Thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp
(Baonghean) - Qua gần 5 năm triển khai, chính sách chi trả DVMTR đã được khẳng định là hướng đi đúng đắn, từng bước đi vào cuộc sống, tạo nên một nguồn lực tài chính mới ngoài ngân sách, mang tính ổn định, bền vững, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Qua đó, góp phần tạo ra nhiều việc làm, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng và đồng bào các dân tộc ở các vùng miền núi.
Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng thường xuyên bám sát kế hoạch, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của các cơ quan cấp trên, triển khai nhiều biện pháp mở rộng nguồn thu, tăng cường đôn đốc, ký hợp đồng ủy thác kê khai và nộp tiền DVMTR về quỹ (đến hết 31/12/2015 các cơ sở sử dụng DVMTR trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã kê khai và nộp tiền đầy đủ về quỹ, không còn nợ đọng).
Đây là tín hiệu tích cực, thể hiện nghĩa vụ trách nhiệm của các cơ sở sử dụng DVMTR trong việc thực hiện chính sách của nhà nước. Việc đàm phán ký kết hợp đồng ủy thác đối với các cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng (đang hoạt động) trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã hoàn thành.
Cụ thể: Quỹ BVPTR đã trực tiếp ký hợp đồng ủy thác với 15 cơ sở sử dụng DVMTR, trong đó: 10 cơ sở sản xuất thủy điện và 5 cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch. Bên cạnh đó, Quỹ BVPTR thường xuyên rà soát để mở rộng nguồn thu, đặc biệt là các cơ sở sử dụng DVMTR đang triển khai xây dựng để tuyên truyền và đàm phán ký hợp đồng ủy thác khi các cơ sở đó đi vào hoạt động.
Người dân Nậm Nhóng (Quế Phong) vui mừng nhận giống cây keo lai để phủ xanh đất trống đồi trọc. |
Kết quả huy động các nguồn thu tăng đều qua các năm. Tổng thu lũy kế đến 31/12/2015 là 240.998 triệu đồng (chiếm 5% của cả nước). Đến ngày 30/4/2016, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đã giải ngân 174.098 triệu đồng.
Tuy nhiên sau 5 năm thực hiện, chính sách chi trả DVMTR tại Nghệ An mới có 2 nhóm đối tượng thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, bao gồm: các cơ sở sản xuất thủy điện và các cơ sở sản xuất, cung ứng nước sạch. Nhiều cơ sở sản xuất, nhất là sản xuất công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn sử dụng nguồn nước trực tiếp vẫn chưa thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Điều này đang gây ra bất hợp lý trong thực hiện chính sách và thiếu bình đẳng trong các cơ sở sản xuất có dùng nguồn nước trên địa bàn.
Để góp phần tạo sự phát triển bền vững, thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường nguồn lực tài chính cho các địa phương trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách chi trả DVMTR, ngày 27/6/2016, Bộ NN & PTNT đã có văn bản chỉ đạo triển khai việc nghiên cứu, áp dụng chính sách chi trả DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước đã được quy định tại Nghị định số 99/2010 của Chính phủ.
Công nhân vận hành máy cắt định hình dây chuyền gỗ ván thanh tại Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An |
Căn cứ các quy định của pháp luật và Công văn số 5337/BNN-TCLN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 13/10/2016 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Tờ trình đề nghị UBND tỉnh phê duyệt đề cương nhiệm vụ, báo cáo, nghiên cứu thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước trực tiếp.
Với mục tiêu: Nghiên cứu, xây dựng và đề xuất được cơ chế chi trả DVMTR trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp (SXCN) trên địa bàn tỉnh Nghệ An trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch thực hiện thí điểm chi trả DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước góp phần thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả DVMTR.
Theo đó, UBND tỉnh sẽ thành lập nhóm tư vấn giao các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện. Trong đó Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng phối hợp nhóm tư vấn và các sở, ban ngành liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng báo cáo kỹ thuật gồm các nội dung: Tổng quan về chi trả DVMTR trong SXCN như tiềm năng và tính khả thi của việc thực thi chính sách chi trả DVMTR trong lĩnh vực SXCN; các phương án về mức thu, cơ chế thu, dự kiến tổng số tiền thu được (theo các phương án được đề xuất) và cơ chế quản lý và sử dụng số tiền thu được; các tác động kinh tế, xã hội tiềm năng của việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR; Kế hoạch về việc thực hiện thí điểm cơ chế chi trả DVMTR đối với lĩnh vực SXCN; Tham mưu UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định về việc thí điểm cơ chế chi trả DVMTR đối với lĩnh vực SXCN.
Chuyên gia Đức trao đổi với kỹ sư quy trình vận hành dây chuyền MDF tại phòng điều hành trung tâm của Nhà máy |
Dự kiến thời gian thực hiện từ nay đến hết tháng 2/2017. Đối tượng nghiên cứu gồm: Các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Một số chủ rừng cung cấp dịch vụ duy trì và điều tiết nguồn nước cho SXCN; Một số khách hàng tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện các nội dung trên, Tổng Cục Lâm nghiệp, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam phối hợp đề xuất Dự án VFD tài trợ kinh phí cho các hoạt động liên quan; Hỗ trợ thông tin, định hướng nghiên cứu cho nhóm tư vấn; tổ chức các cuộc hội thảo và cuộc họp tham vấn có liên quan; Tham gia đóng góp ý kiến cho các báo cáo, tài liệu do nhóm tư vấn xây dựng...
Ngoài ra, Dự án Rừng và Đồng bằng (VFD) hỗ trợ kinh phí thuê tuyển các chuyên gia nghiên cứu, chi phí đi khảo sát của các chuyên gia và các chi phí liên quan tới tổ chức các cuộc họp/hội thảo tham vấn theo khung thời gian thực hiện nhiệm vụ của nhóm tư vấn.
Hải Yến
TIN LIÊN QUAN |
---|