Thanh tra kiến nghị giao hồ sơ vụ MobiFone mua AVG cho cơ quan điều tra

Bá Đô - Nguyễn Hà 14/03/2018 20:10

Theo kết luận thanh tra, dự án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG là vụ việc kinh tế rất nghiêm trọng.

Chiều 14/3, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra toàn diện dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

Theo đó, nhận định đây là vụ việc kinh tế rất nghiêm trọng, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu thanh tra dự án trên để xem xét, khởi tố điều tra, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật...

Dự án có tổng mức đầu tư là 8.900 tỷ đồng

Thanh tra Chính phủ cho hay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và Thủ tướng, cơ quan này đã thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện dự án nêu trên, bao gồm tất cả các giai đoạn trong quá trình thực hiện dự án: Việc đề xuất đầu tư, lập dự án đầu tư; việc trình, phê duyệt dự án đầu tư; việc thực hiện dự án và hiệu quả đầu tư.

Dự án trên có tổng mức đầu tư là 8.900 tỷ đồng, theo quy định pháp luật thì Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư; Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có thẩm quyền xem xét, phê duyệt dự án đầu tư.

Dự án MobiFone mua 95% AVG có tổng mức đầu tư 8.900 tỷ đồng.

AVG liên tục lỗ

Kết luận thanh tra nêu rõ, qúa trình thực hiện dự án đầu tư, Mobifoneđã thiếu trách nhiệm và làm trái trong việc đề xuất dự án đầu tư, đặc biệt trong việc đánh giá tình hình tài chính, kinh doanh của Công ty AVG.

Thực trạng tài chính, hoạt động kinh doanh của AVG từ khi thành lập đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để mua bán cổ phần là rất khó khăn, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 31/3/2015 là rất xấu, tổng tài sản là hơn 3.260 tỷ đồng; nợ phải trả là trên 1.266 tỷ đồng; giá trị còn lại của tài sản cố định khoảng 208 tỷ đồng.

Từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá, AVG liên tục lỗ, số lỗ lũy kế đến 31/3/2015 là hơn 1.632 tỷ đồng (bằng 45% vốn điều lệ)...

Bên cạnh đó, AVG sử dụng vốn cho kinh doanh dịch vụ truyền hình chủ yếu là vốn vay và vốn chiếm dụng; vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn; đến 31/3/2015 đầu tư ra ngoài doanh nghiệp là hơn 2.659 tỷ đồng, chiếm 73,3% vốn điều lệ. Tuy nhiên, khi báo cáo đề xuất đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần AVG và lập dự án đầu tư trình Bộ TTTT phê duyệt, MobiFone đã báo cáo không trung thực, không đầy đủ, đánh giá không đúng thực trạng tài chính rất xấu của AVG, thậm chí còn đánh giá khả quan về tình hình tài chính, kinh doanh của AVG.

“Từ năm 2012 đến năm 2014 thì doanh thu AVG tăng, lợi nhuận gộp đang tăng dần (dù đến nay vẫn đang lỗ kế hoạch), các chỉ số đều thể hiện sự tăng trưởng”, kết luận thanh tra trích dẫn đánh giá của MobiFone. Theo Thanh tra Chính phủ, đánh giá này là vi phạm quy định về hành vi bị cấm trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trách nhiệm thuộc về HĐTV, Chủ tịch và thành viên HĐTV Mobifone.

Kết quả thẩm định giá trị AVG của các đơn vị tư vấn không khách quan

Cơ quan Thanh tra cũng kết luận, đơn vị này làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc lựa chọn tư vấn thẩm định giá; nghiệm thu kết quả thẩm định giá; việc sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán mua cổ phần AVG.

Cụ thể, Mobifone lựa chọn Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam (VCBS) và chuyển file hồ sơ yêu cầu cho đơn vị này trước khi phát hành hồ sơ yêu cầu, vi phạm hành vi bị cấm quy định tại Luật Đấu thầu.

Đơn vị này cũng lựa chọn Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX (AMAX) nhưng không thực hiện theo quy trình chỉ định thầu; trách nhiệm thuộc về Ban Phát triển mạng lưới, Ban Đầu tư, Tổ chuyên gia đánh giá hồ sơ đề xuất và Tổng giám đốc Mobifone. Cùng với đó, theo Thanh tra Chính phủ, kết quả thẩm định giá trị AVG của các đơn vị tư vấn không khách quan, không đảm bảo cơ sở pháp lý và độ tin cậy; vi phạm quy định các tiêu chuẩn thẩm định giá; giới hạn không đúng nhiều nội dung quan trọng.

Khi đàm phán giá mua cổ phần, Mobifone sử dụng kết quả thẩm định giá do AMAX xác định giá trị AVG là 16.565 tỷ đồng để đàm phám giá mua cổ phần mà không trừ các khoản nợ phải trả 1.134 tỷ đồng. Riêng việc làm này gây thiệt hại 1.134 tỷ đồng. Khi mua cổ phần AVG, MobiFone đã không loại 2 khoản đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình của AVG với tổng số tiền hơn 2.473 tỷ đồng là không đúng chỉ đạo của Bộ TTTT.

"Cố ý làm trái quy định"

Với kết luận Mobifone thiếu trách nhiệm, làm trái quy định trong việc lập, trình dự án đầu tư, Thanh tra Chính phủ cũng dẫn chứng chi tiết. Cụ thể, khi lựa chọn phương án đầu tư, Mobifone không khảo sát, không lựa chọn đơn vị chuyên kinh doanh dịch vụ truyền hình để tư vấn về phương án kinh doanh, không xây dựng phương án đầu tư mới để có so sánh.

Trong lập dự án đầu tư, Mobifone đã nhận thức rõ 2 vấn đề cốt lõi là giá mua cổ phần AVG và hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, những dự báo đưa ra về số lượng phát triển thuê bao truyền hình trả tiền, doanh thu, giá vốn, chi phí lãi vay, lợi nhuận… chủ yếu dựa trên các giả định, thiếu khả thi.

Việc đơn vị này sử dụng kết quả thẩm định giá trị AVG do AMAX thực hiện là 16.565 tỷ đồng làm căn cứ để đàm phán với cổ đông AVG về giá mua cổ phần, không có căn cứ so sánh. Tuy vậy khi lập dự án đầu tư, MobiFone vẫn đánh giá“phương án mua lại cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu là vượt trội hơn so với phương án Mobifone tự đầu tư”. Tiếp đó, đơn vị này vẫn lập, trình Bộ TTTT phê duyệt dự án.

Theo cơ quan Thanh tra, điều đó thể hiện sự thiếu trách nhiệm và cố ý làm trái quy định. Trách nhiệm thuộc về HĐTV, Ban Tổng giám đốc và các bộ phận liên quan của Mobifone.

Nguy cơ thiệt hại khoảng 7.006 tỷ đồng

Kết luận thanh tra nêu, Mobifone cũng vi phạm trong việc ký kết thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, việc thanh toán mua cổ phần và các chi phí liên quan đến dự án.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc Mobifone sử dụng 100% nguồn vốn chủ sở hữu để đầu tư dự án, không đúng với nội dung trong dự án đầu tư báo cáo Bộ TTTT (30% vốn chủ sở hữu, 70% vốn vay).

“Thời gian thanh toán hợp đồng chuyển nhượng cổ phần AVG là 19 ngày (từ ngày 28/12/2015 đến 15/01/2016) có biểu hiện không bình thường”, báo cáo Thanh tra nêu rõ.

Trong kết luận, Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm nêu trên của Mobifone nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỷ đồng.

Vi phạm của Bộ Thông tin và Truyền thông

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, Bộ TTTT với vai trò, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp và quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông, chịu trách nhiệm xem xét, quyết định phê duyệt dự án.

Tuy dự án đầu tư chưa được Thủ tướng quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng Bộ đã ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone.

Kết luận thanh tra đề cập đến 4 kênh tần số mà Bộ TTTT đã cấp cho AVG để thí điểm “Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng kỹ thuật số và phát triển hoạt động truyền hình giải trí kỹ thuật số trả tiền” liên kết với Đài phát thanh truyền hình tỉnh Bình Dương (được Thủ tướng đồng ý cho thực hiện thí điểm).

Theo quy định Luật Tần số vô tuyến điện, 4 kênh tần số này là tài nguyên quốc gia có giá trị thương mại cao; khi giao cho đơn vị sử dụng, khai thác phải được đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để thu tiền nộp ngân sách nhà nước, nhưng Bộ TTTT đã không thu hồi để tổ chức đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng mà đã đề nghị Thủ tướng “cho phép Mobifone được tiếp tục sử dụng 44 kênh tần số đã cấp cho AVG để phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình và viễn thông”.

Mặc dù chưa được Thủ tướng đồng ý nhưng Bộ này đã cho Mobifone tiếp tục sử dụng 4 kênh tần số này là vi phạm quy định Luật Tần số vô tuyến điện.

Do không đấu giá và chưa có giám định giá trị nên không xác định được thiệt hại (theo thẩm định giá của AMAX, 4 kênh tần số có giá trị là trên 112 triệu USD tương đương 2.429 tỷ đồng).

Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, giá mua 95% cổ phần AVG và hiệu quả đầu tư là 2 yếu tố trọng yếu, trong báo cáo thẩm định dự án và các văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, mặc dù Bộ TTTT còn băn khoăn, đã nhiều lần đề nghị được trợ giúp, tuy chưa được làm rõ, nhưng Bộ này vẫn trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và đã quyết định phê duyệt dự án đầu tư.

Từ những kết luận trên, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, Bộ TTTT đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định Dự án; phê duyệt dự án đầu tư không đảm bảo căn cứ pháp lý, vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước, cần phải được xem xét, hủy bỏ.

Việc Mobifone nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG không thuộc lĩnh vực bí mật Nhà nước nhưng Bộ TTTT đã có văn bản đề nghị Bộ Công an cho ý kiến và đã đưa giao dịch này thuộc danh mục Mật là không đúng quy định.

Bộ TTTT đề nghị Bộ Công an có ý kiến về nhiều nội dung không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an, thậm chí thuộc lĩnh vực của các Bộ quản lý chuyên ngành (về chủ trương đầu tư, trình tự, thủ tục đầu tư; về vấn đề giá mua cổ phần, hiệu quả đầu tư của dự án…) để xin ý kiến của Bộ Công an là không đúng quy định của pháp luật.

Vì vậy, Bộ TTTT không thể căn cứ vào ý kiến của Bộ Công an để cho rằng mình đã tuân thủ đúng hướng dẫn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Khi Thanh tra Chính phủ có văn bản đề nghị Bộ TTTT xem xét, quyết định theo thẩm quyền được pháp luật quy định về việc giải mật hoặc tiếp tục bảo mật, Bộ TTTT đã không thực hiện, đồng thời đề nghị Thanh tra Chính phủ báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng là không đúng quy định.

Theo vnexpress.net
Copy Link

Mới nhất

x
Thanh tra kiến nghị giao hồ sơ vụ MobiFone mua AVG cho cơ quan điều tra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO