự cố và đang làm báo cáo để gửi cho UBND tỉnh. Ảnh: Nhật Lân. |
Về lâu dài, doanh nghiệp phải thực hiêm nghiêm ngặt tất cả các giải pháp bảo vệ môi trường theo đúng cam kết. Có thể xem xét việc di chuyển bãi thải về một khu vực đảm bảo an toàn, không để trên núi cao. Hoặc, phải có phương án chuyển quặng thiếc về địa điểm thích hợp để thực hiện sàng tuyển và thuận tiện trong thu gom bùn thải. Doanh nghiệp có trách nhiệm cùng chính quyền địa phương xác định, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do sự cố.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An cho biết đã làm việc với Giám đốc Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh hôm 12/3/2017 và đang làm báo cáo nhanh gửi UBND tỉnh cùng các cơ quan cấp trên.
Nhật Lân – Đào Tuấn
TIN LIÊN QUAN |
---|