Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Thăm những 'địa chỉ đỏ' ghi dấu phong trào Xô Viết

Nhóm PV-CTV 11/09/2020 08:38

Ở Nghệ An hiện có hàng chục di tích lịch sử gắn với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931). Mỗi di tích là một “địa chỉ đỏ” soi đường cho hậu thế tìm về phong trào đấu tranh cách mạng sôi nổi của người dân quê hương ngay từ khi mới thành lập Đảng.

Ảnh: Công Kiên
Ngã ba Bến Thủy là nơi ghi dấu sự kiện cuộc biểu tình lịch sử ngày 01 tháng 5 năm 1930, hơn 1.200 quần chúng công - nông đã kéo về Nhà máy Trường Thi biểu tình đòi tăng lương, giảm giờ làm, chia ruộng đất, giảm sưu thuế. Lần đầu tiên Cờ đỏ búa liềm tung bay trên đỉnh cột đèn Ngã ba Bến Thủy. Bọn địch đã đàn áp đẫm máu, làm chết 7 người, bị thương 18 người và hàng trăm người khác bị bắt. Ngã ba Bến Thủy trở thành địa danh lịch sử đặc biệt đánh dấu sự mở đầu cho Phong trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Công Kiên

Ảnh: Đức Anh
Đình Trung thuộc phường Hưng Dũng (thành phố Vinh) cũng là nơi diễn ra các hoạt động đấu tranh cách mạng của nhân dân ta trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Ngày 27/4/1930, Chi bộ Đảng đã vận động hơn 1.200 người dân làng Yên tập trung tại đây để tham gia biểu tình ngày 1/5/1930 nhằm chống sưu cao thuế nặng. Ảnh: Đức Anh


Ảnh: Đức Anh
Tháng 9/1930, mái đình rêu phong đã chứng kiến nhân dân trong vùng nổi dậy đấu tranh, buộc lý trưởng, hào mục nạp con dấu, sổ sách cho làng. Những người tổ chức mít tinh tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền Xô - viết Công Nông, trụ sở chính quyền Xô-Viết được đặt tại đình Trung. Ảnh: Đức Anh


Ảnh: Đức Anh
Nằm ở làng Châu Sơn, xã Châu Nhân (Hưng Nguyên), di tích Nhà cụ Hoàng Viện là nơi làm việc của Xứ ủy Trung Kỳ trong thời kỳ 1930 – 1931. Vào tháng 7/1930, tại đây, Chi bộ Phúc Mỹ được thành lập, phong trào cách mạng ngày càng lan tỏa, Xứ ủy Trung Kỳ chọn nơi đây làm cơ sở hoạt động, và chọn nhà cụ Hoàng Viện để làm nơi hội họp, làm việc và nuôi giấu cán bộ. Ảnh: Đức Anh


Ảnh: Đức Anh
Hiện tại, di tích Nhà cụ Hoàng Viện vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị, trong đó có những bài báo của Xứ ủy Trung Kỳ với nội dung cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Đức Anh
Ảnh: Công Kiên
Nói đến di tích gắn với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh phải kể đến Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh ở thị trấn Hưng Nguyên (huyện Hưng Nguyên). Đây là nơi ghi dấu cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Hưng Nguyên và các vùng phụ cận trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Đồng thời, cũng là nơi chứng kiến tội ác của thực dân và phong kiến. Vào sáng 12/9/1930, khoảng 8.000 nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng với vũ khí thô sơ, giương cao cờ đỏ búa liềm kéo về phủ lỵ Hưng Nguyên. Khi đoàn biểu tình vừa đến Thái Lão, thực dân Pháp cho máy bay ném bom vào giữa đám đông làm 217 người chết, 125 người bị thương và nhiều người bị bắt giam. Ảnh: Công Kiên

Ảnh: Công Kiên
Mộ các liệt sỹ hy sinh trong ngày 12/9 nằm rải rác giữa các gò đất, đến năm 1956 được cất bốc và xây thành ngôi mộ chung. Vào các ngày lễ, tết hàng năm, cán bộ và nhân dân Hưng Nguyên thường tổ chức dâng hoa, dâng hương, bày tỏ tấm lòng thành kính đối với các liệt sỹ đã hy sinh trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Công Kiên

Ảnh: Thành Cường
Ngược lên Nam Đàn có di tích đền Tán Sơn ở xã Xuân Hòa, đền được xây dựng trên đỉnh núi Tán, là nơi thờ vị thủy tổ họ Lê gốc Mạc - Phó Quốc Vương Mạc Đăng Lượng. Đền Tán Sơn đã gắn bó tuổi thơ và những hoạt động yêu nước của Lê Hồng Sơn tại quê nhà. Với vị trí kín đáo, linh thiêng, nên đền đã được chọn làm điểm hội họp, in ấn tài liệu của Đảng. Cũng là nơi thành lập Ban Chấp hành liên chi bộ tổng Xuân Liễu, là địa điểm tập trung quần chúng đi biểu tình, nơi làm việc của chính quyền Xô Viết trong những năm 1930 - 1931. Ngày nay, đền Tán Sơn và khu mộ đồng chí Lê Hồng Sơn trở thành nơi tưởng niệm của Đảng và nhân dân trong dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn. Ảnh: Thành Cường

Ảnh: Huy Thư
Ở thôn Diên Tràng, xã Thanh Phong (Thanh Chương) có di tích Nhà thờ họ Nguyễn Duy được Tỉnh ủy Nghệ An chọn làm cơ sở hoạt động trong thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh. Cạnh nhà thờ họ Nguyễn Duy, nhà thờ họ Nguyễn Ích cũng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy mượn làm nơi ấn loát tài liệu. Ảnh: Huy Thư


Ảnh: Huy Thư
Và gần nhà thờ họ Nguyễn Duy, Nguyễn Ích có một cây sui cổ thụ cao lớn đứng trên đỉnh đồi. Lúc bấy giờ, vị trí xung quanh cây sui còn khá rậm rạp, thân cây có nhiều hốc nên các đồng chí cán bộ cách mạng thường chọn làm nơi cất giấu tài liệu. Hễ có động tĩnh gì, dù đang làm việc, hội họp hay nghỉ ngơi, các đồng chí lập tức cầm tài liệu quan trọng ra lối sau, tìm đến gốc cây sui để cất giấu. Ảnh: Huy Thư

Thăm những 'địa chỉ đỏ' ghi dấu phong trào Xô Viết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cao Trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh