Thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ trong mối quan hệ với Saudi Arabia

Lan Hạ 20/11/2018 15:41

(Baonghean.vn) - Vụ Saudi Arabia ám sát nhà báo Jamal Khashoggi đặt Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tình thế khó khăn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại phòng bầu dục ở Nhà Trắng. Ảnh: AP

Liệu rằng ông Trump duy trì một đồng minh thân thiết của Mỹ và chấp nhận bất kỳ điều gì Riyadh nói về vụ sát hại? Hay ông ấy đối mặt với nguy cơ rạn nứt và ủng hộ kết luận của Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) rằng Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, lãnh đạo trên thực tế của Vương quốc Arab này, ra lệnh giết hại nhà báo Khashoggi?

Thời gian qua, với việc chịu áp lực từ quốc tế, công tố viên Saudi Arabia đã công bố việc bắt giữ 21 nghi can và buộc tội 11 đối tượng, cho biết 5 đối tượng có thể chịu mức án tử hình.

Cùng lúc đó, Washington công bố áp đòn trừng phạt đối với 17 công dân Saudi Arabia với cáo buộc dính líu vụ sát hại nhà báo Khashoggi, trong đó có 2 nhân vật thân cận với Thái tử Mohammed.

Cả hai bên đều chưa nêu đích danh chủ mưu vụ việc. Tuy nhiên, theo tờ Washington Post và New York Times, CIA chắc chắn chính là Thái tử Mohammed ra lệnh. Điều này đẩy Tổng thống Trump vào tình thế rắc rối.

Ông chủ Nhà Trắng đã thiết lập một liên minh sâu sắc với Riyadh do cùng có quan điểm phản đối Iran và có chung mục tiêu duy trì giá dầu toàn cầu ổn định. Con rể của Tổng thống Trump, Jared Kushner, cũng có mối quan hệ khăng khít với Thái tử Mohammed.

Chính vì lý do đó, cho tới nay Tổng thống Trump không muốn chỉ trích trực tiếp Thái tử Mohammed trong vụ sát hại gây rúng động dư luận trên, tuyên bố ông chưa được thấy bằng chứng. Ông cho biết ông mới chỉ được nghe tóm tắt về kết luận của CIA trong vụ việc.

“Tổng thống Trump chỉ có hai lựa chọn. Ông ấy có thể đồng ý với kết quả đánh giá của cơ quan tình báo và nhất trí với những gì Quốc hội muốn làm, có nghĩa là về mặt công khai hoặc cá nhân, Mỹ sẽ không còn làm việc với Thái tử Mohammed. Hoặc, ông ấy có thể phản đối mọi thứ và cố bảo vệ mối quan hệ của Nhà Trắng với Thái tử Saudi Arabia”.

Chuyên gia Michele Dunne nghiên cứu Trung Đông tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie

Theo chuyên gia này, cả hai phương án đều tiềm ẩn nguy cơ cao. Theo bà Dunne, việc cắt đứt quan hệ với con trai của Quốc vương Salman bin Abdulaziz al Saud là một bước đi quá khích, song không có nghĩa cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao, bởi Saudi Arabia không phải là Thái tử Mohammed và ngược lại.

Tuy nhiên, động thái này sẽ có thể thay đổi hệ thống cấp bậc trong Hoàng gia Saudi Arabia, với kết quả khó đoán định cho mối quan hệ giữa Riyadh và Washington.

Vụ Saudi Arabia ám sát nhà báo Jamal Khashoggi đặt Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tình thế khó khăn. Ảnh: Getty
Vụ Saudi Arabia ám sát nhà báo Jamal Khashoggi đặt Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tình thế khó khăn. Ảnh: Getty

Mặt khác, nếu Tổng thống Trump không chỉ trích Thái tử Mohammed, thì Quốc hội Mỹ có thể đưa ra hành động, vốn sẽ hủy hoại quan hệ song phương, ví dụ như đóng băng thương vụ bán vũ khí cho quốc gia Trung Đông này.

Trong khi đó, chuyên gia Suzanne Maloney từ viện nghiên cứu Brookings cho rằng, thái độ nước đôi hiện nay của ông Trump cũng gây rủi ro cho quan hệ song phương, song kể cả một lời cáo buộc công khai trực diện cũng không hiệu quả. Theo chuyên gia này, phương án tối ưu nhất là đưa ra quan điểm rõ ràng “phía sau hậu trường”, rằng Saudi Arabia đã đi quá xa./.

Theo Theo AFP
Copy Link
Mới nhất
x
Thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ trong mối quan hệ với Saudi Arabia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO