Tham vọng 'đô hộ' bóng đá châu Âu của Trung Quốc

16/08/2016 16:09

Lần lượt thâu tóm hàng loạt đội bóng lớn là một bước trong kế hoạch đưa bóng đá Trung Quốc lên hàng siêu cường vào năm 2050.

Năm 2014, Chính phủ Trung Quốc cho ban hành sắc lệnh cải cách ngành công nghiệp thể thao, với điểm đáng chú ý nhất là đặt ra mục tiêu đưa quốc gia đông dân nhất thế giới trở thành siêu cường bóng đá vào thập niên 2050. Các bước được chính Chủ tịch Tập Cận Bình vạch ra là giành quyền dự World Cup, đăng cai World Cup và vô địch World Cup.

Để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc đang dần tạo ảnh hưởng lên làng túc cầu nhờ tiềm lực của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Một mặt, các CLB Trung Quốc nâng cấp chất lượng giải VĐQG bằng cách chi ra hàng đống tiền thu hút ngôi sao toàn cầu.

Tất nhiên khác với cái cách các đội bóng Trung Đông chiêu mộ danh thủ hết thời, các đội bóng Trung Quốc chi rất nhiều tiền, thậm chí là số tiền không tưởng để có được sự phục vụ của những tài danh đương thời của làng túc cầu. Đáng kể như Hulk, Ramires, Alex Teixeira hay Jackson Martinez.

Mặt khác, doanh nghiệp Trung Quốc dùng tiền mua cổ phần hoặc thâu tóm hoàn toàn các đội bóng tên tuổi tại châu Âu. Tính đến nay, chân rết của các tài phiệt quốc gia này đã lan ra 12 CLB khác nhau trên toàn cõi châu Âu, chủ yếu tại các giải VĐQG hàng đầu như Ngoại hạng Anh, La Liga hay Serie A.

Milan đã không còn trong tay Berlusconi
Milan đã không còn trong tay Berlusconi

Điều đáng nói, việc bỏ tiền đầu tư bóng đá của các đại gia Trung Quốc hầu như không hy vọng gì có được lợi. Dù vậy, họ vẫn đầu tư mạnh tay vì nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ, kể cả vấn đề tài chính từ Chính phủ Trung Quốc. Và mục tiêu mà Chính phủ này nhắm đến là hình ảnh quốc gia và chính sách đối ngoại.

Thế mới có chuyện derby kinh điển thành Milan bây giờ phủ bóng Trung Hoa. Ngày 5/8 vừa qua, Sino-Europe Investment Management Changxing chi ra tận 740 triệu euro để mua lại gã khổng lồ AC Milan, chấm dứt triều đại kéo dài 3 thập niên của tỷ phú Silvio Berlusconi.

Sau AC Milan, đến lượt Inter Milan cũng bị các ông chủ Trung Quốc thâu tóm.
Sau AC Milan, đến lượt Inter Milan cũng bị các ông chủ Trung Quốc thâu tóm.

Chỉ một tháng sau, Inter Milan, đối thủ truyền kiếp của AC Milan cũng rơi nốt vào tay người Trung Quốc. Cụ thể, tập đoàn bán lẻ Suning đầu tư 270 triệu euro để mua 70% cổ phần, trở thành cổ đông lớn nhất nắm toàn quyền quyết định của CLB áo sọc xanh đen.

Nhưng không chỉ có thành Milan nói tiếng Trung Quốc, tại Tây Ban Nha, hàng loạt đội bóng tham dự La Liga cũng rơi vào tay các nhà tài phiệt đến từ quốc gia đông dân nhất thế giới. Một số cái tên tiêu biểu như Espanyol, Granada và đáng kể nhất là trường hợp của Atletico Madrid.

Tập đoàn Wanda đang tính chuyện cải tổ Champions League
Tập đoàn Wanda đang tính chuyện cải tổ Champions League

Vào tháng 1/2015, tập đoàn Wanda của tỷ phú Wang Jianlin đã mua lại 20% cổ phần đội bóng áo sọc đỏ trắng với giá 45 triệu euro, trở thành một trong 3 cổ đông lớn nhất. Sau đó, Wang Jianlin lập tức cho thấy tầm ảnh hưởng khi mở một học viện bóng đá Atletico tại quê nhà đồng thời hỗ trợ tài chính cho việc xây dựng La Peineta, sân vận động mới của Atletico.

Chưa dừng lại ở đây, Wang Jianlin đang tính chuyện cải tổ đấu trường Champions League bằng cách đề nghị các ông lớn tại châu Âu nhóm họp vào tháng 10. Trợ lực cho nhà tài phiệt này dĩ nhiên là những tỷ phú đồng hương đã thâu tóm các đội bóng tại châu Âu và mối quan hệ tốt đẹp từ FIFA. Được biết, Wanda đã ký một hợp đồng tài trợ cho cơ quan quyền lực nhất làng túc cầu đến tận năm 2030.

Cuối cùng, Wang Jianlin đang có tham vọng tổ chức một giải đấu cúp thường niên tại Trung Quốc, với sự tham dự của 4 (đang dự tính tăng lên 8) đội bóng châu Âu có cổ phần của các nhà tài phiệt quốc gia này. Với tiến trình như vậy, một ngày không xa, những ngôi sao sẽ chỉ ra sân với chiếc áo in chi chít ký tự Trung Quốc.

12 CLB CHÂU ÂU CÓ CỔ PHẦN HOẶC ÔNG CHỦ LÀ NGƯỜI TRUNG QUỐC

1. Manchester City: CMC-CITIC Capital giữ 13% cổ phần, mua với giá 400 triệu euro năm 2015.

2. West Bromwich Albion: Lai Guochan giữ 100% cổ phần, mua với giá 177 triệu euro vào năm 2016.

3. Aston Villa : Recon Group giữ 100% cổ phần, mua với giá 76 triệu euro vào năm 2016.

4. Wolverhampton: Fosun giữ 100% cổ phần, mua với giá 60 triệu euro vào năm 2016.

5. OGC Niza: NewCity Capital giữ 80% cổ phần, mua với giá 11 triệu euro vào năm 2016.

6. FC Sochaux-Montbéliard: Ledus giữ 100% cổ phần, mua với giá 7 triệu euro vào năm 2015.

7. Auxerre : ORG Packaging giữ 60% cổ phần, mua với giá 6 triệu euro vào năm 2016.

8. AC Milan: Sino giữ 100% cổ phần, mua với giá 740 triệu euro vào năm 2016.

9. Inter Milan: Haixia Capital giữ 70% cổ phần, mua với giá 270 triệu euro vào năm 2016.

10. Atletico Madrid: Wanda giữ 20% cổ phần, mua với giá 45 triệu euro vào năm 2016.

11. Espanyol: Rastar Group giữ 45,1% cổ phần, mua với giá 45 triệu euro vào năm 2016.

12. Granada: Desport giữ 100% cổ phần, mua với giá 37 triệu euro vào năm 2016.

Theo bongdaplus.vn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Tham vọng 'đô hộ' bóng đá châu Âu của Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO