Thấy gì sau chu kỳ thành công của bóng đá Việt

Bùi Hoa 27/03/2023 16:54

(Baonghean.vn)- 5 năm qua (2017-2022) được xem là chu kỳ thành công của bóng đá Việt Nam dưới thời ông thầy người Hàn Quốc Park Hang-seo.

Chu kỳ mới với ông thầy người Pháp Phillippe Troussier bắt đầu từ năm 2023 với mục tiêu cao hơn, tham vọng cao hơn trên cơ sở nền tảng vững chắc từ thành công trước để lại và thời cơ mới xuất hiện khi World Cup thi đấu với 48 đội tuyển.

Với điểm xuất phát đó, bóng đá Việt Nam được đặt vào “bệ phóng” với ông thầy từng đưa nhiều đội bóng đến World Cup, từng có thời gian làm bóng đá trẻ Việt Nam, có thực tiễn cụ thể và có tham vọng cho tương lai để bắt đầu một chu kỳ mới, một tầm nhìn mới. Không ai giấu diếm mục tiêu, tham vọng, khát vọng đến World Cup, kể cả ông thầy mới, kể cả lứa học trò U20 vừa thi đấu khá hay ở giải châu lục. Một “mô hình” đội tuyển Việt Nam hướng tới World Cup được hình thành gồm 60% những tuyển thủ xuất sắc của “chu kỳ thành công” trước đây được giữ lại làm nòng cốt, 20% lứa U23 và U20 xuất sắc hiện tại và 20% tuyển chọn từ V-League và giải hạng Nhất. Lối chơi cũng sẽ được định hình lại so với truyền thống.

U23 Việt Nam gây thất vọng trong giải đấu đầu tiên dưới thời HLV Troussier. Ảnh: VFF

Những gì ông Park Hang-seo trước đây “chạm ngưỡng” như khoảng cách quá lớn với các đội bóng hàng đầu châu lục sau vòng loại thứ 3 World Cup, như việc không thể vượt qua Thái Lan ở khu vực… sẽ được tập trung giải quyết, bắt đầu từ lứa U23 ở SEA Games tới đây, rồi tiếp tục là các chiến dịch của Đội tuyển Việt Nam.

Nhưng xem ra, ngay từ những bước đi đầu tiên trong “chu kỳ thành công mới” với ông thầy mới, bóng đá Việt Nam ngay lập tức đã gặp phải những ngọn núi cao, không dễ gì vượt qua. Việc người ta áp dụng lại mô hình một nhà cầm quân “cầm” cả U23 lẫn đội tuyển quốc gia từng thành công với ông Park Hang-seo ở Việt Nam (nhưng không thành công với ông Polking ở Thái Lan, ông Shin Tae-yong ở Indonesia) dẫn đến một việc chưa có tiền lệ là vào dịp FIFA Day này, Đội tuyển Việt Nam không tập trung, thi đấu giao hữu hay chính thức, bởi ông thầy còn bận dẫn dắt U23 thi đấu giao hữu ở Doha Cup?

Không thể nói là cần lo cho U23 sát sườn hơn, gần ngày thi đấu ở SEA Games hơn, còn Đội tuyển Việt Nam mãi tới cuối năm nay mới bắt đầu thi đấu vòng loại thứ nhất World Cup nên không tập trung (mà nghỉ thi đấu do cả V-League cũng đang tạm nghỉ) cũng không hề hấn gì? Vậy, tất cả các đội tuyển trên thế giới vừa tập trung để đá giao hữu, trong đó có các đội tuyển khu vực, đá vòng loại EURO… là phí phạm, là không cần thiết?

Điều đáng nói, đáng buồn là trong khi “mơ” World Cup cháy bỏng thì bóng đá Việt Nam vẫn chưa định hình, hay nói khác đi là vẫn loay hoay đi tìm một lối chơi, một triết lý tùy theo các ông thầy ngoại. Vậy nên mới có chuyện các đội tuyển thường tập trung rất lâu ngày, mỗi lần tập trung là học lại từ đầu, làm lại từ gốc cho từng tuyển thủ. Chuyện hài hước là chính đội trưởng Đội tuyển Việt Nam Hùng Dũng mới đây thừa nhận “đàn anh không lợi thế bằng đàn em, khi họ còn là tờ giấy trắng khi lên tuyển dưới thời ông Troussier”? Chuyện cũng nói mãi mà không chán là U23 mới đây thua tan nát ở Doha Cup là bởi mới làm quen với thầy, chưa kịp thích ứng với thầy, nên thi đấu lúng túng, sợ sai, sợ bị loại thải. Ông thầy thì dù thua vẫn kiên quyết định hướng của mình, cầu thủ đá thua thì buồn bã nhưng đá theo sở trường, thói quen là không thể, là… tự sát?

HLV Troussier sẽ có nhiều việc phải làm với U23 Việt Nam nếu muốn đạt mục tiêu vào chung kết SEA Games 32. Ảnh: VFF

Tất nhiên, sẽ không có ông thầy nào lặp lại người khác, bản sao của người khác nhưng đội bóng thì cũng không thể là bản sao, là áp dụng máy móc từ người khác, thành công khác? Nhất thiết phải có một “trụ”, một hệ thống riêng của từng đội bóng được hình thành trên cơ sở tài năng cá nhân, cộng đồng sức mạnh của cả đội bóng mà nên. Khen ông thầy mới cụ thể, tỉ mỉ là một chuyện. Nhưng việc ông dỡ ra làm lại, làm từ đầu một đội bóng, thực ra chỉ mang lại nỗi lo, nỗi buồn nhiều hơn. Bài học thành công từ cách làm của ông Calistore, ông Park Hang-seo… rõ ràng vẫn có giá trị tham khảo hiện nay và sau này khi họ lần lượt biết cách quật ngã và vượt lên trước người Thái hùng mạnh?

Mấy ngày gần đây, người hâm mộ thể thao rất vui bởi các môn như bóng chuyền, cầu lông, futsal, bóng rổ… đang có những bước tiến về chuyên nghiệp, chất lượng, thu hút đông đảo công chúng gần xa. Nhưng bên cạnh đó, lại có những bước lùi đáng tiếc về việc không áp dụng công nghệ ở giải cầu lông Ciputra Hà Nội, Cup bóng chuyền Hùng Vương, để rồi diễn ra những hành vi nghiệp dư của trọng tài, khiến dư luận nổi sóng vô cùng đáng tiếc, đáng buồn. Môn thể thao vua-bóng đá cũng đang đi những bước hồ hởi, nhưng kết quả đáng thất vọng của U23 tại Doha Cup và Đội tuyển Việt Nam không tập trung đang khiến cho mọi việc trở nên đáng lo hơn bao giờ hết?

Thất bại là thất bại, thất bại thì đứng dậy và bắt đầu lại, đừng đổ lỗi, ve vuốt cho bất cứ nguyên nhân khách quan, chủ quan nào? Không có đối thủ nào đứng yên hoặc đi thụt lùi để chúng ta vượt lên dễ dàng. Không phải ngẫu nhiên mà nỗi lo từ Thái Lan, thậm chí từ Campuchia đang tăng lên từng ngày với bóng đá Việt?

Để thấy sau “chu kỳ thành công” vang dội và không thể thành công hơn nữa của thời Park Hang-seo, một “chu kỳ” thành công mới hay thất bại là điều không thể nói trước, bàn trước. Những liều thuốc thử mạnh từ Doha Cup đang ngay lập tức chứng minh điều đó?

Mới nhất
x
Thấy gì sau chu kỳ thành công của bóng đá Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO