Sự vươn lên mạnh mẽ của 'thương hiệu' Nghệ An

30/12/2016 14:27

(Baonghean)- Điều thực sự mới mẻ, là dấu ấn riêng của năm 2016 - chính là sự phát triển của 'thương hiệu Nghệ An'.

Năm 2016 đã đi qua với nhiều sự kiện đáng chú ý trong và ngoài tỉnh. Là năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, những thành quả mà tỉnh ta đạt được trong năm vừa qua là những tín hiệu cho một chặng đường khởi sắc sắp tới cả về kinh tế và xã hội.

Lễ khánh thành và thông xe cầu đường bộ Yên Xuân bắc qua sông Lam ngày 3/9/2016. Ảnh tư liệu
Lễ khánh thành và thông xe cầu đường bộ Yên Xuân bắc qua sông Lam ngày 3/9/2016. Ảnh tư liệu

Kế thừa kết quả tích cực về xúc tiến đầu tư của năm 2015, năm qua tiếp tục là một năm thành công về thu hút đầu tư của tỉnh nhà. Trong năm 2016 đã cấp mới và điều chỉnh cho 120 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 30.955 tỷ đồng; có 6 dự án ODA mới được phê duyệt với tổng vốn đầu tư 657,21 tỷ đồng. Quy mô của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh cũng có sự tăng tiến rõ rệt khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước chọn Nghệ An làm nơi đứng chân. Bên cạnh một số cái tên sớm tạo được dấu ấn và chỗ đứng trên địa bàn như Tôn Hoa Sen, Massan, The Vissai, VSIP, TH,... những nhà đầu tư lần đầu tiên đến Nghệ An như Vingroup với Dự án Vinpearl Cửa Hội, hay Tập đoàn hàng đầu Thái Lan Hemaraj (chọn Nghệ An là điểm đến đầu tiên khi đặt chân đến Việt Nam) đều là những doanh nghiệp có sức ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế trong nước và khu vực.

Chế biến cá hộp ở nhà máy Royalfood (Khu kinh tế Đông Nam). Ảnh tư liệu
Chế biến cá hộp ở nhà máy Royalfood (Khu kinh tế Đông Nam). Ảnh tư liệu.

Ngoài ra, năm 2016 tiếp tục chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các dự án cỡ vừa và nhỏ của các nhà đầu tư có bề dày hoạt động trên địa bàn tỉnh, điển hình là Tập đoàn Mường Thanh với hàng loạt khách sạn 4, 5 sao, trung tâm thương mại và khu sinh thái nghỉ dưỡng được khai trương ở nhiều huyện, thành thị của Nghệ An trong năm qua. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, nên trong năm đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 1.874 doanh nghiệp, tăng 11,08% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy việc kinh doanh, phát triển của các nhà đầu tư tại Nghệ An diễn ra khá thuận lợi.

Bên cạnh những kết quả trong thu hút đầu tư, năm 2016 chúng ta vẫn tiếp tục dành sự quan tâm, chú trọng cho kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được xác định từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và tiếp tục được nhấn mạnh trong Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, với mục tiêu xây dựng giá đỡ vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bắt kịp và đáp ứng được những tiêu chuẩn tầm quốc gia, quốc tế. Cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới và việc dồn lực phát triển đô thị các loại, Nghệ An đã có sự “thay da đổi thịt” rõ rệt với hệ thống đường sá nội tỉnh đồng bộ hơn, kết nối được các vùng trung tâm đến vùng đặc thù.

Tới đây, khi chúng ta có những công trình liên tỉnh, thậm chí liên quốc gia như đường cao tốc Hà Nội - Thanh Thuỷ, đường Tây Nghệ An nối sang Lào và Đông Bắc Thái Lan, đường băng thứ 2 của sân bay quốc tế Vinh,... chắc chắn sức kết nối, hội nhập của Nghệ An sẽ vươn cao hơn nữa.

2.Thành phố Vinh đang vươn mình trở thành trung tâm Bắc Trung bộ.
Thành phố Vinh đang vươn mình trở thành trung tâm Bắc Trung bộ. Ảnh: Thành Cường.

Gần đây nói đến Nghệ An là phải nói đến tốc độ tăng trưởng (7,5%/năm 2016); là tỉnh thu ngân sách trên 10.000 tỷ đồng trở lên; là nói đến việc tập trung xây dựng nông thôn mới (149 xã đạt chuẩn nông thôn mới); là tốc độ xóa đói giảm nghèo.

Những thành quả nói trên tựu trung đều có sự kế thừa, tiếp nối từ nền tảng của năm 2015 và nhiệm kỳ trước của Đại hội Đảng bộ tỉnh. Điều tôi cho là thực sự mới mẻ, là dấu ấn riêng của năm 2016 - chính là sự phát triển của thương hiệu Nghệ An; con em Nghệ An học giỏi; thi đại học đạt điểm cao (điển hình là học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu); là 10 trung tâm của các tỉnh Bắc Trung bộ về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao. Trước đây, khi nhắc đến Nghệ An, bạn bè trong và ngoài nước thường chỉ mới nghĩ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh; Kim Liên, Nam Đàn hay biển Cửa Lò. Có nghĩa là sự hiểu biết của những người ngoài tỉnh về Nghệ An vẫn còn khá hạn chế, điều này một phần do trước đây chúng ta chưa đẩy mạnh việc quảng bá về tỉnh mình đến bạn bè ngoài tỉnh.

Trong khi đó, Nghệ An có thể ví như một đất nước Việt Nam thu nhỏ nhờ sự đa dạng về địa lý, tài nguyên thiên nhiên, di sản lịch sử và văn hoá. Chúng ta có nhiều thế mạnh, nhiều giá trị, tiềm năng chưa được phát huy triệt để và chưa được quảng bá đúng tầm - trong xu thế hội nhập hiện nay, nếu tiếp tục “bỏ quên” những tiềm năng vốn có đó thì thật đáng tiếc.

Nhận thức được giá trị của những tiềm năng, sản vật của Nghệ An, thời gian qua chúng ta đã đẩy mạnh và đổi mới cách thức quảng bá, xây dựng thương hiệu. Việc đầu tiên là nhận diện các sản phẩm có tiềm năng, đó có thể là những sản vật địa phương như Cam Vinh, nước mắm Vạn Phần, tương Nam Đàn, rươi Hưng Nguyên, các sản vật miền Tây (vịt bầu Quỳ, lợn nít, khoai sọ Kỳ Sơn, chanh leo Quế Phong, hương trầm Quỳ Châu,...). Bên cạnh đó, chúng ta cũng có không ít sản phẩm mang tính tinh thần, phi vật thể như các ngày lễ, hội văn hoá, tâm linh; dân ca, ví giặm; sự đa dạng về văn hoá, tộc người... đây đều là những tiềm năng lớn để phát triển du lịch - ngành công nghiệp không khói đang rất thịnh hành trên thế giới. Nhất là trong khu vực châu Á nói chung, Đông Nam Á nói riêng được nhận định là điểm đến ưa thích của khách du lịch toàn thế giới trong thời gian gần đây; đó là cơ hội vàng mà Nghệ An phải nắm bắt để phát huy triệt để lợi thế vốn có.

Bí thư Huyện ủy Con Cuông Nguyễn Đình Hùng (bên trái) trao đổi với các hộ dân về kỹ thuật chăm sóc cam cho năng suất hiệu quả cao.
Bí thư Huyện ủy Con Cuông Nguyễn Đình Hùng (bên trái) trao đổi với các hộ dân về kỹ thuật chăm sóc cam cho năng suất hiệu quả cao. Ảnh: P.V

Tuy nhiên, phải thừa nhận, các sản phẩm mang thương hiệu Nghệ An vẫn chưa tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, chưa được biết đến rộng rãi trong phạm vi quốc gia và khu vực. Đó là bởi chúng ta chưa xây dựng thương hiệu một cách chuyên nghiệp, chỉn chu mà hầu như mới chỉ dừng lại ở mức tự phát, sử dụng thương hiệu theo tư duy tiểu nông. Ví dụ như Cam Vinh, đáng lẽ ra phải có chỗ đứng lớn mạnh trên thị trường trong nước, bởi từ thế kỷ trước Cam Vinh đã được ghi nhận giá trị của nó. Thậm chí Cam Vinh từng có lúc được xuất khẩu sang nước ngoài.

Thế nhưng hiện nay, dù đã có chứng nhận chỉ dẫn địa lý, cây cam tại Nghệ An vẫn phát triển theo hướng tự phát, chưa có sự quản lý về mặt thương hiệu, quy trình sản xuất và tiêu thụ dẫn đến sự không đồng đều, thiếu nhất quán về chất lượng. Thậm chí có những vùng trồng cam không thuộc chỉ dẫn địa lý vẫn “nhận” là Cam Vinh, hoặc có người nhập cam từ các nguồn khác và treo biển Cam Vinh để nâng giá bán. Những việc làm như vậy có thể đem đến lợi ích rất nhỏ cho một số cá nhân, song lại gây ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu Cam Vinh, khiến người tiêu dùng đánh giá không đúng hay không nhận diện được thương hiệu này.

Mới đây, chúng ta tổ chức thành công Ngày hội hoa hướng dương tại huyện Nghĩa Đàn. Đây có thể xem là một ví dụ của quá trình xây dựng thương hiệu. Cánh đồng hoa hướng dương (thuộc sở hữu của Tập đoàn TH) mới được đưa vào khai thác phục vụ du lịch từ năm ngoái. Trước phản hồi tích cực của người dân và sự vào cuộc mạnh mẽ của truyền thông, đã tạo được tiếng vang tương đối tốt trong và ngoài tỉnh. Chỉ sau một “mùa” hoa, chúng ta đã chủ động lên phương án tổ chức các hoạt động gắn liền với đồng hoa hướng dương, các dịch vụ vệ tinh phục vụ nhu cầu khách du lịch để nâng cao giá trị kinh tế mà đồng hoa hướng dương mang lại. Về lâu dài, nếu chúng ta duy trì được những hoạt động này, sẽ tạo được một điểm du lịch mới ở miền Tây Nghệ An. Điều đáng nói là, đây sẽ là một điểm du lịch “nhân tạo” hoàn toàn, vậy thì không có lẽ gì những điểm du lịch tự nhiên vốn có của chúng ta lại không phát triển được.

Cảnh sắc quê hương. Ảnh: Hồ Long
Cảnh sắc quê hương. Ảnh: Hồ Long

Xu thế chung của thế giới (và Việt Nam cũng không ngoại lệ) hiện nay có thể kể đến trào lưu “khởi nghiệp” của các doanh nghiệp non trẻ. Trong đó, việc xây dựng và nhận diện thương hiệu được xem là một trong những mấu chốt để doanh nghiệp tồn tại trên thị trường cạnh tranh hội nhập nhiều cơ hội nhưng cũng rất khắc nghiệt. Nghệ An chúng ta cũng có thể xem là một “nhà khởi nghiệp” mới mẻ trong cuộc chạy đua hội nhập.

Với những lợi thế sẵn có và một nền tảng hạ tầng được quan tâm, chú trọng, nhiệm vụ quan trọng tiếp theo của chúng ta chính là xây dựng thương hiệu Nghệ An thật bền vững. Có như vậy, Nghệ An mới có thể vươn xa hơn, cao hơn, đạt đến mục tiêu trở thành tỉnh “đầu tàu” của khu vực Bắc miền Trung như Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đề ra.

Nguyễn Xuân Đường

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An

TIN LIÊN QUAN

Sự vươn lên mạnh mẽ của 'thương hiệu' Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO