Thế khó của châu Âu khi siết trừng phạt Nga

Thanh Tâm 17/07/2022 07:55

EU muốn cùng các đồng minh tăng sức ép trừng phạt để buộc Nga dừng chiến dịch ở Ukraine, nhưng nỗi lo kinh tế cản trở nỗ lực của họ.

Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ 7 với Moskva, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu vàng Nga và các biện pháp nhằm bịt kín những lỗ hổng trong các gói trừng phạt cũ. Các nước thành viên EU nhiều khả năng thông qua gói trừng phạt mới vào giữa tuần tới, theo một số nhà ngoại giao của khối.

Nhưng giới quan sát cho rằng điều đáng chú ý nhất trong gói trừng phạt mới của EU là những gì nó không có. Vòng trừng phạt này không cấm nhập khẩu khí đốt và cũng không có các biện pháp trừng phạt bổ sung với dầu Nga.

Gói trừng phạt này chắc chắn gây ra một số tác động với Nga, nhưng phạm vi hạn hẹp của nó phản ánh nỗi lo ngày càng lớn của EU về cách đối phó với Nga mà không gây căng thẳng lớn hơn cho chính nền kinh tế của khối, theo Emily Rauhala và Quentin Aries, hai nhà phân tích của Washington Post.

Bất chấp những đòn trừng phạt liên tiếp từ phương Tây trong gần 5 tháng qua, Nga vẫn tiếp tục thu về hàng tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng, trong khi chiến dịch quân sự ở miền Đông Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc.

Xung đột đã phủ bóng lên các nền kinh tế EU, khiến lạm phát tăng kỷ lục, đồng euro lần đầu ngang giá với USD sau hai thập kỷ. Dù giới chức EU nhấn mạnh vẫn đoàn kết trong lập trường về UKraine, lãnh đạo các nước thành viên trong khối dường như ít có xu hướng hành động tập thể và ngày càng tập trung vào các vấn đề trong nước. Điều này làm dấy lên nhiều hoài nghi về tương lai nỗ lực hỗ trợ Ukraine của châu Âu.

Hai tháng sau khi Ủy ban châu Âu đề xuất gói hỗ trợ tài chính 9 tỷ USD cho Kiev, khối tới nay mới bật đèn xanh để giải ngân khoảng một tỷ USD.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 15/6 nói các biện pháp trừng phạt mới nhất sẽ đảm bảo Nga tiếp tục "phải trả giá đắt" cho chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý rằng ít nhất đến nay Nga vẫn đủ sức chịu đựng chi phí này.

"Ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt có lẽ không quá nghiêm trọng như dự tính ban đầu. Nga có một đường tránh hoàn hảo là xuất khẩu năng lượng", Clay Lowery, phó chủ tịch Viện Tài chính Quốc tế có trụ sở ở Washington, Mỹ, chia sẻ.

Cờ Liên minh châu Âu tại trụ sở ở Brussels, Bỉ. Ảnh: Reuters.

Ngay sau khi Nga mở chiến dịch hôm 24/2, EU đã nhanh chóng nhắm vào kho tiền của Moskva thông qua các biện pháp trừng phạt sâu rộng. 6 gói trừng phạt đã được đưa ra, bao gồm đóng băng tài sản và cấm thị thực với một số nhà tài phiệt cùng quan chức Nga, kiểm soát xuất khẩu, đóng băng tài sản ngân hàng trung ương, loại Nga khỏi hệ thống giao dịch SWIFT, cũng như lệnh cấm nhập khẩu dầu và than của Nga.

Nhưng châu Âu, nơi đã nhập khẩu khoảng 40% khí đốt và hơn 25% dầu từ Nga trong năm 2021, đã không thể theo kịp Mỹ trong nỗ lực cắt giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga.

Các thành viên EU phải mất nhiều tuần tranh luận gay gắt mới đạt được thỏa thuận dần loại bỏ nhập khẩu dầu Nga. Để đi đến quyết định này, khối đã phải chấp thuận yêu cầu gia hạn thời gian đối với một số nước phụ thuộc lớn vào dầu Nga, trong đó có Hungary.

Về khí đốt, EU chưa thể đạt được bước tiến xa hơn so với hồi tháng 3, khi khối đồng ý cắt giảm khoảng 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong năm nay. Moskva sau đó đe dọa cắt hoàn toàn dòng khí đốt sang châu Âu, khiến các nước phải chạy đua tìm nguồn cung thay thế và chuẩn bị đối mặt một mùa đông khó khăn.

Nga trong khi đó tiếp tục hưởng lợi từ giá năng lượng tăng vọt. Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch ở Helsinki ước tính Moskva kiếm được khoảng 100 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng trong 100 ngày đầu xung đột, trong đó 60% đến từ EU.

Để hạn chế doanh thu năng lượng của Nga, Mỹ đã thúc đẩy ý tưởng áp trần giá dầu Nga trên toàn cầu. Dù vậy, các nhà ngoại giao EU cho biết vấn đề này không thể được khối thảo luận một cách nghiêm túc trước kỳ nghỉ hè. Một quan chức EU giấu tên cho biết các cuộc tranh luận nảy lửa của khối về loại bỏ dầu Nga đang khiến nhiều nước lo lắng về ý tưởng tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào về áp trần giá dầu của Moskva.

Paolo Gentiloni, Ủy viên kinh tế châu Âu, tuần này cho biết ủy ban đang xem xét đề xuất áp trần giá dầu, nhưng các biện pháp như vậy sẽ chỉ được xem xét "trong những kịch bản tương lai bất thường".

Hiện tại, EU tập trung vào thực thi và củng cố các biện pháp trừng phạt năng lượng đã áp với Nga, trong đó có làm rõ một số điều khoản, thay vì xem xét đề xuất mới nhằm siết trừng phạt Moskva.

Ngoài lệnh cấm nhập khẩu vàng từ Nga, gói đề xuất mới sẽ thêm một số người vào danh sách trừng phạt, củng cố hạn chế xuất khẩu công nghệ tiên tiến sang Nga, đồng thời khiến các biện pháp trừng phạt của EU đồng điệu hơn với các gói trừng phạt của những đối tác khác.

Gói trừng phạt mới cũng "tái khẳng định EU không nhắm vào các hoạt động giao dịch nông sản giữa các nước thứ ba và Nga", nhằm bác bỏ tuyên bố của Moskva rằng lệnh trừng phạt của EU khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt.

Một quan chức EU nói các điều chỉnh mới sẽ giúp các lệnh trừng phạt đã có của khối có thêm sức mạnh, đặc biệt là trong trung và dài hạn.

"Chúng tôi thấy các biện pháp đã được áp dụng đang làm suy yếu nền kinh tế Nga trong ngắn hạn và chắc chắn chúng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả. Tôi hy vọng EU có thể thể hiện được quyết tâm thực hiện các biện pháp trừng phạt", quan chức này nói.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng những nỗ lực củng cố lệnh trừng phạt của EU là chưa đủ, khi chưa đánh thẳng vào nguồn thu chính của Nga: năng lượng.

"Chúng tôi đã đạt tới giới hạn rõ ràng rằng các biện pháp trừng phạt có thể gây tổn hại cho nền kinh tế châu Âu nhiều hơn của Nga. Khi nhận ra điều đó, chúng tôi phải suy nghĩ lại chiến lược của mình", Balazs Orban, một trợ lý cấp cao của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, nói bên lề một hội nghị vào tháng 6.

Theo vnexpress.net
Copy Link
Mới nhất
x
Thế khó của châu Âu khi siết trừng phạt Nga
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO