Sự ra đời chíp 5G tiên tiến của Trung Quốc có khiến Mỹ lo lắng?

Phan Văn Hoà (Theo Techwireasia) 09/09/2023 11:00

(Baonghean.vn) - Các nhà lập pháp Mỹ tỏ ra lo lắng và cho rằng sự ra đời chíp 5G tiên tiến tiến trình 7 nanomet (nm) trên dòng điện thoại thông minh Mate 60 Pro của tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc) cần phải được điều tra.

Anh minh hoa (2).jpg
Ảnh minh họa.

Việc tập đoàn đa quốc gia hàng đầu về thiết bị mạng và viễn thông Huawei của Trung Quốc cho ra đời chiếc điện thoại thông minh mới nhất Mate 60 Pro vào tuần trước, sử dụng công nghệ chíp bán dẫn 5G tiến trình 7nm, cho thấy bước đột phá trong việc phát triển bộ xử lý 5G mới đã khiến Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây bất ngờ và lo lắng.

Kể từ đó, thế giới, đặc biệt là người Trung Quốc, đã phát cuồng về tốc độ mạng của điện thoại thông minh. Nó giống như một chiếc điện thoại thông minh 5G điển hình và việc gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc sản xuất được nó bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ, thậm chí còn mang tính đột phá hơn.

Mọi chuyện bắt đầu bằng việc công ty chuyên nghiên cứu các bộ phận điện tử bên trong thiết bị của nhiều hãng công nghệ lớn nhất thế giới TechInsights đã tiến hành “mổ xẻ” chiếc điện thoại thông minh 5G Mate 60 Pro mới nhất do Huawei sản xuất, trong đó tiết lộ rằng Mate 60 Pro được trang bị con chíp Kiri9000s mới được sản xuất tại Trung Quốc bởi Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn quốc tế (SMIC).

Con chíp này là con chíp đầu tiên sử dụng công nghệ tiến trình 7nm tiên tiến nhất của SMIC, cho thấy công ty này có công nghệ để tạo ra con chíp như vậy bất chấp những nỗ lực sâu rộng của Mỹ nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ chíp tiên tiến của nước ngoài.

Giới phân tích nhận định họ vẫn chưa nắm rõ được liệu SMIC và Huawei đã có thể sản xuất chíp với quy mô lớn cùng chi phí hợp lý hay không. Song, con chíp trong Mate 60 Pro đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của chiến dịch toàn cầu do chính quyền Washington phát động nhằm ngăn Bắc Kinh tiếp cận các công nghệ tiên tiến.

Điện thoại thông minh Mate 60 Pro xuất hiện 3 năm sau khi Huawei phát hành điện thoại thông minh 5G lần cuối, dòng Mate 40. Tuy nhiên, Huawei vẫn chưa công khai tuyên bố rằng đây là điện thoại thông minh 5G mà chỉ nói rằng Mate 60 Pro là “mẫu Mate mạnh mẽ nhất từ ​​​​trước đến nay”.

Trong một báo cáo của mình, TechInsights chỉ ra rằng SMIC đã sản xuất ra những con chíp này thông qua tiến trình 7nm, được gọi là nút N+2, làm dấy lên suy đoán rằng nhà sản xuất chíp này đang giúp Huawei bí mật vượt qua các lệnh trừng phạt công nghệ nghiêm ngặt của Mỹ. Về bối cảnh, SMIC đã được thêm vào Danh sách đen của Mỹ vào tháng 12 năm 2020, trong khi Huawei nằm trong danh sách đen thương mại đó vào tháng 5 năm 2019.

Đó có lẽ là lý do tại sao các chuyên gia cho rằng bước đột phá trong việc phát triển bộ xử lý 5G mới ở Trung Quốc dự kiến ​​sẽ không chỉ thúc đẩy một đợt điều tra khác của chính quyền Washington mà còn làm gia tăng cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung.

Trong khi đó, nhà phân tích Edison Lee của tập đoàn tài chính Jefferies Equity (Mỹ) cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng, việc ra đời con chíp tiên tiến này cũng có thể gây ra nhiều cuộc tranh luận hơn ở Mỹ về tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt do chính quyền Washington đưa ra trong thời gian qua.

Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, bước đột phá này không có gì đáng ngạc nhiên khi các chuyên gia, bao gồm cả các công ty sản xuất chất bán dẫn có trụ sở tại Mỹ như Qualcomm và Nvidia đã lập luận về việc cần có ít lệnh trừng phạt hơn vì các hạn chế thương mại của chính quyền Washington chỉ làm tăng thêm động lực tự chủ về công nghệ của Trung Quốc trong khi làm tổn hại đến lợi ích thương mại của các công ty Mỹ.

Mỹ phản ứng như thế nào về Huawei và kỳ tích 5G của tập đoàn công nghệ này?

Thứ nhất, các quy định hiện hành yêu cầu bất kỳ công ty nào có ý định cung cấp cho Huawei công nghệ của Mỹ, vốn có mặt trong suốt hoạt động của SMIC, phải nhận được sự chấp thuận từ chính quyền Washington. Các nhà lập pháp Mỹ cho rằng nhà sản xuất chíp hàng đầu của Trung Quốc cần phải được điều tra vì không rõ liệu SMIC có giấy phép của Mỹ để cung cấp cho Huawei hay không.

Mỹ cho rằng SMIC đã vi phạm lệnh trừng phạt khi cung cấp linh kiện cho Huawei. Tại cuộc họp giao ban tại đại sứ quán Mỹ ở La Hay (Hà Lan) ngày 5/9 vừa qua, Hạ nghị sĩ Mỹ Michael McCaul cho biết: “Có vẻ như chắc chắn SMIC đã vi phạm các biện pháp trừng phạt. Công ty này tiếp tục cố gắng nắm lấy tài sản trí tuệ của chúng tôi”.

Mặt khác, Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban điều tra Hạ viện về Cạnh tranh với Trung Quốc cho rằng, đã đến lúc “chấm dứt tất cả hoạt động xuất khẩu công nghệ của Mỹ cho cả Huawei và SMIC để làm rõ bất kỳ công ty nào coi thường luật pháp Mỹ và phá hoại chính sách an ninh quốc gia sẽ bị loại khỏi công nghệ của chúng tôi”.

Các nhà lập pháp Mỹ cũng nhấn mạnh rằng, trong thực tế Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ (BIS) đã cấp giấy phép giá 23 tỷ USD cho các công ty Mỹ để bán công nghệ cho các công ty Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm ngoái là bằng chứng đủ để cho thấy chính phủ Mỹ có thể đã quá khoan dung trong vấn đề này.

Nhà sản xuất bán dẫn SK Hynix của Hàn Quốc bắt đầu điều tra

Bản phân tích của TechInsights cho thấy, Mate 60 Pro của Huawei sử dụng bộ nhớ flash LPDDR5 và NAND của SK Hynix. TechInsights lưu ý rằng trong khi các nhà cung cấp Trung Quốc gần như cung cấp hoàn toàn các thành phần của điện thoại thông minh thì phần cứng của SK Hynix là một ví dụ điển hình về nguyên liệu có nguồn gốc từ nước ngoài.

Sau tiết lộ đó, SK Hynix đã mở một cuộc điều tra liên quan đến việc sử dụng chíp của họ trong điện thoại mới nhất của Huawei. Một phát ngôn viên của công ty cho biết trong một tuyên bố với tờ Bloomberg News (Mỹ) rằng, SK Hynix không còn hợp tác với Huawei kể từ khi Mỹ đưa ra các hạn chế và về vấn đề này SK Hynix đã bắt đầu một cuộc điều tra để tìm hiểu thêm chi tiết. SK Hynix tuân thủ nghiêm ngặt các hạn chế xuất khẩu của chính phủ Mỹ.

Mặc dù vẫn chưa rõ bằng cách nào Huawei có thể mua được chíp nhớ từ SK Hynix, công ty sản xuất phần lớn chất bán dẫn tại các nhà máy ở Trung Quốc, nhưng có khả năng gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã khai thác kho dự trữ linh kiện mà họ tích lũy từ năm 2020 trước khi Mỹ áp đặt các biện pháp hạn chế thương mại.

Trung Quốc huy động khoảng 40 tỷ USD làm chíp bán dẫn cạnh tranh với Mỹ

Tại Trung Quốc, một Quỹ lớn bí mật (Big Fund) đã đóng vai trò là phương tiện chính để Bắc Kinh phân phối vốn cho các nhà sản xuất chíp của nước này trong 9 năm qua. Được thành lập vào năm 2014, Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp Trung Quốc hoạt động chủ yếu ở hậu trường và giữ kín các tiêu chuẩn đầu tư khỏi tầm nhìn của công chúng.

Nhưng dựa trên tất cả các thông tin công khai, hai quỹ đã được huy động với tổng trị giá 138,7 tỷ nhân dân tệ (19 tỷ USD) vào năm 2014 và 200 tỷ nhân dân tệ (27 tỷ USD) vào năm 2019.

Nhiều nguồn tin cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách huy động thêm nguồn vốn cho Big Fund, có thể là quỹ lớn nhất do nhà nước hậu thuẫn trong số ba quỹ được ra mắt cho đến nay, với số tiền huy động dự kiến khoảng 40 tỷ USD cho ngành chíp bán dẫn, trong bối cảnh nước này đang tăng cường nỗ lực bắt kịp Mỹ và các đối thủ khác.

Trích dẫn nguồn tin của mình, Reuters lưu ý rằng một lĩnh vực đầu tư chính sẽ là thiết bị sản xuất chíp, báo hiệu động thái hướng tới tự lực của Trung Quốc bất chấp các lệnh trừng phạt ngày càng tăng của Mỹ.

Nguồn tin của Reuters cũng cho rằng, quỹ mới đã được giới chức Trung Quốc phê duyệt trong những tháng gần đây. Bộ Tài chính Trung Quốc đang có kế hoạch đóng góp 60 tỉ nhân dân tệ (8,2 tỉ USD) cho quỹ này, còn các nguồn tài trợ khác vẫn chưa được xác định. Quá trình gây quỹ có thể sẽ mất vài tháng và hiện vẫn chưa rõ khi nào quỹ mới của Big Fund sẽ được triển khai hoặc kế hoạch thành lập quỹ mới có thay đổi thêm không.

Mới nhất

x
Sự ra đời chíp 5G tiên tiến của Trung Quốc có khiến Mỹ lo lắng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO