Thanh Chương: Chú trọng đổi mới phong cách làm việc
(Baonghean) - Với quyết tâm tạo bước chuyển biến thật sự, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, các cấp ủy Đảng ở huyện Thanh Chương đã triển khai kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nghiêm túc và đề ra giải pháp khắc phục cụ thể.
Cán bộ huyện Thanh Chương khảo sát mô hình bưởi Diễn tại xã Thanh Liên. Ảnh: Mai Hoa |
Theo đồng chí Nguyễn Trọng Anh - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Chương: Nhận thức rõ, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có ý nghĩa rất quan trọng nhằm xây dựng tổ chức đảng ở các cấp trong sạch, vững mạnh và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng; Huyện ủy Thanh Chương đã tổ chức học tập, quán triệt và tiến hành kiểm điểm ở các cấp nghiêm túc với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, kết hợp giữa “xây” và “chống”, nhưng lấy “chống” là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách.
Với tinh thần đó, quá trình triển khai kiểm điểm được coi trọng từ khâu chuẩn bị. Ở cấp huyện, trên cơ sở giao các phòng, ban tự rà soát các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực được phân công liên quan đến kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, tuyên giáo, dân vận, tổ chức cán bộ, kiểm tra, dân vận...; những vấn đề hạn chế hoặc tồn đọng chưa giải quyết được Huyện ủy tổng hợp, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của cơ quan, tổ chức, ứng với trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể.
Khi đã chỉ ra được những tồn tại và soi vào 27 biểu hiện mà Nghị quyết Trung ương 4 để kiểm điểm nghiêm túc, trách nhiệm của từng tổ chức gắn với cá nhân cụ thể, không chung chung, hình thức.
Qua kiểm điểm, Đảng bộ huyện Thanh Chương có 10 biểu hiện, trong đó có 6 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị và 4 biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống. Trong tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy có 6 biểu hiện, trong đó có 4 biểu hiện suy thoái về chính trị và 2 biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống. Ở Đảng bộ và Ban Thường vụ Huyện ủy chưa có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. |
Với cách làm như vậy, triển khai kiểm điểm ở cấp ủy cơ sở, từng đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ và trưởng, phó các ban, ngành cấp huyện phụ trách cơ sở cũng rà soát, nắm chắc thực tiễn từng địa phương, cơ quan, đơn vị, từ đó định hướng và hướng dẫn các cơ sở xây dựng dự thảo báo cáo kiểm điểm cấp ủy sát và trúng.
Trực tiếp dự hội nghị kiểm điểm Ban Chấp hành Đảng bộ xã Thanh An, chúng tôi nhận thấy không khí kiểm điểm khá thẳng thắn, cởi mở và cầu thị. Vai trò của đồng chí Ban Thường vụ Huyện ủy với tư cách là tổ trưởng tổ công tác của Huyện ủy về trực tiếp chỉ đạo kiểm điểm ở cơ sở là người “dẫn chuyện”, phân tích, làm rõ những hạn chế, tồn tại đã, đang diễn ra ở địa phương chưa khắc phục được; trên cơ sở đó gợi ý để Ban Chấp hành cấp ủy kiểm điểm, nhận diện trúng các biểu hiện cụ thể trong 27 vấn đề được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4.
Đồng thời, trưởng, phó các phòng, ban cấp huyện - thành viên tổ công tác, cũng bổ sung và chỉ ra nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực của từng phòng, ban đang đặt ra trên địa bàn một cách thấu đáo, toàn diện hơn.
Đơn cử ở nội dung 6, nhóm 1, Ban chấp Đảng bộ xã cho rằng không có biểu hiện “nói không đi đôi với làm; nói một đằng, làm một nẻo, nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác”. Tuy nhiên, khi tổ công tác Huyện ủy chỉ ra việc thông qua Đại hội Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2015 - 2020 vừa qua, có đảng viên không được cấp ủy giới thiệu nhân sự bầu cử nhưng vẫn ra ứng cử; không được cấp ủy đồng ý về đề cử; hoặc có đảng viên đánh bạc bị khai trừ ra khỏi Đảng...; thì khi đó BCH Đảng bộ xã mới nhận thức và bổ sung vào báo cáo kiểm điểm để kiểm điểm.
Bí thư Đảng ủy xã, Nguyễn Danh Duyên, khẳng định: Trên cơ sở xác định rõ các biểu hiện suy thoái của tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ và từng đồng chí trong Ban Chấp hành nhận thức rõ hơn những vấn đề hạn chế, yếu kém của địa phương và thấy rõ hơn trách nhiệm cụ thể của mình trong từng vấn đề, lĩnh vực, nội dung mà mình phụ trách; từ đó đề ra các giải pháp khắc phục của tập thể và từng cá nhân.
Cán bộ xã Thanh Mỹ (Thanh Chương) tìm hiểu mô hình phát triển kinh tế hộ. Ảnh: Mai Hoa |
Còn ở Chi bộ Luân Phượng (xã Đồng Văn) có 47 đảng viên, trong đó tham gia sinh hoạt là 25 đảng viên. Đặc thù chi bộ có khoảng 2/3 đảng viên là cán bộ quân đội, công an, công chức, viên chức nghỉ hưu; đây chính là thế mạnh của chi bộ trong các kỳ sinh hoạt thường tinh thần đấu tranh, phê bình và tự phê bình thẳng thắn, trách nhiệm cao.
Tại hội nghị kiểm điểm Chi ủy, chi bộ và từng đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) vừa được tổ chức, những mặt tích cực cũng như hạn chế, tồn tại trong lãnh đạo phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao đời sống của nhân dân, xóa đói, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; việc vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; phát triển đảng viên..., đều được đưa ra phân tích, làm rõ.
Đồng chí Trần Đăng Giáp - Bí thư Chi bộ cho rằng: Tổ chức kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chi bộ đã “gom” được một số vấn đề thuộc về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; những vấn đề liên quan đến chất lượng lãnh đạo của Chi bộ trong công tác phát triển đảng viên, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi... Trên cơ sở đó, xác định rõ những việc cần tập trung khắc phục trước mắt, lâu dài và thường xuyên.
Đảng bộ Thanh Chương có 83 TCCSĐ trực thuộc và 766 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở. Đến thời điểm này, việc kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ở Thanh Chương đã hoàn thành ở cấp huyện và cơ sở (cấp cơ sở có một đơn vị được yêu cầu kiểm điểm lại do không đảm bảo chất lượng). Ở các chi bộ trực thuộc các Đảng bộ cơ sở, đã có 80% đơn vị kiểm điểm xong. |
Có thể khẳng định, tinh thần kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của cấp ủy các cấp ở Thanh Chương khá nghiêm túc, cầu thị, với phương châm nhìn thẳng, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh. Song điều quan trọng hơn là việc khắc phục những biểu hiện đã được chỉ ra tại hội nghị kiểm điểm Trung ương 4 (khóa XII).
Đối với xã Đồng Văn, theo đồng chí Trần Đình Túy - Bí thư Đảng ủy xã, trên cơ sở kiểm điểm, xác định rõ 10/27 biểu hiện suy thoái của đảng bộ và BCH Đảng bộ, Đảng ủy xã đã đề ra 6 giải pháp khắc phục, trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức và từng cá nhân trong công tác chỉ đạo, chủ trì tham mưu và phối hợp thực hiện. Đồng thời tùy theo tính chất, mức độ biểu hiện suy thoái, Đảng ủy cũng xác định rõ thời gian khắc phục cụ thể; có nội dung được chỉ đạo khắc phục ngay sau kiểm điểm, có nội dung được làm thường xuyên và lâu dài.
Đồng chí Đặng Anh Dũng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho rằng: Để khắc phục những nội dung được kiểm điểm, tạo ra bước chuyển toàn diện, mỗi cấp ủy đều phải xây dựng kế hoạch, lộ trình và phân công nhiệm vụ, gắn trách nhiệm cụ thể cho tập thể và cá nhân, cấp ủy cấp dưới (đối với Huyện ủy và Đảng ủy cơ sở) khắc phục những biểu hiện đã được chỉ ra tại hội nghị kiểm điểm Trung ương 4 (khóa XII).
Song song với đó là xây dựng chương trình, kế hoạch để phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Quá trình khắc phục hạn chế, khuyết điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, chú trọng đổi mới phong cách làm việc, bao quát, sâu sát hơn trong đội ngũ cán bộ, công chức từ huyện đến cơ sở, nhằm xử lý tốt các vụ việc phát sinh từ cơ sở.
Mai Hoa
TIN LIÊN QUAN |
---|