Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

12/02/2017 11:21

(Baonghean.vn) - Hạ viện Anh chính thức thông qua Brexit, Mỹ tạm ngừng thực thi sắc lệnh nhập cư gây tranh cãi, Nổ lớn tại nhà máy điện hạt nhân Pháp, Đánh bom đẫm máu gần Tòa án Tối cao Afghanistan... là những tin tức quốc tế đáng chú ý nhất trong tuần qua.

1. Mỹ tạm ngừng thực thi sắc lệnh nhập cư gây tranh cãi

 Cô con gái Negin ôm lấy mẹ mình là bà Shanez Tabarsi sau khi được nhập cảnh trở lại Mỹ ở sân bay Logan, Boston. Nữ công dân này đã gặp trục trặc trong khâu nhập cảnh vào Mỹ sau lệnh cấm của ông Donald Trump. Ảnh Reuters
Cô con gái Negin ôm lấy mẹ mình là bà Shanez Tabarsi sau khi được nhập cảnh trở lại Mỹ ở sân bay Logan, Boston. Nữ công dân này đã gặp trục trặc trong khâu nhập cảnh vào Mỹ sau lệnh cấm của ông Donald Trump. Ảnh: Reuters

Hôm 9/2 (theo giờ Mỹ), Tòa án phúc thẩm liên bang Khu vực số 9 có trụ sở ở thành phố San Francisco quyết định giữ nguyên bản án của tòa cấp thấp về việc tạm ngưng thực thi sắc lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Donald Trump.

Quyết định trên được đưa ra sau phiên điều trần hôm 8/2 theo đơn kiện của hai bang là Washington và Minnesota. Có khả năng, Tòa án Tối cao Mỹ sẽ là cơ quan tư pháp ra quyết định cuối cùng trong vụ kiện tụng này. Còn Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, họ đang xem xét phán quyết mà tòa phúc thẩm liên bang Khu vực số 9 công bố và tính đến các phương án khác.

Theo phán quyết đưa ra, tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9 cho hay, họ biết về những lợi ích công đầy khó khăn của an ninh quốc gia và tự do đi lại, nhưng chính phủ Mỹ chưa đưa ra “bất cứ bằng chứng” về mối lo ngại an ninh quốc gia nhằm biện minh cho việc cấm công dân 7 nước đó.

Tòa phúc thẩm khu vực số 9 còn cho biết, chính phủ Mỹ cũng không có bằng chứng về việc ai đó ở 7 quốc gia bị ảnh hưởng đã phát động một cuộc tấn công khủng bố trên lãnh thổ Mỹ.

Cuối cùng, phán quyết của tòa phúc thẩm còn chỉ ra, không có khả năng rằng đội ngũ ban cố vấn Nhà Trắng có thẩm quyền sửa đổi một sắc lệnh hành pháp của tổng thống và rằng chính phủ chưa cho thấy làm cách nào để sắc lệnh đó được thực thi ở một số nơi.

2. Hạ viện Anh chính thức thông qua Brexit

Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Theo Reuters, ngày 9/2 (giờ Việt Nam), với tỷ lệ 494 phiếu thuận và 122 phiếu chống, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu thông qua một dự luật cho phép Thủ tướng Theresa May kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon khởi động tiến trình chính thức đưa nước này rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit).

Kết quả này đã chấm dứt nhiều ngày tranh luận gay gắt, đồng thời là bước quan trọng để Anh khởi động đàm phán Brexit, được dự báo là “đầy khó khăn và phức tạp” với các vấn đề về thương mại, nhập cư và an ninh.

Dự luật cũng cần phải được Thượng viện Anh thông qua trước khi chính thức trở thành luật. Thượng viện Anh sẽ có 2 ngày xem xét dự luật này, tính từ ngày 20/2.

3. Nổ lớn tại nhà máy điện hạt nhân Pháp

Nhà máy điện hạt nhân Flamanville nằm bên bờ biển thuộc vùng Normandie của nước Pháp - Ảnh: Reuters
Nhà máy điện hạt nhân Flamanville nằm bên bờ biển thuộc vùng Normandie của nước Pháp - Ảnh: Reuters

Một vụ nổ đã xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Flamanville, miền bắc nước Pháp ngày 9-2 nhưng không gây thiệt hại về người và không tạo ra nguy cơ rò rỉ phóng xạ.

Thông báo của công ty EDF - đơn vị sở hữu nhà máy, cho biết vụ nổ xuất phát từ một đám cháy trong phòng máy, nhưng rất may đây là khu vực "không chứa hạt nhân" của nhà máy.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, các nhân viên tại nhà máy đã khống chế ngọn lửa. Lò phản ứng số 1 tại nhà máy cũng tạm thời bị ngắt kết nối khỏi lưới điện quốc gia. Không có ai bị thương trong đám cháy hay vụ nổ nhưng có 5 người bị ảnh hưởng bởi khói.

Theo Reuters, nhà máy Flamanville có 2 lò phản ứng, với công suất phát điện của mỗi lò lên tới 1.300 MW và được xây dựng từ những năm 1980. Một phát ngôn viên của EDF cho biết tập đoàn này đang xây dựng một lò phản ứng mới cũng tại nhà máy này và nó không hề bị ảnh hưởng trong vụ nổ ngày 9-2.

Cơ quan an toàn hạt nhân Pháp (ASN) cho biết vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin nào cũng như không thể bình luận ngay lập tức.

4. Đánh bom đẫm máu gần Tòa án Tối cao Afghanistan

Cảnh sát Afghanistan tại hiện trường vụ nổ. Ảnh: Reuters.
Cảnh sát Afghanistan tại hiện trường vụ nổ. Ảnh: Reuters.

Ngày 7/2, giới chức Afghanistan cho biết một vụ đánh bom liều chết đã xảy ra tại trụ sở Tòa án tối cao ở trung tâm thủ đô Kabul của nước này, khiến ít nhất 19 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Đây là vụ tấn công mới nhất tại thủ đô Kabul, gây chấn động quốc gia Nam Á luôn chìm trong xung đột này.

Hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ nội vụ Afghanistan cho biết một kẻ đánh bom liều chết đã cho kích hoạt chất nổ mang theo mình, khi các nhân viên tòa án trên đang lên xe buýt tại bãi đỗ xe trong khuôn viên tòa án, nằm trên con đường dẫn từ sân bay quốc tế đến Đại sứ quán Mỹ. Trong khi đó, Bộ Y tế Afghanistan cho hay trong số các nạn nhân bị thương có cả phụ nữ và trẻ em.

Ngay sau khi vụ đánh bom xảy ra, cảnh sát đã cho phong tỏa tuyến đường xung quanh trụ sở tòa án. Xe cứu thương và cứu hỏa đã có mặt tại hiện trường. Hiện chưa rõ thủ phạm của vụ tấn công đẫm máu này, nhưng nhóm phiến quân Taliban từng tấn công Tòa án tối cao cũng như các trụ sở tòa án ở những tỉnh khác của Afghanistan.

Vụ tấn công này đã làm dấy lên lo ngại về sự gia tăng bất ổn an ninh tại Afghanistan, trong bối cảnh các lực lượng vũ trang được Mỹ hậu thuẫn đang nỗ lực chiến đấu chống lại phiến quân Taliban cũng như lực lượng khủng bố Al-Qaeda và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

5. Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran nhóm họp về lệnh ngừng bắn ở Syria

Một khu trại tị nạn ở khu vực Rashidin của Aleppo - thành phố đông dân nhất Syria. (Ảnh: AP).
Một khu trại tị nạn ở khu vực Rashidin của Aleppo - thành phố đông dân nhất Syria. (Ảnh: AP).

Nhóm kiểm soát việc thực thi lệnh ngừng bắn tại Syria gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và các chuyên gia Liên hợp quốc đã tổ chức nhóm họp tại thủ đô Astana, Kazakhstan vào ngày 6/2.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Kazakhstan, cuộc họp còn có sự tham dự của đại diện tới từ Jordan. Chương trình nhóm họp bao gồm các nội dung: Xem xét lại việc thực thi lệnh ngừng bắn của các bên liên quan; thảo luận về cam kết của chính quyền Syria và phe đối lập về lệnh ngừng bắn; xác định rõ các biện pháp thực hiện cam kết.

Bộ Ngoại giao Kazakhstan khẳng định cuộc nhóm họp cũng là một diễn đàn với mục đích tạo cơ chế thực thi lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, chưa có thông tin cụ thể về thành phần tham dự của từng phái đoàn tại cuộc họp.

6. Tổng thống Mỹ tuyên bố ủng hộ chính sách "một Trung Quốc"

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: EPA/TTXVN.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: EPA/TTXVN.

Ngày 10/2, Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cho biết Washington sẽ tôn trọng chính sách "một Trung Quốc". Đây là tuyên bố trái ngược với những gì ông D.Trump đưa ra hồi tháng 12/2016.

Theo thông báo Nhà Trắng phát đi sau cuộc điện đàm, quyết định mới của Tổng thống Mỹ được đưa ra sau đề xuất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố cho biết, Bắc Kinh hết sức hoan nghênh quyết định của Washington, khẳng định những nỗ lực hợp tác chung sẽ đưa mối quan hệ giữa hai nước lên một tầm cao mới.

Cũng trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận nhiều chủ đề khác, trong đó nhất trí rằng đại diện của Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến hành các cuộc thảo luận, thương lượng về nhiều vấn đề liên quan tới lợi ích chung.

7. Hàng trăm nghệ sĩ Hàn Quốc nộp đơn kiện tổng thống

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Ảnh: Reuters

Ngày 9/2, Hiệp hội Các luật sư vì Xã hội dân chủ của Hàn Quốc cho biết có tới 461 nghệ sĩ nước này đã nộp đơn kiện Tổng thống bị luận tội Park Geun-hye và cựu trợ lý của bà liên quan đến những cáo buộc chính quyền đưa họ vào danh sách đen vì cho rằng họ có lập trường phê phán chính phủ.

Một tuyên bố của hiệp hội trên nêu, mỗi người trong số này đòi chính phủ của bà Park Geun-hye cùng cựu Chánh Văn phòng Tổng thống Kim Ki-choon và cựu Bộ trưởng Văn hóa Cho Yoon-sun bồi thường 1 triệu won.

Ông Kim Ki-choon và bà Cho Yoon-sun đã bị kết tội vào ngày 7-2 với tội danh lạm quyền và cưỡng ép để lập ra bản danh sách đen gồm gần 10.000 người kể trên nhằm ngăn họ nhận được hỗ trợ của nhà nước.

8. Brazil: Bạo loạn bùng phát dữ dội, hơn 100 người thiệt mạng

Tình trạng cướp bóc, phá hoại trở nên phổ biến ở thành phố Vitoria, Brazil.
Tình trạng cướp bóc, phá hoại trở nên phổ biến ở thành phố Vitoria, Brazil.

Hơn 100 người đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong các cuộc bạo loạn tại thành phố Vitoria (Brazil) sau khi hàng loạt sỹ quan cảnh sát tiến hành đình công nhằm đòi hỏi chế độ lương bổng và phúc lợi tốt hơn.

Các cuộc đình công của cảnh sát đã bắt đầu từ thứ 7 tuần trước. Nhiều thành viên trong gia đình các nhân viên an ninh cũng tiến hành biểu tình trước các đồn cảnh sát và chặn các đoàn xe công vụ.

Việc thiếu hụt cảnh sát làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh đã làm bùng phát nạn trộm cắp ở nhiều nơi trên khắp thành phố. Hàng loạt trường học, doanh nghiệp và cửa hàng buộc phải đóng cửa. Các tuyến xe buýt trên địa bàn thành phố cũng ngừng hoạt động.

Các nhà chức trách Brazil đã điều động khoảng 1.200 binh lính và cảnh sát liên bang để ngăn chặn tình trạng bạo loạn. Tuy nhiên, tình hình không có dấu hiệu lắng dịu mà còn có nguy cơ lan rộng sang các thành phố lân cận./.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO