Tăng cường kiểm tra, giám sát để phòng chống ngộ độc thực phẩm trong trường học

Thành Chung 14/05/2023 13:33

(Baonghean.vn) - Ngộ độc thực phẩm tại trường học có thể đến bất cứ lúc nào nếu công tác vệ sinh an toàn thực phẩm bị lơ là, không thực hiện tốt.

76 học sinh bị ngộ độc thực phẩm

Ngày 9/5, tại xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương đã xảy ra vụ ngộ độc tập thể, nạn nhân là 76 học sinh mầm non. Theo báo cáo điều tra của Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An: Trong buổi chiều 9/5, sau khi đi trải nghiệm trồng lúa về, 267/354 học sinh (từ 2 đến 5 tuổi) ở Trường Mầm non Thuận Sơn được ăn sữa chua do nhà trường tự ủ vào bữa ăn giữa chiều. Riêng trẻ 2 tuổi không ăn sữa chua.

Cấp cứu, điều trị cho trẻ bị ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Chi cục ATVSTPNA

Sau khi ăn, nhiều trẻ xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm như đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy... một số có sốt, mất nước. 19 trẻ có biểu hiện đã được đưa tới trạm y tế xã Thuận Sơn để chăm sóc, điều trị. 57 trẻ đã được phụ huynh đưa thẳng lên Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương cấp cứu. Tổng số trẻ phải vào cơ sở y tế điều trị là 76 người.

Ngay sau khi nhận được tin, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, lãnh đạo huyện Đô Lương đã có mặt động viên, chỉ đạo công tác điều trị và điều tra vụ việc. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lê – Phó Giám Sở Y tế Nghệ An cho biết: Sở đã yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Đô Lương khẩn trương chỉ đạo Trạm Y tế xã Thuận Sơn thực hiện cấp cứu, sơ cứu cho trẻ bị ngộ độc; với trường hợp nặng thì chuyển ngay lên Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương.

Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương khẩn trương huy động nhân lực, chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, bố trí đủ giường bệnh để đón nhận cấp cứu các cháu; liên hệ hội chẩn với tuyến trên; cử kíp cán bộ hỗ trợ Trạm Y tế; chuẩn bị sẵn sàng xe cấp cứu đưa đón bệnh nhân… Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An sẵn sàng nhân lực, thuốc men để tiếp nhận các ca nặng chuyển đến; sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, phương tiện hỗ trợ khi Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương có yêu cầu.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, Sở Y tế gặp gỡ, động viên trẻ và gia đình có trẻ bị ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Chi cục ATVSTP NA

Bác sĩ Lê Đức Hải – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương cho hay: Bệnh viện đã huy động 50 y, bác sĩ, điều dưỡng với trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế, tổ chức cấp cứu điều trị tích cực cho các bệnh nhân trong vụ ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, bệnh viện cũng đã tổ chức hội chẩn với Trung tâm hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An để xin ý kiến chỉ đạo và hướng xử trí… Đến trưa 10/5, tất cả trẻ bị ngộ độc đều đã hồi phục và được xuất viện trở về nhà.

Theo Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An: Nguyên nhân ngộ độc nghi nhiều do sữa chua. Nhận định này có cơ sở khi những trẻ không ăn sữa chua đều không bị ngộ độc. Sữa chua các cháu ăn do các cô nuôi tự chế biến (nguyên liệu làm sữa chua sử dụng sữa đặc, sữa chua và nước giếng khoan qua lọc) ủ từ 17h ngày 8/5 đến 15h30 ngày 9/5 đem ra để cho các cháu ăn. Trong quá trình chế biến, sữa chua được ủ và bảo quản ở nhiệt độ thường, không bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.

Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Nghệ An tiến hành lấy mẫu sữa chua mà các cháu đã ăn để làm xét nghiệm tìm nguyên nhân vụ ngộ độc. Ảnh: Chi cục ATVSTPNA

Kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại Trường Mầm non Thuận Sơn, cơ quan chức năng ghi nhận cơ sở cơ bản chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm như nơi chế biến sạch sẽ, đảm bảo tách biệt giữa các khu vực; thu gom rác thải hàng ngày, thùng rác có nắp đậy kín; có trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm đầy đủ, đảm bảo tách biệt giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín; nhân viên chế biến không mắc các bệnh truyền nhiễm… Một số tồn tại là việc thực hiện chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thực phẩm còn một vài bước chưa đúng quy định; chế biến, bảo quản sữa chua tự ủ chưa đảm bảo.

Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An đã tiến hành lấy 5 mẫu (gồm 1 mẫu sữa chua (mẫu thực phẩm) và 4 mẫu bệnh phẩm) gửi Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh thực phẩm quốc gia để xác định nguyên nhân cụ thể của vụ ngộ độc.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát

Vụ ngộ độc xảy ra tại Trường Mầm non Thuận Sơn tuy chưa gây ra hậu quả đáng tiếc, song cũng giống như các vụ ngộ độc xảy ra tại các trường học khác trong cả nước đã gây hoang mang cho người dân và phụ huynh học sinh. Trước đó, đã có 2 vụ việc khác khiến nhiều người lo sợ: Đó là vụ ngộ độc khiến 72 học sinh Trường Tiểu học Kim Giang (Quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) nhập viện và vụ phát hiện đỉa trong nước uống đóng bình ở Trường Mầm non Phong Thủy (huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình).

Bữa ăn trưa của trẻ ở Trường Mầm non. Ảnh: Thành Chung

Cụ thể, vào ngày 28/3/2023, Trường Tiểu học Kim Giang tổ chức cho học sinh khối lớp 1 và lớp 2 đi học tập ngoại khóa. Đồ ăn trưa cho học sinh được nấu tại trường và vận chuyển đến địa điểm trải nghiệm. Khi về đến trường, 72 học sinh có biểu hiện đau bụng, buồn nôn. Đến 16h cùng ngày, các học sinh bị ngộ độc đã được đưa đến các bệnh viện để điều trị. Rất may, không có trường hợp tử vong… Điều tra vụ ngộ độc, Sở Y tế Hà Nội cho biết: Nguyên nhân là do vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà có trong suất ăn.

Còn vụ việc phát hiện đỉa trong nước uống đóng bình ở Trường Mầm non Phong Thủy là do giáo viên của trường này phát hiện nên dùng điện thoại quay lại vào ngày 28/4/2023. Trước đó, vào ngày 25/4, nhà trường vừa nhận lượng lớn bình nước loại 20 lít từ Công ty cổ phần Nước khoáng Bang (có địa chỉ tại thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy) và cất vào kho. Khi đưa nước vừa nhập ra sử dụng thì giáo viên bất ngờ phát hiện có đỉa bên trong. Sự việc khiến những người chứng kiến, người xem video phải rùng mình… Với vụ việc này, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế Quảng Bình yêu cầu làm rõ.

Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An thực hiện giám sát tại bếp ăn Trường Mầm non Hưng Đạo (Hưng Nguyên). Ảnh: Thành Chung

Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, từ trước tới nay, các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể ở Nghệ An rất chú trọng quan tâm, chỉ đạo. Đặc biệt, với hoạt động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, trong đó có bếp ăn bán trú tại trường học. Các hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát, truyền thông thay đổi hành vi liên tục được các cấp, ngành tổ chức.

Trước thời điểm vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Mầm non Thuận Sơn xảy ra, liên ngành Giáo dục và Y tế đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, hướng dẫn tại các trường học. Ngành Giáo dục yêu cầu các trường phát huy vai trò của ban thanh tra nhân dân, ban kiểm tra nội bộ, phụ huynh học sinh của trường trong tham quan, giám sát việc thực hiện bữa ăn của học sinh để nhà trường thực hiện tốt hơn quy trình thực hiện bữa ăn học sinh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các cô giáo Trường Tiểu học Trung Đô (TP. Vinh) chia cơm cho học sinh. Ảnh: Tư liệu

Mới đây (ngày 4/5), Sở Y tế có Công văn số 1259/SYT-NVY về việc tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Vinh. Sở Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát, triển khai các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm nhằm phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Sự quan tâm là vậy nhưng ngộ độc thực phẩm vẫn cứ xảy ra. Rõ ràng vụ việc ngộ độc thực phẩm tại Trường Mầm non Thuận Sơn là hồi chuông cảnh tỉnh đến tất cả mọi người: Ngộ độc có thể xảy ra bất cứ ở đâu, bất cứ nơi nào nếu công tác đảm bảo an toàn thực phẩm bị lơ là và không được thực hiện tốt.

Các đầu bếp chuẩn bị bữa ăn trưa cho trẻ ở Trường Tiểu học Trung Đô, thành phố Vinh với sự giám sát của phụ huynh. Ảnh: Tư liệu

Phòng, chống ngộ độc thực phẩm, các huyện, thành, thị tăng cường đảm bảo công tác an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục có bếp ăn bán trú trên địa bàn; Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền đến tất cả các thôn, xóm và đến tận người dân, người lao động về việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn; giám sát các yếu tố nguy cơ ngộ độc để phát hiện sớm và triển khai kịp thời các biện pháp dự phòng ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng; chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Bác sĩ Phạm Ngọc Quy - Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Nghệ An

Bên cạnh đó, phụ huynh cần chủ động tham gia giám sát bữa ăn của học sinh, qua đó giúp cải thiện an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn. Khi có những dấu hiệu mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại trường học, phụ huynh học sinh cần kịp thời phản ánh đến Chi cục thông qua số điện thoại 02383.601.263 hoặc chính quyền địa phương để kịp thời chấn chỉnh và xử lý./.

Mới nhất
x
Tăng cường kiểm tra, giám sát để phòng chống ngộ độc thực phẩm trong trường học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO